Báo Đồng Nai điện tử
En

Bình đẳng giới trong lao động và việc làm

08:04, 24/04/2012

Chương trình giới của Liên hiệp quốc cho biết, ở Việt Nam, tỷ lệ thất nghiệp của phụ nữ cao hơn và có sự bất bình đẳng giới trong việc làm và ngành nghề.

Chương trình giới của Liên hiệp quốc cho biết, ở Việt Nam, tỷ lệ thất nghiệp của phụ nữ cao hơn và có sự bất bình đẳng giới trong việc làm và ngành nghề.

Còn theo cuộc điều tra về lao động, việc làm năm 2011 của Viện Khoa học lao động và xã hội, tỷ lệ, số lượng nữ tham gia lao động cũng như chất lượng lao động,  tiền lương và thu nhập bình quân của phần lớn lao động nữ thường thấp hơn so với lao động nam.

* Chưa công bằng với lao động nữ

Luật Bình đẳng giới quy định: Nam, nữ bình đẳng về tiêu chuẩn, độ tuổi khi tuyển dụng lao động, được đối xử bình đẳng tại nơi làm việc, tiền công, tiền thưởng, điều kiện lao động và các điều kiện làm việc khác. Ngoài ra, nam, nữ còn bình đẳng về cơ hội việc làm và quyền tự do lựa chọn việc làm; bảo đảm việc làm, chống phân biệt đối xử. Đặc biệt, đối với lao động nữ là quyền được bảo vệ sức khỏe, an toàn lao động, trong đó có chức năng sinh sản và nuôi con...

Cán bộ phụ nữ xã, phường thi công nghệ thông tin. Ảnh: P. Liễu
Cán bộ phụ nữ xã, phường thi công nghệ thông tin. Ảnh: P. Liễu

Bà Nguyễn Phước Mạnh, Trưởng ban nữ công (Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh cho hay, thúc đẩy và thực hiện các quyền của lao động nữ, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của chị em luôn là mối quan tâm hàng đầu và là một trong những ưu tiên trong hoạt động nữ công. Tuy nhiên, theo bà Mạnh, nhiều doanh nghiệp vi phạm pháp luật lao động, Luật Bình đẳng giới đối với lao động nữ, thậm chí ngay từ thông báo tuyển dụng, lao động nữ thường bất lợi hơn lao động nam, như độ tuổi trẻ hơn, có ngoại hình và thể lực tốt… thậm chí một số doanh nghiệp còn yêu cầu lao động nữ cam kết thời gian lấy chồng và sinh con cùng với các yêu cầu khác về thể trạng... Những quy định thiếu bình đẳng này sẽ liên quan đến hôn nhân và việc sinh con của lao động nữ.

Tại hội thảo “Vai trò của Công đoàn thúc đẩy bình đẳng giới” do Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức mới đây, ông Huỳnh Tấn Kiệt, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh cũng cho biết: Một số doanh nghiệp không ký hợp đồng lao động, không xác định thời hạn đối với lao động nữ, khi lao động nữ có thai và nuôi con nhỏ dưới 12 tháng hết hạn hợp đồng thì doanh nghiệp không giao kết tiếp, trong khi đó Luật Lao động quy định người sử dụng lao động không được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với lao động nữ khi đang có thai, nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi... Vì vậy, đã có nhiều lao động nữ không được hưởng chế độ thai sản do hợp đồng lao động bị chấm dứt. Hoặc theo quy định, lao động nữ khi mang thai được nghỉ 5 lần để đi khám thai theo định kỳ. Song, nhiều doanh nghiệp không cho lao động nữ được hưởng lương, hoặc thưởng chuyên cần trong những lần đi khám thai.

Về mức lương của lao động nữ làm việc trong các ngành dệt may, da giày -  là những ngành sử dụng đông lao động nữ - cũng thường thấp hơn so với một số ngành nghề công nghiệp khác. Cường độ làm việc của người lao động ở những ngành nghề này khá cao, việc trả lương chưa tương xứng với giá trị lao động đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng sống của lao động nữ.

* Đẩy mạnh truyền thông về bình đẳng giới

Theo bà Nguyễn Phước Mạnh, muốn thúc đẩy bình đẳng giới và cải thiện điều kiện làm việc của lao động nữ, cần đẩy mạnh truyền thông về bình đẳng giới, nâng cao nhận thức của cả nam và nữ lao động tại nơi làm việc. Việc thúc đẩy này phải được xem là một trong những hoạt động thường xuyên của các tổ chức  công đoàn.

Được biết, trong năm 2011, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã ban hành “Chương trình hành động về bình đẳng giới”,  nhằm thực hiện có hiệu quả Chiến lược quốc gia bình đẳng giới giai đoạn 2011 – 2020, trong đó yêu cầu tổ chức công đoàn tại các địa phương tập trung thúc đẩy bình đẳng giới thông qua các hoạt động chăm lo quyền, lợi ích về lao động, việc làm và đời sống cho lao động nữ, trong đó chú trọng đến việc giải quyết những khó khăn về đời sống, việc làm cho lao động nữ nhập cư. Chương trình cũng nêu rõ: Trong công tác truyền thông về bình đẳng giới, công đoàn các địa phương cần có hình thức và phương pháp truyền thông đa dạng, phong phú với nhiều đối tượng. Qua đó giáo dục nâng cao nhận thức về giới, bình đẳng  giới cho cả nam lẫn nữ và đặc biệt là những người làm công tác công đoàn trong các nhà máy, xí nghiệp.

Những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu trong công tác thực hiện bình đẳng giới đến năm 2020 trên địa bàn Đồng Nai

1-Kiện toàn bộ máy, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị về bình đẳng giới.

2-Tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ.

3-Rà soát văn bản quy phạm pháp luật về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ.

4-Xây dựng các kế hoạch, đề án và thực hiện các chính sách, chương trình, dự án về bình đẳng giới, các giải pháp phù hợp với mục tiêu bình đẳng giới nhằm tạo điều kiện cho sự phát triển của phụ nữ.

5- Nâng cao vị thế của phụ nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, thông qua việc tăng cường sự tham gia lãnh đạo và quản lý của phụ nữ, thực hiện nguyên tắc bình đẳng giữa nam và nữ, tham mưu cơ chế, chính sách cụ thể  về độ tuổi trong quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm đối với cán bộ, công chức nữ phù hợp với pháp luật hiện hành.

6- Chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho lao động nữ trong các khu công nghiệp.

7-Quy định trách nhiệm của các cơ quan hành chính Nhà nước ở các cấp trong việc bảo đảm cho nữ cán bộ, công chức tham gia quản lý Nhà nước.

8- Huy động nguồn lực cho các hoạt động bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ.

9-  Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và hợp tác khu vực về bình đẳng giới.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Phương Liễu

 

 

 

 

Tin xem nhiều