Có một thực trạng đang xảy ra ở nhiều nơi trong ngành giáo dục là giáo viên các cấp học “sợ” khi được lên làm cán bộ quản lý ở phòng, sở hay làm hiệu trưởng, phó hiệu trưởng.
Có một thực trạng đang xảy ra ở nhiều nơi trong ngành giáo dục là giáo viên các cấp học “sợ” khi được lên làm cán bộ quản lý ở phòng, sở hay làm hiệu trưởng, phó hiệu trưởng. Giáo viên có tay nghề, vững vàng trình độ chuyên môn, có khả năng trong công tác quản lý, nhưng khi được cất nhắc lên làm hiệu trưởng hay hiệu phó thường tìm cách lẩn tránh. Khi được Phòng GD-ĐT làm công tác tư tưởng thì viện cả trăm ngàn lý do để xin… không được lên chức. Thậm chí, có người còn thẳng thừng từ chối dù đã có quyết định điều động. Vì thế, đã xảy ra trường hợp hai, ba năm rồi trường vẫn còn khuyết chức danh lãnh đạo. Có giáo viên không chịu lên làm quản lý, và ngược lại một số cán bộ quản lý đang đương nhiệm thì chỉ mong muốn được trở về với bục giảng, phấn trắng và học trò. Một trưởng phòng GD-ĐT nhiều lần tâm tư: “Bây giờ khó tìm được giáo viên giỏi chịu nhận làm cán bộ quản lý”. Nghe mà chạnh lòng.
Nguyên nhân chính dẫn đến sự tréo ngoe này là do giáo viên đang trực tiếp giảng dạy mà chuyển sang công tác quản lý sẽ bị giảm thu nhập. Anh bạn tôi cách nay không lâu nhận được thông tin sẽ lên phòng GD-ĐT làm việc bèn chạy ngược chạy xuôi tìm mọi cách ở lại trường, thậm chí chấp nhận đi dạy ở trường xa, bởi anh làm một phép tính nếu lên làm công tác quản lý sơ sơ mỗi tháng thu nhập của anh sẽ mất khoảng 2 triệu đồng. Lương giáo viên đã không đủ trang trải cho cuộc sống tối thiểu hàng ngày, lên làm cán bộ cấp phòng, cấp sở lại bị cắt chế độ phụ cấp ưu đãi; làm cán bộ quản lý trường học không còn thu nhập từ dạy thêm, làm thêm nên ai cũng phải tính toán. Đó là một thực tế đã có từ nhiều năm nay. Ngành giáo dục đang tồn tại một nghịch lý là thiếu cán bộ quản lý giỏi, có tâm và tầm, bởi những giáo viên có trình độ chuyên môn nghiệp vụ giỏi, có năng lực lại chẳng “mặn mà” với công tác quản lý.
Quả thật, từ nhiều năm nay, cán bộ quản lý ngành giáo dục đang chịu nhiều thiệt thòi trong các chế độ đãi ngộ. Những năm gần đây, Bộ GD-ĐT đang chỉ đạo toàn ngành đổi mới công tác quản lý giáo dục, song với những bất cập trong chính sách, chế độ như trên sẽ khó mà thu hút được người tài. Và, tình trạng này sẽ còn kéo dài không biết đến bao giờ…
Hưng Nhân