Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhà trọ - mái nhà thứ hai của công nhân xa xứ

09:02, 20/02/2012

Tim được những chỗ trọ thoáng mát, yên tĩnh, đảm bảo an ninh, giá cả phù hợp là những tiêu chí mà công nhân lao động hướng đến. Đứng trước nhu cầu này, thời gian qua nhiều mô hình chăm lo về nhà ở cho công nhân do các ngành chủ trì đã ra đời.

 

Lãnh đạo Sở VHTTDL tìm hiểu đời sống công nhân tại khu nhà trọ. Ảnh: N.Tuyết
Lãnh đạo Sở VHTTDL tìm hiểu đời sống công nhân tại khu nhà trọ. Ảnh: N.Tuyết

Tim được những chỗ trọ thoáng mát, yên tĩnh, đảm bảo an ninh, giá cả phù hợp là những tiêu chí mà công nhân lao động hướng đến. Đứng trước nhu cầu này, thời gian qua nhiều mô hình chăm lo về nhà ở cho công nhân do các ngành chủ trì đã ra đời.

* Để công nhân yên tâm ở trọ

Ngay cổng khu nhà trọ của gia đình ông Trần Văn Hiểu, khu phố 3, phường Long Bình (TP. Biên Hòa) là bảng thông báo “Nội quy phòng trọ” và những tiêu chí của nhà trọ văn hóa. Xe gắn máy của công nhân đi làm về được để ngay ngắn dọc đường đi, trước cửa phòng đều có dây phơi đồ. Ngoài lối đi rộng rãi, trước khi vào dãy phòng trọ còn có một khoảng sân đủ để cho công nhân có thể đá cầu, giải trí mỗi khi tan ca về hay trong những ngày nghỉ. Chị Nguyễn Thị Toan, quê ở Thanh Hóa, công nhân Công ty may Đồng Nai, người đã thuê trọ từ khi khu trọ này mới xây xong, chia sẻ: “Ở đâu quen đó, tôi ở đây lâu nên quen rồi, không muốn chuyển đi đâu nữa, với tôi đây giống như gia đình của mình vậy. Với lại, so với những nhà trọ khác, ở đây giá phòng tương đối mềm, giá điện nước được tính theo giá sinh hoạt phù hợp với thu nhập của công nhân. Hơn nữa, không gian thoáng mát, yên tĩnh, an toàn, không sợ trộm cướp quấy phá…”. Trong khi đó, anh Nguyễn Văn Cường, làm việc tại Khu công nghiệp Amata thì cho biết: “Lúc mới chuyển về đây ở được vài tháng, nhiều lần bạn bè rủ chuyển sang khu khác để tiện cho việc “đàn đúm” nhưng tôi thấy ở đây quen rồi, với lại anh chị em trong khu trọ này rất đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau lúc tối lửa tắt đèn nên không muốn đi đâu nữa”.

Không chỉ có chị Toan, anh Cường mà còn rất nhiều công nhân khác đều gắn bó với khu nhà trọ này bởi những điều như thế. “Công nhân xa quê, họ có nhiều điều phải lo toan nên gia đình tôi đã hỗ trợ phần nào tiền phòng, tiền điện, nước. Tết đến thì tặng mỗi phòng 1 phần quà; ốm đau, tai nạn thì thăm hỏi, động viên; hỗ trợ làm thủ tục hồ sơ xin việc giùm cho công nhân mới…” - ông Trần Văn Hiểu, chủ nhà trọ tại phường Long Bình cho hay.

* Vai trò quyết định từ các chủ nhà trọ

Đồng Nai là tỉnh công nghiệp, thu hút số lượng lớn lao động từ các tỉnh đến sinh sống và làm việc. Vì vậy, nhu cầu về nhà ở ngày một tăng cao. Từ thực tế đó, nhiều mô hình nhà trọ nhằm trợ giúp công nhân đã được các ngành triển khai đạt hiệu quả thiết thực.

Sau giờ tăng ca, anh chị em công nhân lại tụ tập chia sẻ với nhau chuyện vui buồn trong công việc.
Sau giờ tăng ca, anh chị em công nhân lại tụ tập chia sẻ với nhau chuyện vui buồn trong công việc.

Xuất phát từ sự chỉ đạo của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam và sự phối hợp của các ngành, ngay từ năm 2000, Liên đoàn Lao động tỉnh đã thành lập mô hình khu công nhân lao động không có ma túy và tệ nạn xã hội. Qua 12 năm triển khai thực hiện, đến nay Liên đoàn Lao động tỉnh đã thành lập được 24 khu công nhân lao động không có ma túy và tệ nạn xã hội trong các khu nhà ở của doanh nghiệp và trên địa bàn dân cư, giúp thanh niên công nhân hiểu biết hơn về luật, về chế độ chính sách của người lao động, an ninh trật tự trên địa bàn dân cư ổn định... Bà Phạm Thị Kim Thanh (nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Liên đoàn Lao động tỉnh), người gắn bó với mô hình này cho biết: “Để thành lập nên một khu như vậy phải trải qua nhiều bước, khó nhất là quá trình vận động chủ doanh nghiệp, các chủ nhà trọ và công nhân lao động. Tuy nhiên, bằng mọi biện pháp tuyên truyền mình làm cho họ thấy được lợi ích có được từ mô hình này mới có thể thuyết phục được sự đồng tình của họ. Đối với những khu nhà trọ có thành tích tốt đề xuất khen thưởng để kịp thời động viên…”. 

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Long, Giám đốc Sở Văn hóa, thể thao và du lịch, đời sống vật chất của công nhân lao động được quan tâm hơn nhưng đời sống văn hóa tinh thần ở các khu nhà trọ nhìn chung còn nhiều hạn chế. Để góp phần chăm lo cả về đời sống vật chất và tinh thần cho công nhân lao động, Sở đã khởi xướng xây dựng “Khu nhà trọ văn hóa” với những tiêu chí về cơ sở vật chất, như: diện tích, ánh sáng, lối thoát hiểm, cảnh quan môi trường, phòng chống cháy nổ; các điều kiện sinh hoạt văn hóa tinh thần; ý thức tôn trọng pháp luật…

Để thực hiện thành công mô hình này, ông Nguyễn Văn Long cho rằng các ban, ngành và chính quyền địa phương cần có sự phối hợp chặt chẽ, trong đó vai trò quyết định là từ các chủ nhà trọ, nhất là việc thông cảm,  hiểu biết và tương trợ cho người thuê trọ. Còn anh chị em công nhân cũng cần có ý thức chấp hành pháp luật, giữ gìn cảnh quan môi trường, an ninh trật tự trên địa bàn.

Nguyễn Tuyết

 

 

 

 

Tin xem nhiều