Báo Đồng Nai điện tử
En

Để học sinh yêu sử nước nhà

10:03, 02/03/2012

1. Phương pháp học Lịch sử qua những chuyến đi đang được các trường TH, THCS, THPT hết sức chú trọng. Giáo dục truyền thống lịch sử và cách mạng cho học sinh, ngoài tiêu chí xây dựng phong trào “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” ra, còn giúp làm sáng hơn, sâu hơn các bài sử đã học trên lớp, gieo vào lòng học trò niềm đam mê môn học...

1. Phương pháp học Lịch sử qua những chuyến đi đang được các trường TH, THCS, THPT hết sức chú trọng. Giáo dục truyền thống lịch sử và cách mạng cho học sinh, ngoài tiêu chí xây dựng phong trào “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” ra, còn giúp làm sáng hơn, sâu hơn các bài sử đã học trên lớp, gieo vào lòng học trò niềm đam mê môn học... Ở thời điểm này, các trường học kết hợp cùng chương trình tham quan du lịch, tổ chức cho học sinh đến với những địa chỉ di tích lịch sử, bảo tàng... Thường các trường học chọn Nhà bảo tàng, các di tích lịch sử của tỉnh cho học sinh tham quan, xa hơn là đi các địa phương lân cận có những di tích nổi tiếng, như nhà tù Phú Lợi (Bình Dương), địa đạo Củ Chi, Bến Dược, Bến Nhà Rồng, Bảo tàng Tôn Đức Thắng, Dinh Thống Nhất, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Bảo tàng lịch sử (TP. Hồ Chí Minh)...

Học sinh tham quan Nhà Bảo tàng tỉnh.  Ảnh: C.NGHĨA
Học sinh tham quan Nhà Bảo tàng tỉnh. Ảnh: C.NGHĨA

Mới đây, những cô cậu học trò lớp 5 vừa được cô giáo giảng trên lớp về sự kiện lịch sử liên quan đến nhà tù Phú Lợi, vài ngày sau đã được nhà trường tổ chức cho tham quan thực tế. Thật cảm động khi nhìn thấy em nào cũng háo hức lắng nghe, tìm hiểu, ghi chép. Tinh thần yêu nước, tinh thần dân tộc đã thấm vào lòng các em học sinh thật mãnh liệt. Các em rõ hơn, sâu sắc hơn về bao máu xương cha ông đã đổ xuống cho nước nhà thống nhất, cho cuộc sống ấm no, hạnh phúc hôm nay.

Bằng cách tiếp cận môn học hết sức nhẹ nhàng từ những hiện vật lịch sử được trưng bày, bằng những cách hướng dẫn, dẫn chuyện của nhân viên ở các di tích, các bảo tàng đã lôi cuốn sự say mê của các em vào những sự kiện, câu chuyện lịch sử vẻ vang, chói lọi, hào hùng của dân tộc. Chính mắt nhìn thấy những hiện vật, các em sẽ có niềm đam mê, thích thú khám phá và tìm hiểu lịch sử nước nhà. Những tư liệu, hình ảnh sẽ thấm sâu vào tiềm thức các em, giúp giờ học sử sau này sẽ không còn khô khan mà trở nên hay hơn, sinh động hơn. Học sinh sẽ trân trọng, tự hào và thích thú với môn học.

2. Học Lịch sử bằng những câu chuyện dưới cờ cũng là hình thức đã được một số trường học thường xuyên lựa chọn trong thời gian qua. Gắn với các ngày lễ kỷ niệm lớn của đất nước, nhà trường mời các chiến sĩ cách mạng, những người tham gia chiến đấu qua các thời kỳ đến nói chuyện lịch sử, truyền thống cách mạng cho học sinh. Dòng ký ức của những người một thời hoạt động cách mạng, tham gia chiến đấu ngoài chiến trường thật sống động đã lan tỏa đi vào tâm hồn trẻ thơ, thôi thúc trong các em lòng tự hào dân tộc, truyền thống vẻ vang, oai hùng của cha ông bao thế hệ, khơi gợi lòng yêu Tổ quốc, ý chí cách mạng...

Giáo dục lịch sử không chỉ mang lại cho các em lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc mà còn giúp hình thành một nhân cách con người. Hiện nay, nhiều người cho rằng giới trẻ thiên về chọn những môn khoa học tự nhiên, lơ là với khoa học xã hội, trong đó có môn sử nên những hình thức, cách giáo dục lịch sử từ những chuyến đi thực tế và qua những câu chuyện dưới cờ có ý nghĩa và hiệu quả như trên sẽ giúp học sinh ngày càng thêm yêu thích lịch sử nước nhà.

          Hưng Nhân

 

 

Tin xem nhiều