Theo đánh giá của nhiều trường THPT, các ngành thuộc khối kinh tế tiếp tục là sự lựa chọn của nhiều thí sinh trong kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2012. Trong khi đó, các ngành thuộc khối khoa học xã hội lại khá thưa thớt thí sinh đăng ký…
Theo đánh giá của nhiều trường THPT, các ngành thuộc khối kinh tế tiếp tục là sự lựa chọn của nhiều thí sinh trong kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2012. Trong khi đó, các ngành thuộc khối khoa học xã hội lại khá thưa thớt thí sinh đăng ký…
Nguyên nhân chính khiến thí sinh tiếp tục chuộng các ngành thuộc khối kinh tế là bởi khả năng dễ tìm việc làm, thu nhập cao sau khi ra trường.
* Đổ xô vào khối kinh tế
Năm học này, Trường THPT Thống Nhất A (huyện Trảng Bom) có 600 học sinh lớp 12 ở 15 lớp, trong đó có 12 lớp ban A và 3 lớp ban cơ bản. Nhà trường đã tư vấn cho học sinh lớp 12 phải nghiên cứu kỹ việc chọn trường, chọn ngành trước khi nộp hồ sơ, thậm chí có thể nộp vào hạn chót (tức ngày 16-4). Qua 600 hồ sơ đăng ký dự thi đã nộp, khối kinh tế vẫn là ưu tiên số một của học sinh. Các ngành khoa học xã hội, như: tâm lý học, lịch sử, xã hội học… rất ít học sinh đăng ký dự thi.
Học sinh Trường TH-THCS-THPT Bùi Thị Xuân nộp hồ sơ đăng ký thi đại học, cao đẳng sáng ngày 13-4. Ảnh: C.Nghĩa |
Đào Lưu Hữu Tài, học sinh lớp 12A3 Trường THPT Long Thành cho biết: “Em chọn thi khối kinh tế vào một trường đại học công lập tại TP.Hồ Chí Minh vì cơ hội việc làm và thu nhập của ngành này thường cao hơn những ngành khối xã hội”. Còn Trần Thanh Hằng, học sinh lớp 12A2 Trường THPT Nhơn Trạch, cho hay: “Em chọn thi vào khối kinh tế sau khi đã tham khảo ý kiến của gia đình. Thi vào khối kinh tế sẽ có cơ hội trúng tuyển cao hơn, vì nhiều trường tuyển, có nhiều ngành để lựa chọn, như: tài chính ngân hàng, quản trị kinh doanh, kế toán, ngoại thương...”.
Ngày 16-4 là thời điểm cuối cùng thu hồ sơ đăng ký dự thi đại học, cao đẳng của thí sinh lớp 12 (tốt nghiệp THPT năm 2012) theo hệ thống các trường THPT. Từ ngày 17 đến 20-4, các trường THPT sẽ nhập dữ liệu và nộp hồ sơ về Sở GD-ĐT. Những thí sinh có nguyện vọng nộp thêm hồ sơ, hoặc thí sinh tự do tốt nghiệp THPT từ năm 2011 trở về trước có nguyện vọng thi đại học, cao đẳng có thể nộp tại các phòng GD-ĐT 11 huyện, TX.Long Khánh và TP.Biên Hòa, Phòng Giáo dục chuyên nghiệp (Sở GD-ĐT), hoặc nộp trực tiếp tại các trường đại học, cao đẳng có tổ chức thi (thời gian nộp từ ngày 17 đến hết 23-4). |
Theo thầy Trần Nguyễn Quốc Việt, Phó hiệu trưởng Trường THPT Long Thành, kỳ tuyển sinh năm nay, trường có 10 hồ sơ của học sinh đăng ký thi ngành báo chí. Còn lại, đa số học sinh chọn khối kinh tế và các ngành kỹ thuật, công nghệ thông tin, công nghệ thực phẩm...
Thầy Đặng Dương Huệ, Hiệu trưởng Trường THPT Long Khánh cho hay, phần đông học sinh của trường đăng ký hồ sơ thi đại học đều có nguyện vọng ở các trường top trên, như: kinh tế, y dược. Trong khi đó, Giám đốc Trung tâm giáo dục thường xuyên TP.Biên Hòa Nguyễn Hữu Trí lại cho biết, hiện nhiều học sinh vừa làm hồ sơ đăng ký dự thi đại học, cao đẳng vừa có tâm lý lo kết quả thi tốt nghiệp. Tuy nhiên, phần đông học sinh có xu hướng muốn thi vào các ngành dễ tìm việc, như: kế toán, quản trị kinh doanh; một số khác thì chọn việc học nghề cho phù hợp với lực học.
* Cẩn trọng chọn nghề
Sở dĩ có hiện tượng thí sinh đổ xô thi vào các khối kinh tế, theo nhận định của hiệu trưởng nhiều trường THPT, đó là do “chạy theo tâm lý đám đông”. Tâm lý này có thể ảnh hưởng rất lớn đến xu hướng chọn ngành, nghề phù hợp, làm mất cân bằng lực lượng lao động xã hội trong những năm tới đây.
Học sinh lớp 12 Trường THPT Long Thành trong một tiết ôn tập. Ảnh: C.Nghĩa |
Cô Lê Thị Hà, Hiệu trưởng Trường THPT Nam Hà (TP.Biên Hòa) cho biết: Đến nay công tác hướng nghiệp cho học sinh đã được quan tâm nhưng cần làm mạnh hơn. Việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh chủ yếu dựa vào vai trò của giáo viên chủ nhiệm, vì chỉ giáo viên chủ nhiệm mới nắm rõ học lực của học sinh có đủ sức thi đại học, cao đẳng hay chỉ nên vào trường nghề. Hơn nữa, việc hướng nghiệp cho học sinh là vấn đề khá tế nhị, nếu không khéo sẽ ảnh hưởng tới tâm lý của học sinh có học lực trung bình yếu. Tuy nhiên, cũng theo cô Hà, nhờ làm tốt công tác hướng nghiệp nên năm nay trường vẫn có khá đông học sinh đăng ký thi vào các ngành thuộc khối nông lâm, kỹ thuật.
Thầy Trần Xuân Tiếu, Hiệu trưởng Trường THPT Thống Nhất A, cho rằng: “Cán bộ hướng nghiệp của trường đã tư vấn rất kỹ việc chọn trường, chọn ngành cho thí sinh. Tuy nhiên, nếu học sinh vẫn đổ xô vào thi khối kinh tế thì tỷ lệ chọi là rất cao, cơ hội đậu sẽ thấp. Mặt khác, việc đổ xô vào học khối này sẽ dẫn đến khả năng bão hòa nhân lực trong những năm tới”.
Việc hướng nghiệp cho học sinh hiện nay vẫn là một nhiệm vụ khó với không ít phụ huynh. Chị Lê Thị Hường, ở xã Hiệp Phước, có con trai học tại Trường THPT Phước Thiền (huyện Nhơn Trạch) chia sẻ: “Việc định hướng cho con thi trường gì và học ngành nào, chủ yếu dựa vào lời khuyên của thầy cô và ý thích của con là chính. Phụ huynh ở nông thôn như chúng tôi mong con thi đậu vào một trường đại học công lập nào đó học cho cha mẹ đỡ tốn tiền”.
Thạc sĩ Lê Minh Công, chuyên gia tâm lý cho rằng: Phụ huynh cần là chỗ dựa vững chắc để tư vấn cho con mình trong việc chọn trường, ngành học phù hợp. Tuy nhiên, không nên áp đặt, chạy theo tâm lý nhất thiết phải thi đậu đại học bằng mọi giá, hoặc phải thi vào ngành “hot” mà không phù hợp với khả năng, sở trường. “Từng có trường hợp cha mẹ đạt được mục đích là ép con thi vào trường mà họ mong muốn nhưng kết quả học tập lại không đạt, vì chính con họ không tìm được sự đam mê trong ngành học đó. Có trường hợp tốt nghiệp ra trường nhưng thấy ngành đó không phù hợp với sở trường nên bỏ đi làm nghề khác”- thạc sĩ Lê Minh Công nói.
Công Nghĩa