Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2012 có 6 môn thi, gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Lịch sử, Địa lý và Hóa học.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2012 có 6 môn thi, gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Lịch sử, Địa lý và Hóa học.
* Tăng tốc ôn tập
Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Quyền (TP.Biên Hòa) Nguyễn Duy Phúc cho biết: Năm 2010, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp của trường đạt 100%. Kỳ thi tốt nghiệp năm nay, nhà trường đang cố gắng để duy trì kết quả này. Do đó, ngay từ đầu năm học, 516 học sinh lớp 12 đã được học sâu 3 môn “cứng” trong chương trình thi tốt nghiệp, gồm: Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ. Các môn lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học được học đều, bởi đây có thể là các môn thi tốt nghiệp và quan trọng hơn sẽ là những môn các em thi đại học, cao đẳng. Dù chất lượng đầu vào của học sinh Trường THPT Ngô Quyền ổn định, song không vì thế mà nhà trường chủ quan. Ngay sau khi Bộ GD-ĐT công bố môn thi tốt nghiệp, trường đã tổ chức phân loại học sinh có học lực trung bình, yếu ở 6 môn để tiến hành phụ đạo kịp thời.
Học sinh Trường THPT Long Thành trong một giờ ôn tập môn Địa lý. Ảnh: C.NGHĨA |
Thầy Nguyễn Văn Toàn, Hiệu trưởng Trường THPT Long Phước (huyện Long Thành) cho biết, 490 học sinh lớp 12 của trường đã được phân loại ngay từ sau tết. Trường đã chọn ra 3 lớp với gần 100 học sinh tốp dưới, đồng thời cử những giáo viên có kinh nghiệm lâu năm để ôn thi cho các học sinh này. Phương pháp ôn tập tốt nghiệp cho học sinh lớp 12 của Trường THPT Long Phước là, sáng học chính khóa, chiều kiểm tra bài. “Tinh thần ôn thi tốt nghiệp là học hiểu chứ không phải học thuộc. Do đó, thầy cô sẽ tập trung cao độ cho học sinh ôn tập để các em bước vào phòng thi đủ kiến thức, đạt kết quả tốt nghiệp cao” - Hiệu trưởng Trường THPT Long Phước nói.
Em Trần Phương Thanh, học sinh lớp 12A2 Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh (giải nhì môn Lịch sử cấp quốc gia năm 2012), chia sẻ: “Không phải là học sinh lớp chuyên sử nhưng em đã học môn sử một cách đam mê. Để ôn tập tốt môn Lịch sử, cần hệ thống lại kiến thức theo trình tự thời gian, ôn tập theo hướng dẫn của giáo viên. Muốn nhớ nhanh và nhớ lâu các sự kiện lịch sử nên soạn thành đề cương tóm tắt. Thức dậy vào buổi sáng sớm để học môn Lịch sử sẽ hiệu quả hơn, ngoài ra học nhóm cũng là phương pháp tốt”. |
Học sinh khối 12 các trường bổ túc THPT hàng năm thường có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp thấp do chất lượng đầu vào hạn chế, nhiều học sinh phải đi làm nhiều hơn đi học. Với kỳ thi tốt nghiệp THPT có nhiều môn xã hội như năm nay, nếu không dành thời gian ôn thi tốt thì tỷ lệ đỗ tốt nghiệp sẽ bị ảnh hưởng. Em Phạm Văn Phong, học sinh lớp 12 Trung tâm giáo dục thường xuyên TP.Biên Hòa cho biết: “Đi làm em cũng phải mang theo tài liệu, giờ nghỉ trưa thì tranh thủ học chứ không dám ngủ trưa”.
* Để không ngại môn Lịch sử, Địa Lý
Một thực tế buồn đối với các môn xã hội, nhất là hai môn Lịch sử và Địa lý, đó là ngày càng ít học sinh đăng ký dự thi cao đẳng, đại học. Do vậy, việc có nhiều môn xã hội trong các môn thi tốt nghiệp khiến không ít học sinh lo lắng.
Học sinh lớp 12 ôn thi tốt nghiệp. Ảnh: C.NGHĨA |
Cô giáo Hoàng Thị Hồng Dương, Tổ trưởng bộ môn Sử, Địa, Giáo dục công dân Trường THPT Ngô Quyền cho rằng, càng ngại những môn Sử, Địa thì việc ôn tập sẽ không thể hiệu quả nên cách tốt nhất là học sinh phải ngồi vào ôn tập một cách nghiêm túc. “Để đạt được điểm 7 trong môn lịch sử không quá khó, tuy nhiên đòi hỏi học sinh phải có được những kiến thức cơ bản, trình bày rành mạch. Các em phải xác định học hiểu khác với học thuộc. Học thuộc có thể quên, còn học hiểu thì khó quên” - cô Dương cho biết.
Lịch thi tốt nghiệp THPT năm 2012: Ngày 2-6, buổi sáng thi môn Ngữ văn (150 phút), buổi chiều thi Hóa học (60 phút); ngày 3-6, buổi sáng thi môn Địa lý (90 phút), buổi chiều thi môn Lịch sử (90 phút); ngày 4-6, buổi sáng thi môn Toán (150 phút), buổi chiều thi môn Ngoại ngữ (60 phút), môn Vật lý (60 phút) đối với thí sinh thi môn thay thế và thí sinh hệ giáo dục thường xuyên. |
Cũng theo cô giáo Hồng Dương, khó nhất trong môn lịch sử là nhớ được ngày, tháng, năm diễn ra sự kiện, muốn vậy phải ôn bài theo trình tự giai đoạn lịch sử. Học sinh cần ghi nhớ theo cách: mỗi sự kiện có bao nhiêu đề mục, mỗi đề mục có bao nhiêu ý. Khi làm bài thi cần đọc kỹ đề, viết sơ ra nháp các ý chính để gợi nhớ các ý phụ.
“Không ít học sinh tỏ ra thích thú với môn Địa lý, đặc biệt là học sinh khá, giỏi khối tự nhiên, vì môn này có liên quan ít nhiều tới tính toán, xử lý số liệu” - cô giáo Ngô Thị Tín, Tổ trưởng bộ môn Sử, Địa, Giáo dục công dân Trường THPT Long Thành cho biết. Theo cô Tín, kiến thức cơ bản của môn Địa lý đã nằm trọn trong sách giáo khoa, học sinh chỉ cần nắm vững kiến thức các phần. Ngoài ra, học sinh cần thuần thục kỹ năng xử lý số liệu, vẽ biểu đồ, phân tích, nhận xét… Cô giáo Tín lưu ý, atlat địa lý Việt Nam chính là “bửu bối” giúp học sinh học và làm bài tốt môn thi địa lý.
Công Nghĩa