Hội thi thực hành thí nghiệm vật lý, hóa học và sinh học cấp tỉnh bậc THCS do Sở GD- ĐT tổ chức vừa qua là dịp để học sinh có thêm kỹ năng vận dụng trong quá trình học tập…
Hội thi thực hành thí nghiệm vật lý, hóa học và sinh học cấp tỉnh bậc THCS do Sở GD- ĐT tổ chức vừa qua là dịp để học sinh có thêm kỹ năng vận dụng trong quá trình học tập…
Tuy nhiên, cũng qua cuộc thi này cho thấy, các trường đang rất thiếu các trang thiết bị thực hành thí nghiệm giúp nâng cao hiệu quả giáo dục.
* Đi thi để học hỏi
Trong trang phục blouse trắng, đôi bao tay da và chiếc khẩu trang che nửa khuôn mặt, thí sinh Nguyễn Thùy Xuân Thanh, Trường THCS Lê Quý Đôn (TX. Long Khánh) thể hiện sự khéo léo và tỉ mỉ của mình khi lấy từng chút hóa chất cho vào ống nghiệm. Cùng lúc, cô bạn Nguyễn Ngọc Lan Vy cẩn thận ghi chép quy trình thí nghiệm của đội mình. Lan Vy chia sẻ: “Học lý thuyết và được thực hành, chúng em nhớ bài rất lâu. Do đó mà ở phần thực hành hôm nay, chúng em thấy tự tin hơn nhiều”.
Học sinh tham gia hội thi thực hành thí nghiệm. Ảnh: N.Tuyết |
Trong khi đó, Trương Ngọc Thành Nhân (học sinh Trường THCS Ngô Quyền, huyện Thống Nhất) thở phào nhẹ nhõm khi vừa hoàn thành phần thi thực hành vật lý của mình. Thành Nhân cho biết: “Đề thi lần này với em là vừa sức, tuy nhiên do phần thi là sự phối hợp của hai người nên phải biết phân bổ công việc để làm sao đảm bảo đúng thời gian, khoa học mà kết quả chính xác nhất. Trải qua cuộc thi lần này em thấy mình tự tin hơn khi làm việc nhóm, có thêm kỹ năng khi thực hành thí nghiệm”.
Còn Phạm Ngọc Khôi Nguyên, Trường THCS Vĩnh Thanh (huyện Nhơn Trạch) thì lắc đầu, cho hay: “Có đi thi mới biết, thực hành quan trọng thế nào. Tiếc là, ở trường không có điều kiện thực hành nhiều nên khi vào thi em hơi lúng túng”.
* Thiếu trang thiết bị thí nghiệm
Thầy Lưu Quang Ban, Phó phòng Giáo dục trung học (Sở GD-ĐT), Phó ban tổ chức hội thi nhận định: Mặc dù chất lượng hội thi mỗi năm được nâng lên nhưng cách thể hiện của các em còn thiếu sự chuyên nghiệp. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này là do các trường còn thiếu trang thiết bị thí nghiệm. Hiện hầu hết các tiết thực hành ở các môn khoa học tự nhiên đều yêu cầu phải có thiết bị thí nghiệm, thực hành, dụng cụ trực quan… song mới chỉ có một số trường chuẩn được trang bị đầy đủ trang thiết bị thí nghiệm, còn lại rất nhiều trường, nhất là các trường ở vùng sâu, vùng xa còn thiếu thốn, chưa đồng bộ. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ làm công tác thiết bị còn thiếu và mỏng làm ảnh hưởng đến hiệu quả của tiết thực hành, luyện tập của học sinh.
Cũng theo thầy Ban, để tránh tình trạng “dạy chay”, “học chay”, trước khi có nguồn kinh phí hỗ trợ, các trường cần nỗ lực hơn trong việc xây dựng phòng thực hành, thí nghiệm đúng tiêu chuẩn cho các tổ bộ môn; đồng thời cần có hệ thống thiết bị thí nghiệm, thực hành đồng bộ. Bên cạnh đó, việc thường xuyên tổ chức các cuộc thi sáng tạo đồ dùng dạy học cũng là dịp để làm phong phú, đa dạng hơn những thiết bị thực hành, dụng cụ trực quan nhằm kích thích khả năng tìm tòi, khám phá của học sinh và đổi mới phương pháp giảng dạy của giáo viên.
Nguyễn Tuyết