Báo Đồng Nai điện tử
En

Công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình: Cần tận dụng cơ cấu dân số vàng

09:05, 06/05/2012

Tại buổi làm việc với Chi cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình tỉnh về công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) mới đây, ông Dương Quốc Trọng, Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ cho rằng, nhiều chỉ tiêu về DS-KHHGĐ ở Đồng Nai dù đạt được những con số khá đẹp nhưng vẫn còn nhiều bất ổn…

Tại buổi làm việc với Chi cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình tỉnh về công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) mới đây, ông Dương Quốc Trọng, Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ cho rằng, nhiều chỉ tiêu về DS-KHHGĐ ở Đồng Nai dù đạt được những con số khá đẹp nhưng vẫn còn nhiều bất ổn…

* Nhiều chỉ tiêu chưa ổn…

Bác sĩ Lưu Văn Dũng, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ cho biết, Đồng Nai giảm mất cân bằng giới tính khi sinh đạt 108 trẻ trai/100 trẻ gái, so với kế hoạch được giao là 113/100; số người sử dụng các biện pháp tránh thai đạt 100%;  tỷ lệ tăng dân số tự nhiên giảm chỉ còn 1,09% và tỷ suất sinh (số con bình quân của một bà mẹ trong độ tuổi sinh đẻ) là 1,9 con. So với kế hoạch đề ra, các chỉ tiêu đều đạt và vượt.

Chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em là một trong những giải pháp nâng cao chất lượng dân số.       Ảnh: P.Uyên
Chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em là một trong những giải pháp nâng cao chất lượng dân số. Ảnh: P.Uyên

Song, nếu phân tích và so sánh với mức bình quân cả nước và với một số tỉnh, thành có điều kiện kinh tế - xã hội tương tự Đồng Nai, những con số ấy chưa ổn. Tiến sĩ Dương Quốc Trọng đánh giá: “Đối với công tác DS-KHHGĐ, Đồng Nai đã thực hiện được khá nhiều việc. Tuy nhiên, những kết quả trên chưa thực chất. Nghĩa là một số chỉ tiêu thống kê tuy đạt và vượt, nhưng lại không đạt và vượt so với thực tế. Cụ thể, như số người sử dụng các biện pháp tránh thai năm 2011 đạt trên 100%, song thực tế, số người sử dụng các biện pháp tránh thai năm 2011 thấp hơn năm 2010, kết quả vượt là tất nhiên. Hoặc là tăng dân số tự nhiên, tỷ lệ trung bình cả nước là 1,04%, trong khi Đồng Nai đưa ra chỉ tiêu thực hiện là 1,09%. Hay với tỷ suất sinh, trong khi tỉnh Bình Dương cũng là một tỉnh công nghiệp đã đạt 1,7 con, thì Đồng Nai vẫn cứ “phấn đấu” đạt 1,9 con. Do đó, theo ông Trọng, Đồng Nai cần xem lại việc đề ra các chỉ tiêu phấn đấu thực hiện. Bởi dân số Đồng Nai mỗi năm một tăng (tăng tự nhiên lẫn tăng cơ học) mà chỉ tiêu đưa ra hàng năm còn rất thấp.

* Cần tận dụng cơ cấu dân số vàng

Với đặc thù của một tỉnh công nghiệp, có lượng lao động nhập cư đông, việc thực hiện công tác DS-KHHGĐ chắc chắn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nếu biết đặt trọng tâm vào đúng nhóm đối tượng đích, hiệu quả đem lại không chỉ có lợi cho công tác DS-KHHGĐ, mà còn đem lại lợi ích kinh tế do tận dụng được cơ cấu dân số vàng.

Đồng Nai cần thực hiện 5 mục tiêu ưu tiên trong công tác DS-KHHGĐ, đó là: Tập trung nâng cao chất lượng dân số; cải thiện tình trạng sức khỏe bà mẹ trẻ em; phát huy lợi thế cơ cấu dân số vàng; điều chỉnh tốc độ tăng dân số; tăng cường truyền thông vận động, trong đó tập trung vào giới công nhân lao động trong các khu công nghiệp, nhà trọ; giảm tỷ số chênh lệch giới tính khi sinh.

 

Theo bà Lê Thị Mỹ Lệ, Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh, trên địa bàn hiện có khoảng 300 ngàn lao động nữ, trong đó 90% trong độ tuổi sinh đẻ, nhưng công tác truyền thông về chăm sóc sức khỏe sinh sản, DS-KHHGĐ ở đối tượng này vẫn rất hạn chế vì khó tiếp cận với các doanh nghiệp, thiếu kinh phí hoạt động, ý thức của người lao động còn hạn chế… Ông Dương Quốc Trọng gợi ý: “Đồng Nai phải có một cách tiếp cận mới. Đó là ngoài những đối tượng lâu nay vẫn quan tâm, như: phụ nữ, học sinh - sinh viên thì nên nhắm vào đối tượng công nhân, lao động trẻ để tăng cường truyền thông, vận động thực hiện chính sách DS/KHHGĐ, cung cấp dịch vụ sức khỏe sinh sản, KHHGĐ. Điều này phải được cụ thể hóa bằng hệ thống các văn bản quy định của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và ngành y tế”.

Phương Uyên

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều