Được cất tiếng khóc chào đời vào đúng năm miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất, những người sinh năm 1975 giờ đây không ngừng phấn đấu, nỗ lực trong cuộc sống để khẳng định mình và hơn cả là không phụ lòng những người đã ngã xuống để có được ngày hôm nay.
Được cất tiếng khóc chào đời vào đúng năm miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất, những người sinh năm 1975 giờ đây không ngừng phấn đấu, nỗ lực trong cuộc sống để khẳng định mình và hơn cả là không phụ lòng những người đã ngã xuống để có được ngày hôm nay.
Anh Lê Thái Bình, Giám đốc Công ty cổ phần công nghệ Tin Việt Tiến: Có trách nhiệm nhiều hơn với xã hội
Gia đình quê gốc ở Quảng Nam, anh được sinh vào đúng năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Giám đốc Công ty cổ phần công nghệ Tin Việt Tiến được cha mẹ đặt cho cái tên Lê Thái Bình với mong muốn cho con được lớn lên sẽ không phải trải qua chiến tranh như cha mẹ. Anh Bình cho biết, gia đình có tới 10 anh chị em, cha mẹ lại nghèo, vì thế cuộc sống rất vất vả và phải tự lập là chính nhưng tất cả đều được học đại học. Những người anh, người chị của anh lớn lên, đi học và trưởng thành lại có trách nhiệm dìu dắt những người em của mình.
Quyền Giám đốc Trung tâm Văn miếu Trấn Biên Trần Đăng Ninh cùng với nhân viên trung tâm kéo cờ Tổ quốc tại Văn miếu Trấn Biên. Ảnh: C.NGHĨA |
Đến nay, anh Bình đã trở thành một trong những doanh nghiệp kinh doanh thiết bị tin học lớn nhất tại TP.Biên Hòa, giải quyết công ăn việc làm cho trên 50 nhân viên với mức lương từ 3,5 - 5 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, mỗi năm anh còn trích từ lợi nhuận kinh doanh của mình để tặng học bổng cho học sinh cuối cấp ở các trường THPT trong tỉnh, tặng máy tính, tiền, gạo để hỗ trợ một số cơ sở từ thiện, chăm sóc những trẻ em mồ côi tại chùa. Anh Bình tâm sự: “Có biết bao thế hệ cha anh đã hi sinh cho mình có cuộc sống hôm nay. Có may mắn được sinh vào năm đất nước được hòa bình vì thế mình phải không ngừng nỗ lực làm việc, đồng thời phải có trách nhiệm nhiều hơn với xã hội”.
Anh Trần Đăng Ninh, quyền Giám đốc Trung tâm Văn miếu Trấn Biên: Sẽ tăng cường quảng bá du lịch Đồng Nai
“Sau khi Đất nước giải phóng được 3 tháng thì tôi cất tiếng khóc chào đời. Điều này mang đến niềm vui nhân đôi cho cha mẹ tôi” - đó là tâm sự của anh Trần Đăng Ninh khi nói về niềm tự hào của mình vì đã được sinh ra đúng vào năm 1975. Anh còn cho biết, cha của anh từng là bộ đội chiến đấu tại vĩ tuyến 17, sau này là dân công hỏa tuyến làm đường và tải đạn phục vụ việc đưa quân vào chiến trường miền Nam.
Sau thời gian công tác tại Tỉnh đoàn, hiện anh Trần Đăng Ninh đảm nhiệm vai trò là Phó giám đốc Công ty cổ phần phát triển Bửu Long, kiêm quyền Giám đốc Trung tâm Văn miếu Trấn Biên. Được trưởng thành từ công tác Đoàn và phong trào thanh niên, anh Ninh đang ấp ủ nhiều dự định nhằm góp phần giúp cho nhiều khách tham quan biết và tìm đến Văn miếu Trấn Biên, Khu du lịch Bửu Long để hiểu sâu hơn về đất và người Đồng Nai.
Anh Đặng Lê Thắng, Phó chánh văn phòng Công ty TNHH một thành viên Điện lực Đồng Nai: Sống xứng đáng với người đã ngã xuống
“Tôi luôn cảm thấy hạnh phúc mỗi dịp kỷ niệm ngày thống nhất đất nước, vì đó là năm tôi được sinh ra” - đó là chia sẻ của anh Đặng Lê Thắng, Phó chánh văn phòng Công ty TNHH một thành viên Điện lực Đồng Nai. Anh là một trong 35 gương mặt cán bộ Đoàn - Hội tiêu biểu được tuyên dương trong chương trình “Ngày hội non sông” do Tỉnh đoàn tổ chức cách đây 2 năm.
Anh Thắng sinh tháng 10-1975, cha của anh từng tham gia chiến đấu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Chính cha là người đặt tên cho anh để ghi dấu chiến thắng lịch sử của dân tộc. Anh chia sẻ: “Là lớp trẻ được sinh ra sau chiến tranh, từng là cán bộ Đoàn, mình cảm thấy cần phải có trách nhiệm hơn với công việc của bản thân và xã hội để sống sao cho không phụ công lao của biết bao người đã ngã xuống”.
Chị Nguyễn Thúy Hằng, công nhân Công ty Chang Shin Việt Nam (xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu): Truyền niềm tự hào cho con
Cha của chị Thúy Hằng là bộ đội ngoài Bắc vào Nam chiến đấu. Ông từng tham gia giải phóng Phan Rang - Tháp Chàm (tỉnh Ninh Thuận) ngày 16-4-1975. Sau ngày miền Nam giải phóng, cha của chị đã đưa cả gia đình vào Ninh Thuận lập nghiệp. Khi lớn lên chị lại chuyển vào Đồng Nai làm việc và coi đây là quê hương của mình.
Chị Hằng đã có hai con, một cô con gái học lớp 8 và cậu con trai sắp bước vào lớp 6. Các con của chị mỗi dịp có điều kiện về thăm ngoại đều thích được ông kể cho nghe những câu chuyện ngày xưa, thuở ông tham gia những trận chiến đấu ác liệt với niềm tự hào. Đây cũng là cách để các con của chị hiểu hơn về một phần lịch sử của dân tộc, đặc biệt là ý nghĩa của chiến thắng năm 1975.
Công Nghĩa