Theo Bộ Lao động - thương binh và xã hội, trong năm 2011 Đồng Nai tiếp tục là địa phương có số vụ tai nạn lao động tăng cao. Trong đó, Đồng Nai đứng thứ 4 trong cả nước về số người chết do tai nạn lao động.
Theo Bộ Lao động - thương binh và xã hội, trong năm 2011 Đồng Nai tiếp tục là địa phương có số vụ tai nạn lao động tăng cao. Trong đó, Đồng Nai đứng thứ 4 trong cả nước về số người chết do tai nạn lao động.
Muốn giảm thiểu những thiệt hại cả về người và tài sản do không đảm bảo an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) cần tìm ra những biện pháp hữu hiệu để nâng cao nhận thức. của chủ sử dụng lao động cũng như người lao động.
* Những cái chết không báo trước
Ngày 9-3 vừa qua, tại một công ty xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng trên địa bàn TP.Biên Hòa đã xảy ra vụ tai nạn lao động nghiêm trọng. Nạn nhân là một nam công nhân sau đó đã qua đời tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.Hồ Chí Minh) do bị thương quá nặng. Điều đáng lưu ý, chỉ trước đó ít ngày, đoàn kiểm tra liên ngành của Ban chỉ đạo tuần lễ quốc gia về ATVSLĐ - phòng chống cháy nổ (PCCN) của tỉnh đã đến kiểm tra tại công ty này và kết quả kiểm tra được đánh giá là thực hiện tốt các quy định về ATVSLĐ-PCCN. Qua vụ tai nạn nghiêm trọng này cho thấy, dù có làm tốt thì tai nạn lao động cũng vẫn có thể xảy ra trong quá trình sản xuất.
Trang bị bảo hộ lao động, người có người không. Ảnh: C.NGHĨA |
Một vụ tai nạn lao động có tới 2 người chết do thiết bị lao động không đảm bảo an toàn, đó là vụ xảy ra vào tháng 6-2011 tại Công ty TNHH thép Seah Việt Nam (KCN Biên Hòa II). Nạn nhân là anh Lê Văn Chưng (40 tuổi, quê Hải Dương) và anh Nguyễn Đình Tường (32 tuổi, quê Nghệ An). Theo kết luận của cơ quan chức năng, hai anh Chưng và Tường đang thao tác đóng gói các ống thép thì móc cẩu rơi trúng vào người.
Vào đúng ngày cuối cùng của năm 2011, tại công trường xây dựng nhà xưởng của Công ty TNHH Casear (KCN Nhơn Trạch 1), anh Trần Quốc Bình (28 tuổi, quê ở tỉnh Cà Mau) là công nhân của Công ty TNHH xây dựng NTCS Bình Chánh (TP.Hồ Chí Minh) đã chết ngay tại chỗ sau khi rơi từ độ cao 20 mét trong lúc vận chuyển các tấm ván phục vụ xây dựng.
Theo ông Lâm Duy Tín, Phó giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội, trong năm 2011 toàn tỉnh đã xảy ra 1.453 vụ tai nạn lao động, tăng 3,6% so với năm 2010, trong đó có 25 người chết (tăng 4 người), số người bị thương giảm 21 người. Trong khi số vụ tai nạn lao động có người bị thương được kéo giảm, thì số vụ tai nạn lao động dẫn đến chết người lại có chiều hướng tăng. Ông Tín cho rằng, cần phải khẩn trương tiến hành các biện pháp đồng bộ để kéo giảm tình hình mất an toàn lao động.
* Làm gì để hạn chế?
Điều đáng lưu ý, trong số 24 vụ tai nạn lao động làm 25 người chết trong năm 2011, phần lớn nạn nhân là lao động trực tiếp trên công trường hay bên cạnh các thiết bị máy móc không đảm bảo an toàn. Nạn nhân chủ yếu có hộ khẩu ngoại tỉnh đến Đồng Nai làm thuê cho các doanh nghiệp (DN). Tình huống xảy ra tai nạn lao động chết người chủ yếu là rơi từ trên cao, bị điện giật hoặc bị vật có khối lượng lớn đè lên người... Nguyên nhân phổ biến dẫn đến các vụ tai nạn vẫn là người lao động vi phạm các quy trình, biện pháp bảo hộ an toàn lao động, máy và thiết bị không đảm bảo an toàn hoặc không có quy trình, biện pháp an toàn lao động… Đồng thời, chủ sử dụng lao động chưa quan tâm thỏa đáng tới việc xây dựng và thực hiện quy trình, biện pháp bảo hộ an toàn lao động...
Trong 24 vụ tai nạn lao động dẫn đến chết người trong năm 2011 thì DN tư nhân, DN có vốn đầu từ nước ngoài chiếm tỷ lệ cao nhất. Bà Nguyễn Thị Thanh Toàn, Trưởng ban Bảo hộ lao động Liên đoàn Lao động tỉnh cho biết: Hiện vẫn còn không ít DN tư nhân và DN có vốn đầu tư nước ngoài coi thường các biện pháp bảo đảm các quy trình về an toàn lao động. Việc nâng cao ý thức của chủ DN xem ra khó khăn khi họ mới chỉ nghĩ đến lợi nhuận mà quên đi tính mạng của người lao động, do đó rất cần những chế tài đủ mạnh. |
Ông Lê Ngọc Tích (Sở Công thương) cho biết: Qua đợt kiểm tra tại các DN khai thác mỏ và có sử dụng hóa chất công nghiệp mới đây, có rất nhiều sai phạm cần phải được chấn chỉnh kịp thời, nếu không có thể xảy ra tai nạn lao động bất kỳ lúc nào. Đó là tình trạng DN nổ mìn để khai thác đá nhưng không có biển báo, dây điện hạ thế nằm dưới đường đi, những hố sâu khai thác đá không có rào chắn, thậm chí ban đêm không có đèn chiếu sáng hay biển cảnh báo cho người và phương tiện biết để tránh xa khu vực nguy hiểm… Theo ông Tích, công tác thanh kiểm tra và xử phạt nặng cần được tiến hành thường xuyên, nếu vi phạm nghiêm trọng có thể buộc DN phải tạm ngưng khai thác cho đến khi đảm bảo an toàn.
Hiện các biện pháp xử lý DN vi phạm các quy định về an toàn lao động vẫn còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe đối với chủ sử dụng lao động. Ông Lâm Duy Tín cho biết, để kéo giảm tình hình tai nạn lao động có chiều hướng tăng cao, năm 2012 Sở sẽ phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan tăng cường công tác thanh kiểm tra chuyên sâu về an toàn lao động, đặc biệt đối với những ngành nghề có tính nguy hiểm cao, rủi ro cao, như: khai thác mỏ, các công trình xây dựng, sử dụng an toàn điện. Ngành sẽ tăng cường phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức tập huấn, huấn luyện đảm bảo về ATVSLĐ-PCCN cho chủ DN và người lao động, đặc biệt là các DN tư nhân. Đối với những DN vi phạm, ngoài việc bị xử phạt nặng, Sở sẽ đề nghị đưa công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân được biết.
Đặng Công