Báo Đồng Nai điện tử
En

Tình trạng “trốn”, nợ đọng bảo hiểm xã hội: Cần liều thuốc mạnh!

09:02, 22/02/2012

Từ nhiều năm nay, tình hình các doanh nghiệp, đơn vị nợ trốn tránh trách nhiệm không đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) cho người lao động, dây dưa chậm nộp, chiếm dụng quỹ BHXH đã trở thành căn bệnh mãn tính mà cho đến nay cơ quan BHXH vẫn chưa tìm ra giải pháp khắc phục triệt để.

Từ nhiều năm nay, tình hình các doanh nghiệp, đơn vị nợ trốn tránh trách nhiệm không đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) cho người lao động, dây dưa chậm nộp, chiếm dụng quỹ BHXH đã trở thành căn bệnh mãn tính mà cho đến nay cơ quan BHXH vẫn chưa tìm ra giải pháp khắc phục triệt để.

Chị Nguyễn Thị Lan, quê ở Thái Bình cho biết, chị làm việc ở Công ty V. (KCN Biên Hòa I) từ năm 2000, đến năm 2006 chị xin nghỉ việc nhưng không được lãnh trợ cấp thôi việc (của BHXH), không được trả sổ BHXH bởi công ty còn nợ tiền BHXH. Nhiều lần lên xuống công ty, BHXH tỉnh nhưng chưa được giải quyết, chị đành bỏ ngang công sức 6 năm làm việc bởi không đủ thời gian, công sức và tiền bạc để đi đòi…

* Trên 300 ngàn lao động chưa được tham gia BHXH

Theo thống kê, hiện toàn tỉnh có khoảng 1,6 triệu lao động trong diện phải tham gia BHXH, nhưng theo báo cáo tình hình thu - chi tài chính năm 2011 của BHXH tỉnh, trong thực tế ngành BHXH chỉ “nắm” được khoảng 1,3 triệu người, như vậy vẫn còn khoảng 300 ngàn người lao động chưa được thụ hưởng chính sách BHXH, trong đó phần lớn rơi vào khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh.

Công nhân làm thủ tục để hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp.
Công nhân làm thủ tục để hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp.

Ông Nguyễn Ngọc Quang, Giám đốc BHXH tỉnh cho biết, trong số trên 13 ngàn doanh nghiệp ngoài quốc doanh đang hoạt động trên địa bàn có đến 12.483 doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong đó nhiều hộ kinh doanh cá thể, như: các đại lý bán hàng, dịch vụ, môi giới mua bán, xây dựng, mộc, gia công may mặc… hoạt động với quy mô nhỏ mang tính chất gia đình; hoặc đăng ký kinh doanh ở Đồng Nai nhưng thi công công trình ở các địa phương khác, vì thế ngành BHXH không nắm được việc thuê lao động để thực hiện thu BHXH. Thống kê cho thấy, trong 29.462 người lao động thuộc khối hội nghề, hộ cá thể, có đến 29.093 người chưa được tham gia BHXH, chiếm tỷ lệ lên đến 98,7%.

Về tình trạng nợ đọng BHXH, hiện toàn tỉnh còn 829 doanh nghiệp, đơn vị nợ BHXH khoảng hơn 91 tỷ đồng, trong đó có đến 39 doanh nghiệp đã nợ từ 12 tháng trở lên với tổng số tiền nợ gần 21 tỷ đồng. Nhiều doanh nghiệp đã trở thành “con nợ quen mặt” của các cơ quan BHXH, như Công ty Hanul Line VN (TX. Long Khánh), Samwoo VN, Sin Poong Vina (huyện nhơn Trạch), Tân Chimei, Công ty TNHH Đồng Biên (TP. Biên Hòa)… nợ BHXH từ 2-10 năm nay. Đáng lưu ý, có đến 154 đơn vị đã giải thể, phá sản nhưng vẫn còn nợ BHXH gần 8 tỷ đồng.

Mạnh tay đưa vào nề nếp

Để giải quyết tình trạng các doanh nghiệp trốn đóng, nợ đọng BHXH, bà Lê Thị Mỹ Phượng, Giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội cho rằng, ngành BHXH cần phải quyết liệt và chủ động hơn nữa. Để nắm được số lao động cần tham gia BHXH, ngành cần phối hợp tốt với Sở Kế hoạch - đầu tư ngay từ khi cấp phép hoạt động cho doanh nghiệp. Trong quá trình doanh nghiệp hoạt động, nên liên hệ chặt chẽ với các ngành chức năng, như: Thuế, Hải quan, Công an, Ngân hàng, Ban quản lý các KCN và chính quyền địa phương để nắm tình hình tài chính, tích cực thanh kiểm tra nhằm đảm bảo thu BHXH đúng, đủ và kịp thời. Trước mắt, ngành cần tiến hành phân tích nợ đọng, trên cơ sở đó “mạnh tay” hơn nữa đối với những doanh nghiệp còn khả năng chi trả nhưng chây ì. Nếu cần thiết, sẽ công bố thông tin nợ của doanh nghiệp trên các phương tiện truyền thông hoặc tiến hành khởi kiện ở tòa án, thậm chí phải cưỡng chế thi hành nếu doanh nghiệp cố tình chây ì.

Chia sẻ kinh nghiệm từ công tác thu thuế, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Nguyễn Quốc Hùng cho biết, nhờ biện pháp chế tài của ngành thuế cao, nghiêm túc nên ít bị nợ đọng, nhưng đây chỉ là biện pháp bất đắc dĩ mới sử dụng. Quan trọng nhất chính là công tác tuyên truyền để doanh nghiệp nắm rõ quyền và nghĩa vụ của mình, song song đó phải quản lý đối tượng chặt chẽ, đưa việc đóng BHXH vào nề nếp. Ông Doãn Xuân Kim (Ban quản lý các KCN) thì đề nghị ngành BHXH nên theo dõi sát sao và giải quyết BHXH từng tháng, quý, không để nợ đọng quá lâu. Bên cạnh đó, cần linh hoạt hơn, giải quyết cho doanh nghiệp được tách đóng riêng nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động khi chuyển hoặc nghỉ việc.

Ý kiến:

* Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Lê Hồng Phương: Phải chấm dứt tình trạng nđọng BHXH, đảm bảo quyền lợi cho người lao động

 Xét về lượng, tổng nợ của quỹ BHXH trên 91 tỷ đồng, chiếm chỉ khoảng 2,5% so với tổng thu nên về tỷ lệ là con số không đáng kể. Nhưng vấn đề đặt ra là đang có trên 30 ngàn lao động chưa được đảm bảo về quyền lợi. Tình trạng trên không chỉ gây thất thoát cho Nhà nước, làm giảm đi tính nghiêm minh, trật tự kỷ cương của pháp luật, mà quan trọng hơn đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người lao động, chưa góp phần vào mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội của địa phương. Ngành BHXH phải quyết liệt giải quyết dứt điểm tình trạng này chậm nhất trong 6 tháng đầu năm 2012 và kiên quyết không để tái diễn.

* Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trương Văn Vở: BHXH cần quan tâm hơn nữa đến phúc lợi của người lao động.

Tôi nhận thấy, hầu như năm nào kết dư từ quỹ BHXH cũng rất lớn. Như năm 2011, tổng thu BHXH là 4.300 tỷ đồng, nhưng tổng chi chỉ có hơn 1.700 tỷ đồng. Tính luôn cả chi phí hoạt động của ngành, năm qua kết dư của quỹ này lên đến khoảng 2.557 tỷ đồng. Tôi cho rằng, ngành BHXH cần phải có sự đầu tư ngược lại cho các phúc lợi của người lao động từ nguồn kết dư, vì quỹ này hình thành chính từ sự đóng góp của người lao động. Ngoài ra, BHXH phải thu dựa trên thu nhập thực tế chứ không phải trên lương cơ bản như hiện nay để đảm bảo quyền lợi lâu dài cho người lao động.

* Ông Huỳnh Tấn Kiệt, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh: Nên công khai, minh bạch cho người lao động biết

Năm 2007, khi Liên đoàn Lao động TX. Long Khánh kiện Công ty Hanul Line VN ra tòa thì công ty này mới nợ BHXH 1, 7 tỷ đồng. Sau khi tòa án phán quyết Công ty Hanul Line VN phải trả nợ, các cơ quan chức năng tiến hành thi hành án thì tài khoản giao dịch của công ty chỉ có… 7USD. Nhưng sau đó công ty vẫn tiếp tục sản xuất và đến nay số nợ của công ty lên đến 7,5 tỷ đồng. Điều đáng nói là công ty này đã tự tổ chức chi trả BHXH, BHYT cho công nhân lao động và đã được không ít người đồng tình bởi chế độ chi trả linh hoạt, thông thoáng, nhanh hơn, như chấp nhận cho công nhân khám bệnh vượt tuyến. Vì vậy, ngành BHXH và y tế cần tổ chức phục vụ đối tượng tốt hơn để thu hút người lao động thật sự tự nguyện tham gia.

Ngoài ra, tôi cho rằng ngành BHXH cần công khai, minh bạch tình trạng đóng BHXH, nợ đọng của doanh nghiệp để người lao động cùng theo dõi và giám sát.

Hà Lam

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều