Để thực hiện mục tiêu trở thành tỉnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa vào năm 2020 như Nghị quyết Đảng bộ tỉnh đề ra, yêu cầu được đặt ra là Đồng Nai cần có nguồn nhân lực xứng tầm và đáp ứng yêu cầu phát triển.
Để thực hiện mục tiêu trở thành tỉnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa vào năm 2020 như Nghị quyết Đảng bộ tỉnh đề ra, yêu cầu được đặt ra là Đồng Nai cần có nguồn nhân lực xứng tầm và đáp ứng yêu cầu phát triển.
Ngay từ năm 2005, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết về phát triển nguồn nhân lực và nhiều chủ trương để phục vụ mục tiêu này. Nhưng có một thực tế là cho đến nay việc cung ứng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao vẫn còn hạn chế và bất cập. TS. Nguyễn Thị Thu Lan, Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật tỉnh nêu nhận xét, đã nhiều năm rồi vẫn cứ phải nghe câu “nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu” nhưng hầu như các nơi đều loay hoay tìm giải pháp.
* Đầu tư từ gốc
Theo bà Thu Lan, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phải trên nền tảng từ bậc phổ thông và phải bắt đầu từ bậc học mầm non. Thế nhưng cách đầu tư giáo dục hiện nay dường như lại đang “xây nhà từ nóc”: nhiều nơi đến nay vẫn chưa có trường mầm non, mẫu giáo đáp ứng nhu cầu của người dân trên địa bàn, nói gì đến trường đạt chuẩn quốc gia, đảm bảo cho sự phát triển toàn diện của trẻ. Bên cạnh đó, tinh thần nghiên cứu, sáng tạo khoa học kỹ thuật cần phải phát huy ngay từ trong học sinh, sinh viên.
Sinh viên Trường đại học công nghệ Đồng Nai được thầy hướng dẫn thực hành. Ảnh: T.Thúy |
Theo em Đặng Trúc Quỳnh, học sinh lớp 11 chuyên Anh Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh, hiện nơi em đang học các phòng thực hành, thí nghiệm các môn Lý, Hóa, Sinh cũng vẫn rất thiếu, máy vi tính cho môn tin học thì hư hỏng, xuống cấp, còn môn Anh văn vẫn phải học “chay”, không được nghe, nói nhiều và điều kiện giao tiếp với người nước ngoài hầu như không có.
Một số kết quả trong công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực 2006-2010 - Đào tạo trình độ thạc sĩ: 355 người, trình độ tiến sĩ: 57 người, nhưng chưa đảm bảo định hướng theo chỉ tiêu đề ra vì trong đó phần lớn là bác sĩ chuyên khoa I và chuyên khoa II. - Đào tạo chuyên môn cho 2.556 cán bộ công chức (chủ yếu là cán bộ dự nguồn ngành y tế), trong đó 926 cán bộ chuyên trách và công chức cấp xã được đào tạo trình độ trung cấp. - Đào tạo, bồi dưỡng trình độ lý luận chính trị cho 3.179 cán bộ, công chức, trong đó 35% trình độ cử nhân và cao cấp chính trị. - 19.234 lượt cán bộ, công chức tham gia các lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, tin học, ngoại ngữ. - 57 vận động viên được đào tạo năng khiếu thể thao, 30 em được đào tạo năng khiếu văn hóa - nghệ thuật, năng khiếu ngoại ngữ 90 em, năng khiếu tin học 47 em. - Đào tạo 7 phiên dịch tiếng Anh, Hoa, Hàn Quốc (đạt 10% kế hoạch). |
Cũng từ những bất cập trên đã dẫn đến hạn chế trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh. PGS.TS. Phạm Văn Sáng, Giám đốc Sở Khoa học - công nghệ cho biết, nhiều cán bộ, công chức nằm trong diện đào tạo sau đại học nhưng không qua nổi kỳ thi đầu vào bởi trình độ ngoại ngữ không đạt yêu cầu. Mục tiêu đưa đi đào tạo ở nước ngoài 20 thạc sĩ, 5 tiến sĩ và tuyển chọn 10 học sinh xuất sắc đi học tại các trường đại học chất lượng cao ở nước ngoài cũng gặp khó khăn bởi vấn đề ngoại ngữ.
Em Từ Lê Thanh Thảo, học sinh lớp 11 chuyên Hóa Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh cho biết, một trong những băn khoăn của các em học sinh lớp cuối cấp là chọn nghề nghiệp cho tương lai như thế nào để vừa phù hợp với khả năng, vừa có được việc làm sau khi học xong. Thế nhưng công tác hướng nghiệp tại các trường THPT hiện nay vẫn còn bị bỏ quên, hoặc có nhưng không hiệu quả. Vì thế, xu hướng chọn nghề của các em phần lớn là cứ nghe nói ngành nào dễ xin việc là ùn ùn nộp đơn thi vào dẫn đến một số ngành thì quá tải, ngành khác lại thiếu. Do đó, nên dù số lượng học sinh, sinh viên tốt nghiệp nhiều nhưng xã hội vẫn kêu thiếu nguồn lao động.
Đồng tình vấn đề này, ông Lê Minh Hoàng, Giám đốc Sở GD-ĐT, cho rằng cái thiếu hiện nay là thông tin về nguồn nhân lực, vì vậy cần phải có đầu mối thông tin trong đó phải thống kê cụ thể nhu cầu về các ngành nghề, hệ thống các trường dạy nghề, trên cơ sở đó sẽ tư vấn, định hướng nghề nghiệp phù hợp để đảm bảo việc làm trong tương lai, tránh đào tạo thừa hoặc thiếu. Nguyễn Minh Tâm, sinh viên Trường đại học Đồng Nai đề nghị, ngay cả các cơ quan nhà nước cũng cần công khai thông tin về nguồn nhân lực và minh bạch trong tuyển dụng để sinh viên tự tin “đầu quân” vào.
* Nâng cao chất lượng đào tạo
Ông Nguyễn Văn Hùng, Trưởng ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh nhận định, những năm gần đây nhân lực qua đào tạo có chiều hướng tăng (năm 2011 đạt 43,57%), nhưng số lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ vẫn ở mức thấp, cụ thể là số lao động đào tạo trình độ từ trung cấp nghề năm 2011 chỉ đạt 8,8%. Công tác đào tạo nghề hiện nay cũng chưa sát với nhu cầu doanh nghiệp không chỉ trong chuyên môn mà cả về kỹ năng, tác phong làm việc, vì thế tỷ lệ doanh nghiệp phải đào tạo lại rất cao.
Giờ thực hành của học viên Trường cao đẳng nghề số 8. |
Trưởng phòng Tổ chức - hành chánh Công ty chế tạo động cơ Vinappro (KCN Biên Hòa 1) cho rằng, để khắc phục tình trạng học sinh, sinh viên yếu thực hành, đáp ứng được đòi hỏi của doanh nghiệp, các trường cần tăng thời gian thực tập lên từ 4-6 tháng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp có thế mạnh là do nhu cầu sản xuất nên máy móc thiết bị liên tục đổi mới, đây là điều mà nhà trường khó đầu tư nổi, nhất là ở các ngành cơ khí, chế tạo máy. Vì thế, nhà trường cần phải tăng cường liên kết, phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp để đáp ứng nhu cầu đào tạo lao động kỹ thuật, tránh lãng phí. Ngoài ra, nhà trường cần xây dựng chương trình đào tạo cụ thể, đào tạo theo địa chỉ, có thể phối hợp đào tạo chuyên môn kỹ thuật chuyên sâu theo yêu cầu của doanh nghiệp, hình thành được đội ngũ lao động bậc cao đáp ứng nhu cầu thị trường lao động.
Ông Lâm Duy Tín, Phó giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội thì cho rằng, để đảm bảo công tác đào tạo nghề có hiệu quả thì ngân sách đầu tư trang thiết bị cho các trường và cho các đối tượng được hưởng chính sách đào tạo nghề (con em đồng bào dân tộc thiểu số, bộ đội xuất ngũ…) cần có sự tập trung, đồng bộ, không dàn trải, trong đó ưu tiên cho những ngành nghề thiếu hụt lao động.
Ông Huỳnh Minh Hoàn, Giám đốc Sở Y tế: Cần có kế hoạch “giữ chân” nguồn nhân lực 3 năm qua, ngành y tế đã thu hút được 232 cán bộ có trình độ từ đại học trở lên, trong đó có 133 bác sĩ. Tổng chi phí thu hút nhân lực là hơn 1,3 tỷ đồng. Định mức kinh phí thu hút như thế là khá thấp, chưa đủ hấp dẫn đối với bác sĩ, những người có thời gian đào tạo phải từ 6 năm trở lên và chi phí học tập rất tốn kém. Điều kiện làm việc tại các cơ sở y tế tuyến dưới chưa phát triển, bác sĩ khó thể rèn luyện nâng cao trình độ, phát huy năng lực nên khó thu hút và giữ chân. Tôi cho rằng, ngoài việc đào tạo, nâng cao còn phải có chế độ đãi ngộ, môi trường làm việc phù hợp và chính sách hợp lý để giữ chân nguồn nhân lực. |
Hà Lam