Báo Đồng Nai điện tử
En

Các nhóm trẻ gia đình ở TP.Biên Hòa: Khó quản lý khi nở rộ

10:02, 13/02/2012

Chị Nguyễn Thị Sim, nhà ở phường Long Bình cho biết: “Hết thời gian nghỉ thai sản, tôi phải chạy đôn chạy đáo tìm chỗ gửi con. Nếu không gửi ở nhóm trẻ gia đình thì tôi biết gửi ở đâu? Cả hai vợ chồng đều là công nhân với mức thu nhập eo hẹp, lại ở nhà trọ nên đâu thể thuê người về trông con!”.

 

Chị Nguyễn Thị Sim, nhà ở phường Long Bình cho biết: “Hết thời gian nghỉ thai sản, tôi phải chạy đôn chạy đáo tìm chỗ gửi con. Nếu không gửi ở nhóm trẻ gia đình thì tôi biết gửi ở đâu? Cả hai vợ chồng đều là công nhân với mức thu nhập eo hẹp, lại ở nhà trọ nên đâu thể thuê người về trông con!”.

Mặc dù đã xảy ra những vụ bạo hành, ngược đãi trẻ em, tai nạn thương tích… ở các nhóm trẻ gia đình nhưng trên địa bàn TP.Biên Hòa, dịch vụ này vẫn nở rộ. Đơn giản bởi nhu cầu gửi con của các bậc phụ huynh, nhất là công nhân, người lao động ngày càng tăng.

* Cầu đã vượt cung

Tại một số nhóm trẻ gia đình trên địa bàn phường Trảng Dài, các phòng đều nhỏ hẹp nhưng mỗi cơ sở như vậy hiện có tới gần 100 trẻ đủ mọi lứa tuổi chen chúc nhau. Chị Nguyễn Thị Luyên, cán bộ phụ trách vấn đề này của phường cho biết: “Theo quy định, với diện tích của các nhóm trẻ hiện nay chỉ trông giữ khoảng 50 em là đủ chuẩn. Nhưng vì nhu cầu gửi trẻ quá lớn, chủ các nhóm trẻ gia đình thường nhận gấp đôi số cho phép”.

Nhóm trẻ gia đình tại phường Trảng Dài (TP. Biên Hòa).
Nhóm trẻ gia đình tại phường Trảng Dài (TP. Biên Hòa).

Trảng Dài là phường tập trung khá đông dân nhập cư từ các tỉnh đến làm việc và sinh sống, nên nhu cầu gửi trẻ cao. Hiện trên địa bàn phường có khoảng 29 nhóm trẻ, 1 trường mầm non công lập và 1 trường mầm non tư thục được cấp phép hoạt động. Ngoài ra còn có một số nhóm trẻ gia đình do những người lớn tuổi tận dụng phòng khách của gia đình nhận trông giữ trẻ. Nhưng theo cán bộ phường, tất cả các cơ sở trên cũng chỉ mới đáp ứng được khoảng 2/3 nhu cầu, số trẻ còn lại phụ huynh phải gửi ở các phường lân cận. Bà Vân - chủ một nhóm trẻ gia đình ở Trảng Dài cho biết: “Sau Tết có khá nhiều phụ huynh đến năn nỉ để được gửi con, nhưng do điều kiện về cơ sở vật chất, người trông chăm sóc hạn chế nên tôi đành từ chối”.

Cũng như phường Trảng Dài, phường Long Bình có khoảng 83 nhóm trẻ gia đình. Qua đợt kiểm tra vừa qua, có 4 nhóm phải ngưng hoạt động, 2 nhóm không đủ điều kiện cấp giấy phép, nên còn lại 77 nhóm. Đối với những nhóm không đủ điều kiện cấp giấy phép, phường tiến hành kiểm tra và cho ký cam kết thực hiện. Lý giải điều này, bà Vũ Thị Thúy Hà, Phó chủ tịch UBND phường Long Bình cho biết: “Với những nhóm trẻ chưa đủ chuẩn, dẹp đi thì dễ nhưng sau khi dẹp rồi những đứa trẻ này sẽ đi đâu về đâu, hay phụ huynh lại phải nghỉ việc ở nhà trông con?”.

Tại các phường, xã như Long Bình Tân, Hóa An, Trung Dũng…đâu đâu cũng có nhóm trẻ gia đình. Người dân, nhất là công nhân lao động xa quê, thời gian nghỉ thai sản ngắn, không có điều kiện và không còn suất gửi con vào những trường công lập, dân lập nên đành gửi trẻ tại các điểm trông giữ trẻ gia đình với mức chi phí thấp, dễ dàng co giãn về mặt thời gian khi cha mẹ kẹt tăng ca....

* Cần sự phối hợp chặt chẽ

Theo tin từ Phòng GD-ĐT Biên Hòa, hiện toàn thành phố ngoài 53 trường mầm non công lập và tư thục, còn có khoảng 428 nhóm trẻ ngoài công lập được cấp phép hoạt động, trên 40 nhóm từ 3-5 cháu không được cấp phép hoạt động và nhiều điểm trông giữ trẻ từ 1-2 cháu, nhất là tại các khu nhà trọ tập trung đông công nhân. Vì vậy, việc kiểm tra, quản lý gặp rất nhiều khó khăn.

Chị Đặng Thị Hương, công nhân Công ty Việt Tường (KCN Biên Hòa 2), đang gửi con gần nhà, tâm sự: “Ở các trường mầm non công lập và tư thục không nhận cháu nhỏ dưới 18 tháng tuổi nên tôi đành kiếm chỗ gửi gần nhà dù ở đây điều kiện về vật chất, trang thiết bị không đảm bảo. Bù lại, gửi ở nhóm trẻ gia đình có giá rẻ hơn, gửi ngày nào tính tiền ngày đó”.

Còn với chị Phúc, công nhân Công ty tư nhân Ngôi Sao Hạnh Phúc (phường Tam Hòa) cho hay: “Không có điều kiện để gửi con ở những điểm giữ trẻ tốt hơn nên mình chọn nhóm trẻ gia đình để tiện thời gian đưa đón mỗi khi làm ca. Nhưng nhiều hôm đón con về, thấy con mọc đầy rôm sảy ở lưng vì nóng nực, bản thân tôi cũng thấy xót xa mà không biết làm sao?”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Anh Dũng, Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa, cho biết: Để làm tốt công tác kiểm tra, quản lý cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, chính quyền địa phương và nhân dân. Trong đó, cần tăng cường trách nhiệm của phường, xã trong việc quản lý các nhóm trẻ trên địa bàn. Theo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của điều lệ trường mầm non, thì chính quyền địa phương có trách nhiệm cấp phép thành lập, kiểm tra, giám sát về các điều kiện, như: phòng ốc, trang thiết bị, vấn đề vệ sinh, còn Phòng GD-ĐT thẩm định về chuyên môn.

Riêng đối với công tác quản lý, UBND thành phố sẽ giao cho các phường, xã tiến hành kiểm tra, giám sát đảm bảo an toàn tuyệt đối cho trẻ ở các cơ sở giáo dục mầm non, đặc biệt là các cơ sở mầm non ngoài công lập. Ngành giáo dục cũng phải phối hợp với chính quyền địa phương xử lý dứt điểm các cơ sở trông giữ trẻ tư nhân hoạt động không có giấy phép, không bảo đảm an toàn cho trẻ. Bên cạnh đó, ngành tiến hành thanh kiểm tra định kỳ, đột xuất hoạt động của các cơ sở giáo dục mầm non nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục, an toàn cho trẻ cả về thể chất và tinh thần. Tăng cường sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội để không còn những sự việc đáng tiếc xảy ra.

“UBND TP.Biên Hòa sẽ rà soát lại quỹ đất, kêu gọi đầu tư xây dựng nhà trẻ, trang thiết bị tại các khu vực tập trung đông dân cư… để góp phần giảm bớt nhu cầu hiện nay” - Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa cho biết.

Nguyễn Tuyết

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều