Báo Đồng Nai điện tử
En

Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi: Chưa đạt tỷ lệ trẻ học bán trú

09:01, 30/01/2012

Thời gian qua, các trường mầm non trong tỉnh đều ưu tiên nhận trẻ 5 tuổi. Tuy nhiên, đến nay hầu hết các địa phương mới chỉ đạt tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi ra lớp, chưa đạt tỷ lệ trẻ học bán trú theo Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi giai đoạn 2010-2015.

 

Thời gian qua, các trường mầm non trong tỉnh đều ưu tiên nhận trẻ 5 tuổi. Tuy nhiên, đến nay hầu hết các địa phương mới chỉ đạt tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi ra lớp, chưa đạt tỷ lệ trẻ học bán trú theo Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi giai đoạn 2010-2015.

Theo đề án của Bộ GD-ĐT, đối với thành phố, thị xã, thị trấn phải huy động 98% trở lên số trẻ 5 tuổi ra lớp, trong đó đảm bảo 90% trẻ được học 2 buổi/ngày (tức học bán trú) trong một năm học. Đối với vùng nông thôn, tỷ lệ huy động được 95% trở lên, trong đó ít nhất 85% trẻ được học bán trú. Vùng nông thôn đặc biệt khó khăn, vùng núi tỷ lệ huy động 90%, tỷ lệ trẻ được học bán trú đạt ít nhất 80%.

TP. Biên Hòa không huy động đạt chỉ tiêu trẻ 5 tuổi ra lớp do vẫn còn nhiều gia đình cho trẻ theo học dự thính lớp 1.
TP. Biên Hòa không huy động đạt chỉ tiêu trẻ 5 tuổi ra lớp do vẫn còn nhiều gia đình cho trẻ theo học dự thính lớp 1.

Theo các tiêu chí của Bộ GD-ĐT thì Đồng Nai đạt kết quả chưa đồng đều và đa số địa phương chỉ đạt chỉ tiêu huy động trẻ ra lớp, còn xa mới đạt được chỉ tiêu trẻ học bán trú theo yêu cầu. Toàn tỉnh chỉ có duy nhất huyện Vĩnh Cửu đạt kết quả khả quan ở cả hai tiêu chí. Cụ thể, trong tổng số 2.059 cháu trong độ tuổi của toàn huyện thì năm học này huy động được 2.000 trẻ ra lớp (đạt 97%) và tỷ lệ trẻ học bán trú đạt 94%. Các huyện còn lại chỉ mới đạt được một trong hai tiêu chí, như: huyện Định Quán huy động ra lớp đạt tới 95% nhưng tỷ lệ trẻ học bán trú chỉ đạt 57%; huyện Long Thành dù chỉ tiêu huy động đạt vượt kế hoạch với gần 100% trẻ 5 tuổi được huy động ra lớp nhưng chỉ tiêu bán trú cũng chỉ đạt được 63%. Hay như huyện Nhơn Trạch, số trẻ 5 tuổi được huy động ra lớp là trên 2.200 trẻ (đạt 96%) nhưng số trẻ được theo học bán trú chỉ có gần 700 cháu (khoảng 30%)! Một số địa phương còn không đạt cả hai tiêu chí mà Bộ GD-ĐT đề ra.

Nguyên nhân dẫn tới tỷ lệ trẻ học bán trú không đạt được hầu hết các địa phương đưa ra là do thiếu cơ sở vật chất trường lớp học. Bà Ngô Thị Thanh Tòng, chuyên viên Phòng GD-ĐT Nhơn Trạch - địa phương có tỷ lệ trẻ bán trú thấp nhất tỉnh, cho hay: “Về phía ngành, những việc có thể làm trong tầm tay như tổ chức tuyên truyền vận động huy động trẻ ra lớp chúng tôi đã đạt vượt chỉ tiêu. Tuy nhiên, vướng nhất hiện nay của huyện là thiếu cơ sở vật chất. Cũng chính vì thiếu nên hầu hết các trường mầm non trong huyện chỉ tổ chức dạy 1 buổi/ngày, một phòng học phải dạy cho hai lớp ca sáng và chiều. Năm học này, huyện cũng chỉ triển khai thêm được một cơ sở thực hiện 100% bán trú, nâng tổng số lên 4/14 trường trong toàn huyện có trẻ 5 tuổi bán trú”.

Tương tự, bà Lưu Thị Ngọc Quế, Phó phòng GD-ĐT huyện Trảng Bom cho hay: “Dù ngành GD-ĐT được UBND huyện quan tâm đầu tư nhưng với nguồn kinh phí còn hạn hẹp trong khi nhu cầu lại quá lớn nên khó có khả năng đáp ứng đủ nhu cầu. Toàn huyện hiện mới chỉ có 3 trường mầm non công lập. Số trường công lập ít, số trường dạy 1 buổi còn nhiều. Chủ yếu địa phương phải phát triển nhóm trẻ tư nhân. Với điều kiện như hiện nay chắc chắn Trảng Bom khó có thể hoàn thành phổ cập vào năm 2015 theo đề án đề ra”. 

Bà Chu Như Ý, Trưởng phòng Giáo dục mầm non, (Sở GD-ĐT) cho biết: “Năm học này, tất cả các trường mầm non trong tỉnh thực hiện giảng dạy chương trình giáo dục mầm non mới. Đây là một chương trình được xây dựng theo hướng tích hợp, sẽ góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc - giáo dục trẻ toàn diện trong trường mầm non hiện nay. Tham gia học chương trình, giúp trẻ có khả năng phát huy tối đa năng lực, thể chất tương ứng với độ tuổi. Vì vậy, việc huy động trẻ 5 tuổi ra lớp là mục tiêu đúng đắn nhằm giúp trẻ 5 tuổi có điều kiện được tham gia học tập chương trình cho trẻ phát triển tối đa khả năng theo đúng độ tuổi”.

 Còn bà Hồ Thị Ngọc Hoa, chuyên viên Phòng GD-ĐT huyện Tân Phú cho biết: “Khu vực nấu ăn cho trẻ ở các trường trong vùng sâu, vùng xa chưa đáp ứng được điều kiện để trẻ học bán trú. Bên cạnh đó, do điều kiện kinh tế của người dân còn hạn hẹp nên đa số phải chọn lựa gửi con một buổi để giảm số tiền ăn phải đóng hàng tháng”.

TP. Biên Hòa thì lại đối mặt với một khó khăn khác. “Dù bậc học mầm non còn thiếu phòng học nhưng Phòng GD-ĐT đã có chỉ đạo tất cả các trường mầm non trên địa bàn ưu tiên nhận trẻ 5 tuổi. Đến thời điểm này, tỷ lệ bán trú của trẻ 5 tuổi đạt 96%, vượt chỉ tiêu đề ra 1% nhưng thành phố vẫn chịu “mất điểm” ở tỷ lệ huy động trẻ ra lớp khi chỉ huy động được 90%, còn thiếu 8% mới đủ chuẩn. Nguyên nhân chủ yếu không đạt bởi nhiều phụ huynh lựa chọn các lớp học dự thính chuẩn bị vào lớp 1” - bà Ngô Diệu Thanh, Phó phòng GD-ĐT TP. Biên Hòa cho biết.

Bích Hường

 

 

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích