Những năm qua, tăng, ni, phật tử ở Đồng Nai đã phát huy tốt vai trò trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tích cực tham gia các phong trào thi đua, tu học hành đạo theo đúng đường hướng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Những năm qua, tăng, ni, phật tử ở Đồng Nai đã phát huy tốt vai trò trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tích cực tham gia các phong trào thi đua, tu học hành đạo theo đúng đường hướng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Đồng Nai là địa phương có số tự viện, tăng ni đông nhất cả nước, với 533 chùa, thiền viện, tu viện, tịnh xá, tịnh thất, niệm phật đường và gần 5.200 tăng, ni.
* Luôn kiện toàn công tác tổ chức
Thượng tọa Thích Huệ Hiền, Phó ban thường trực Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo cho biết, ở Đồng Nai có mặt hầu hết các hệ phái của Phật giáo. Để thống nhất ý chí hành động, công tác củng cố, kiện toàn về mặt tổ chức của Giáo hội Phật giáo tỉnh luôn được chú trọng. Theo đó, trong Ban Trị sự Phật giáo tỉnh khóa VI (nhiệm kỳ 2007-2012) đều có thành viên của các hệ phái. Bên cạnh đó, 11 huyện, TX. Long Khánh và TP. Biên Hòa cũng đều có Ban đại diện Phật giáo cấp huyện. Trong quá trình xây dựng và phát triển, công tác Phật giáo trên địa bàn tỉnh đã thống nhất được về mặt tổ chức và tôn trọng các hệ phái, từ đó đã làm nên được công tác Phật sự quan trọng trên nhiều lĩnh vực lợi đạo, ích đời, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu của tỉnh.
Khám chữa bệnh cho nhân dân ở Tuệ Tĩnh Đường của Phật giáo tỉnh. Ảnh: P.Hằng |
Trong đó, giáo dục là một trong những công tác nổi bật của Phật giáo tỉnh nhiệm kỳ qua. Ngay từ năm 1990, UBND tỉnh đã chấp thuận cho việc thành lập Trường cơ bản Phật học Đồng Nai. 10 năm sau trường được đổi tên thành Trường trung cấp Phật học. Hiện nhà trường có hai phân hiệu, một phân hiệu đào tạo tăng (mới được xây dựng khang trang tại xã Phước Tân, TP.Biên Hòa) và phân hiệu đào tạo ni (tại xã Long Phước, huyện Long Thành). Đến nay, Trường trung cấp Phật học của tỉnh đã mở được 7 khóa, đào tạo gần 1 ngàn tăng, ni sinh. Bên cạnh đó, năm 2010, Phật giáo tỉnh cũng đã mở được lớp cao đẳng Phật học, có 80 tăng, ni sinh theo học. Ngoài việc theo học Phật pháp tại địa phương, tăng ni trong tỉnh còn tích cực tu nghiệp trong và ngoài nước. Phật giáo Đồng Nai đã có 7 tăng ni học vị tiến sĩ, 6 tăng ni trình độ thạc sĩ và 120 tăng ni trình độ cử nhân. Đồng Nai còn là tỉnh đầu tiên của cả nước thành lập được Giảng sư đoàn với gần 150 vị có trình độ cao, tham gia giảng dạy tại các trường và học viện Phật giáo trong và ngoài tỉnh.
* Không tách rời giữa đạo và đời
Những năm qua Phật giáo Đồng Nai đã nỗ lực trong công tác từ thiện - xã hội. Trong đó, để góp phần vào việc chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, Giáo hội Phật giáo tỉnh đã thành lập Tuệ Tĩnh Đường (tại chùa Đức Quang, phường Tân Phong, TP.Biên Hòa), chuyên khám và chữa bệnh miễn phí cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Theo sư thầy Thích Quảng Trí, Chủ nhiệm phòng khám Tuệ Tĩnh Đường, không chỉ miễn hoàn toàn tiền khám, thuốc chữa bệnh cho người nghèo, Tuệ Tĩnh Đường còn hỗ trợ gạo, tiền hàng tháng cho một số trường hợp sau khi đã xuất viện nhưng hoàn cảnh kinh tế gia đình đặc biệt khó khăn. Đối với những trường hợp không thuộc diện nghèo thì đóng góp tùy tâm khi đến đây khám chữa bệnh. Trung bình mỗi ngày Tuệ Tĩnh Đường đón tiếp khoảng 100 bệnh nhân, có ngày cao điểm tới 500 bệnh nhân.
Phát huy những kết quả đạt được, nhiệm kỳ VII (2012-2017), công tác Phật sự của Phật giáo tỉnh sẽ chú trọng đến việc nâng cao trình độ kiến thức và nghiệp vụ cho đội ngũ hành chính và các ban, ngành của Tỉnh hội để đáp ứng yêu cầu công việc đề ra. Tiếp tục hướng dẫn tăng, ni thực hiện đúng đường hướng của Giáo hội và các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Quan tâm hơn đến công tác đền ơn đáp nghĩa; tích cực thực hiện các phong trào thi đua; chú trọng gây quỹ khuyến học giúp học sinh nghèo hiếu học ở từng địa phương, các cơ sở tự viện. |
Ngoài Tuệ Tĩnh Đường của Tỉnh hội, hiện nay trên địa bàn tỉnh còn có nhiều cơ sở chẩn trị miễn phí cho người nghèo, như: Tuệ Tĩnh Đường Linh Chiếu (xã Phước Thái, huyện Long Thành); phòng chẩn trị y dược dân tộc chùa Pháp Hoa (xã An Phước, huyện Long Thành); Chi hội Chữ thập đỏ Quan âm tu viện, phòng chẩn trị tịnh xá Ngọc Uyển (phường Bửu Hòa, TP.Biên Hòa)...
Trong khi đó, với quan niệm đi tu không chỉ để tụng kinh niệm Phật mà còn phải biết chia sẻ những khó khăn của chúng sanh, chùa Già Lam Thiện Sanh (phường Tân Tiến, TP.Biên Hòa) đã thành lập quán cơm xã hội để phục vụ thân nhân, bệnh nhân Bệnh viện tâm thần Trung ương 2 và người lao động nghèo. Sau 11 năm hoạt động, quán cơm xã hội của nhà chùa đã cung cấp 18 ngàn suất ăn miễn phí. Mới đây nhà chùa còn cấp 101 thẻ bảo hiểm y tế (trị giá 450 ngàn đồng/thẻ) cho những người có hoàn cảnh khó khăn ở 9 phường của TP.Biên Hòa.
Bên cạnh đó, tại Quan âm tu viện hiện vẫn duy trì tốt việc nuôi dưỡng hàng chục cụ già neo đơn, trẻ em khuyết tật, tâm thần, bại liệt với kinh phí nuôi dưỡng hơn 20 triệu đồng/tháng. Năm 2008, tịnh xá Bửu Sơn (xã Ngọc Định, huyện Định Quán) thành lập Trung tâm bảo trợ xã hội Hoa Sen Trắng, nuôi dưỡng người già, trẻ em mồ côi. Đồng thời, tịnh xá còn giúp chôn cất những người qua đời không có thân nhân và xem mạch, kê toa, bốc thuốc chữa bệnh cho người nghèo. Riêng Ban Từ thiện xã hội của Tỉnh hội còn thường xuyên in kinh sách bằng chữ braille để tặng người khiếm thị trong và ngoài tỉnh có nhu cầu tụng kinh niệm Phật, giúp họ thêm tin yêu vào cuộc sống.
Hàng năm tăng, ni và phật tử trong tỉnh cũng đã thực hiện các chuyến thăm và tặng quà bộ đội Trường Sa, bà con nghèo trong và ngoài tỉnh; cứu trợ đồng bào bị thiên tai trong và ngoài nước; tham gia vào các chương trình giảm nghèo ở địa phương; xây dựng nhà ở cho các đối tượng khó khăn; hiến đất xây dựng trường học... Tổng giá trị các hoạt động từ thiện - xã hội nhiệm kỳ qua của Phật giáo tỉnh là trên 77 tỷ đồng.
Phương Hằng