Trước đây, người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) bị tai nạn giao thông (TNGT) chỉ được thanh toán khi có kết luận không vi phạm pháp luật về an toàn giao thông. Còn giờ đây, người tham gia BHYT bị TNGT khi nhập viện là được chi trả viện phí, dù chưa xác định nguyên nhân.
Trước đây, người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) bị tai nạn giao thông (TNGT) chỉ được thanh toán khi có kết luận không vi phạm pháp luật về an toàn giao thông. Còn giờ đây, người tham gia BHYT bị TNGT khi nhập viện là được chi trả viện phí, dù chưa xác định nguyên nhân.
Đây là nét mới tại Thông tư số 39 liên bộ Y tế - Tài chính. Quy định trong thông tư đã tháo gỡ những khó khăn cho người dân, tạo điều kiện thuận lợi cũng như thực hiện sự công bằng đối với người tham gia BHYT.
* Công bằng hơn cho người tham gia BHYT
Trước đây, theo Thông tư 09 ngày 14-8-2009 của Bộ Y tế, người tham gia BHYT bị TNGT không được thanh toán BHYT nếu không có giấy xác nhận “không vi phạm pháp luật về giao thông” của công an từ cấp huyện, thị, thành trở lên. Việc này gây phiền toái, khó khăn rất nhiều cho người dân bởi không ít trường hợp đi xe tự té, người gây tai nạn bỏ chạy, công an không có mặt kịp thời, đặc biệt là thủ tục xin giấy xác nhận quá nhiêu khê... nên không ít người phải lo viện phí.
Chăm sóc người bị tai nạn giao thông tại Bệnh viện đa khoa Thống Nhất. |
Nay, Thông tư liên tịch số 39 (có hiệu lực từ ngày 26-12-2011) quy định: Người tham gia BHYT bị TNGT khi chưa có đủ căn cứ xác định nguyên nhân gây ra TNGT, vào viện vẫn được thanh toán BHYT. Và Luật BHYT quy định không chi trả cho những hành vi vi phạm pháp luật do người đó gây ra, nên chỉ những người bị TNGT không phải do mình gây ra, mới được BHYT chi trả. Riêng trường hợp trẻ em dưới 14 tuổi và người già trên 80 tuổi nếu vi phạm quy định về pháp luật giao thông vẫn được BHYT chi trả; những người ngồi sau xe máy, ngồi chung ôtô vi phạm pháp luật giao thông dẫn đến tai nạn, vẫn được chi trả BHYT.
* Thôi chạy đôn chạy đáo...
Trước đây, người dân rất bức xúc khi phải tự đi xác minh lỗi gây ra tai nạn. Giờ đây người dân không còn phải chạy đôn chạy đáo xin giấy khi mọi thủ tục xác minh được bệnh viện - cơ quan BHXH - công an thực hiện khép kín.
Theo đó, các bệnh viện tổng hợp danh sách những người tham gia BHYT bị TNGT cấp cứu trong ngày để gửi đến cơ quan BHXH. Cơ quan này sẽ gửi những thông tin của bệnh nhân đến công an cấp huyện, thị, thành để xác minh nguyên nhân tai nạn. Nếu xác định người bệnh là người vi phạm luật an toàn giao thông, sẽ phải hoàn lại chi phí khám, chữa bệnh. Trường hợp người bị tai nạn tử vong sau quá trình điều trị, dù có vi phạm pháp luật, cũng không bị thu hồi viện phí. Hoặc người tham gia BHYT bị TNGT trước ngày 26-12-2011, nhưng vẫn đang tiếp tục điều trị tại bệnh viện thì thực hiện theo thông tư này.
*... Vẫn còn những bất cập
Tại buổi làm việc nhằm thống nhất một số vấn đề trong triển khai Thông tư 39, lãnh đạo Sở Y tế - BHXH và Công an tỉnh cũng thừa nhận sẽ có nhiều khó khăn, bất cập trong quá trình triển khai.
Về phía đơn vị ban đầu tiếp nhận nạn nhân, bác sĩ Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc bệnh viện đa khoa Đồng Nai chia sẻ: “Thông tư mới đem lại nhiều thuận lợi cho người bị TNGT. Tuy nhiên, việc hoàn tất các thủ tục cho những bệnh nhân này để gửi về cơ quan chức năng tất nhiên là thêm việc cho bệnh viện. Có điều hơi băn khoăn, việc xác định nồng độ cồn ở người bệnh, nếu người bệnh cấp cứu tại bệnh viện chúng tôi, việc xác định sẽ được thực hiện bằng việc lấy máu xét nghiệm. Chỉ lo tuyến dưới, nhiều khi vội chuyển viện cấp cứu, không có thời gian làm xét nghiệm máu, chỉ căn cứ vào hơi thở của bệnh nhân có mùi cồn mà ghi vào bệnh án “bị TNGT do rượu” thì thiệt thòi cho người bệnh”. |
Bà Lê Ngọc Mai, Phó giám đốc BHXH cho biết: “Dù mới được triển khai, nhưng một số bệnh viện đã thực hiện rất nhanh việc lập danh sách bệnh nhân bị TNGT và gửi về BHXH, nhưng cũng chưa biết triển khai ra sao”. Theo bà Mai, những vướng mắc chẳng hạn như con dấu xác nhận cần ở cấp nào: tổ, đội xử lý TNGT trực thuộc hay con dấu của công an cấp huyện, thị, thành? Trước đây, bệnh nhân và người nhà phải tự đến cơ quan công an để xác minh nguyên nhân tai nạn, nay quy định trong vòng 2 ngày từ khi bệnh nhân nhập viện, BHXH sẽ phải hoàn tất thủ tục để chuyển sang cơ quan công an là rất khó cho BHXH.
Ông Đinh Văn Đỗ, Đội trưởng Đội xử lý TNGT Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh cũng cho rằng: “Việc xác minh cần có thông tin về ngày, giờ, địa điểm nơi xảy ra tai nạn. Nhưng có nhiều vụ người bị tai nạn tự dàn xếp, người bị nạn bị chấn thương nặng không thể tự khai hoặc được người đi đường đưa đến bệnh viện cấp cứu thì việc xác minh sẽ rất khó”.
Còn ông Huỳnh Cao Hải, Phó giám đốc Sở Y tế thừa nhận: “Việc giao trách nhiệm cho các bệnh viện phải lập danh sách và xác định nồng độ cồn đối với người bị TNGT là gây khó cho cơ sở y tế. Bởi, khi có người bị TNGT chấn thương nặng, đội ngũ y tế lúc đó tập trung công tác cấp cứu là chính, thời gian đâu để đo nồng độ cồn”.
Tuy còn có những bất cập, nhưng thông tư liên tịch lần này vẫn tiện lợi cho người dân. Đó là người dân không phải tự mình chứng minh đúng sai khi xảy ra TNGT để được hưởng BHYT; nếu cơ quan chức năng chưa xác minh hoặc xác minh chậm thì người bệnh đương nhiên được hưởng BHYT.
Phương Liễu