Qua hơn một năm sáp nhập trung tâm văn hóa thể thao cơ sở với trung tâm học tập cồng động thành trung tâm văn hóa thể thao - học tập cộng đồng (VHTT-HTCĐ), đến nay hoạt động của các trung tâm này có những chuyển biến đáng ghi nhận.
Qua hơn một năm sáp nhập trung tâm văn hóa thể thao cơ sở với trung tâm học tập cồng động thành trung tâm văn hóa thể thao - học tập cộng đồng (VHTT-HTCĐ), đến nay hoạt động của các trung tâm này có những chuyển biến đáng ghi nhận.
Toàn tỉnh có 171 trung tâm học tập cộng đồng hoạt động theo quy chế của Bộ GD-ĐT và 96 trung tâm văn hóa thể thao cơ sở do ngành văn hóa - thể thao và du lịch quản lý. Qua quá trình hoạt động cho thấy, hai loại hình này có nhiều điểm trùng nhau. Vì vậy, năm 2010, UBND tỉnh ban hành đề án sáp nhập. Sau một năm triển khai, toàn tỉnh hiện có 96 trung tâm VHTT-HTCĐ và 91 trung tâm học tập cộng đồng được củng cố hoạt động.
* Phát huy hiệu quả hoạt động
Ông Nguyễn Khánh Hậu, Phó phòng Giáo dục thường xuyên (Sở GD-ĐT) cho biết: “Đa số trung tâm học tập cộng đồng tận dụng cơ sở tại địa phương nên nhiều trung tâm hoạt động trong điều kiện phòng ốc còn chật hẹp, xuống cấp. Ngược lại, hầu hết các trung tâm văn hóa thể thao cơ sở có cơ sở khá khang trang nhưng chủ yếu hoạt động vào buổi tối. Việc sáp nhập hai trung tâm đã tận dụng được tối đa cơ sở vật chất và thời gian sử dụng. Kinh phí hoạt động của các trung tâm sau khi sáp nhập cũng đã được tăng lên 65 triệu đồng/năm đối với các Trung tâm VHTT-HTCĐ và 35 triệu đồng/năm đối với trung tâm học tập cộng đồng. Việc sáp nhập giúp các trung tâm ổn định nhân sự, kịp thời giải quyết công việc tại trung tâm”.
Lớp hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cho nông dân tại Trung tâm VHTT- HTCĐ xã Xuân Quế, huyện Cẩm Mỹ. Ảnh: B. Hường |
Bà Lưu Thị Phượng, Phó giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch thì nhận định: “Thực hiện việc sáp nhập, các trung tâm VHTT-HTCĐ đã thu được kết quả tốt. Nhiều trung tâm VHTT-HTCĐ được xây dựng quy mô, bố trí được phòng và phương tiện làm việc, đầu tư bàn ghế phục vụ cho việc học tập của nhân dân. Đặc biệt, trung tâm VHTT-HTCĐ rất cần thiết cho phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Một số trung tâm còn huy động được nguồn xã hội hóa trong xây dựng và hoạt động, như: Trung tâm VHTT-HTCĐ phường Bình Đa, Long Bình Tân (TP. Biên Hòa), Trung tâm VHTT-HTCĐ xã Quang Trung (huyện Thống Nhất)…”.
* Phục vụ nhu cầu đa dạng của nhân dân
Tại Trung tâm VHTT-HTCĐ xã Long Thọ (huyện Nhơn Trạch), lãnh đạo trung tâm này cho biết, kể từ khi sáp nhập đến nay, trung tâm là địa điểm học tập, hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục thể thao của nhân dân. Tại đây, nhiều đêm diễn văn nghệ quần chúng, hội thi đờn ca tài tử, phòng chống ma túy…thu hút đông đảo người dân tham gia.
Lớp học đàn organ tại Trung tâm VHTT-HTCĐ phường Quyết Thắng, TP. Biên Hòa. |
Còn tại các Trung tâm VHTT-HTCĐ xã Bắc Sơn, Giang Điền (huyện Trảng Bom), xã Phước Bình, Phước Tân (huyện Long Thành)… đã phổ biến các kỹ thuật, phương pháp chăn nuôi, trồng trọt hiệu quả đến với người dân. Qua đó, người dân được tiếp cận với giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao cùng các biện pháp kỹ thuật chăm sóc, canh tác tiến bộ, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất.
Nhiều trung tâm VHTT-HTCĐ còn phối hợp tổ chức các lớp đào tạo nghề ngắn hạn, như: may công nghiệp, sửa chữa xe máy, máy nổ… nhằm cung cấp cho người dân - nhất là đối tượng thanh niên địa phương - những nghề tối thiểu để có thể tự lao động kiếm sống hoặc tham gia làm việc tại các doanh nghiệp đóng trên địa bàn. Chị Hà Thị Thắm, quê ở Trảng Bom, hiện là công nhân Công ty Pouchen (TP.Biên Hòa) cho hay: “Trước đây, tôi được theo học lớp may công nghiệp do địa phương tổ chức. Nhờ vậy, tôi đã bắt nhịp khá nhanh với công việc sau khi được tuyển dụng vào làm tại công ty”.
Bên cạnh tổ chức các hoạt động miễn phí phục vụ nhu cầu của nhân dân, nhiều trung tâm VHTT-HTCĐ còn linh hoạt, sáng tạo khi phối hợp với các đơn vị chức năng triển khai các lớp dưới dạng thu phí theo yêu cầu của người dân, như: tin học, ngoại ngữ, võ thuật, thể dục thể hình, khiêu vũ, nấu ăn, chăm sóc cây cảnh… Qua đó, các trung tâm đã phát triển thêm nguồn thu với tổng số tiền là 380 triệu đồng. Điển hình các đơn vị có nguồn thu cao là các Trung tâm VHTT-HTCĐ phường Bình Đa, Hố Nai, An Bình (TP. Biên Hòa), Tân Bình (huyện Vĩnh Cửu), Tân Hiệp (huyện Long Thành), Phước Khánh (huyện Nhơn Trạch), Bảo Bình (huyện Cẩm Mỹ)… |
Tại hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Quyết định số 2875/QĐ-UBND của UBND tỉnh và tổng kết hoạt động học tập cộng đồng năm học 2010-2011 do UBND tỉnh tổ chức vừa qua, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thành Trí khẳng định: “Dù còn một vài khó khăn nhưng hiệu quả mà các trung tâm mang lại cho người dân là rất lớn, tạo điều kiện cho người dân được cung ứng các dịch vụ, các hoạt động về học tập, sinh hoạt, vui chơi, đồng thời góp phần tuyên truyền chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, nhà nước.
Cũng theo Phó chủ tịch UBND tỉnh, để các trung tâm hoạt động hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân hơn nữa, các địa phương cần bổ sung, bố trí nhân sự cho phù hợp, đồng thời tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị. Riêng với 5/11 đơn vị cấp huyện chưa tiến hành sáp nhập cần đẩy nhanh tiến độ sáp nhập, ổn định tổ chức, sớm đi vào hoạt động hiệu quả...
Bích Hường