Những năm qua, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo nghề trên địa bàn Đồng Nai liên tục được nâng cao, từ 38% vào năm 2006 đến nay đã nâng lên 43,57%, hoàn thành chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra. Kết quả đó có phần đóng góp rất lớn của hệ thống các trường, cơ sở dạy nghề trong toàn tỉnh.
Những năm qua, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo nghề trên địa bàn Đồng Nai liên tục được nâng cao, từ 38% vào năm 2006 đến nay đã nâng lên 43,57%, hoàn thành chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra. Kết quả đó có phần đóng góp rất lớn của hệ thống các trường, cơ sở dạy nghề trong toàn tỉnh.
Theo tin từ Sở Lao động - thương binh và xã hội, đầu năm 2011 toàn tỉnh có 73 trường, cơ sở dạy nghề, trong đó các đơn vị ngoài công lập chiếm tỷ lệ 69,8%. Thế nhưng trong năm nay đã có 6 đơn vị dạy nghề xin đóng cửa vì hoạt động không hiệu quả, một số đơn vị khác cũng “teo tóp” lại bởi lý do tương tự. Tổng số giáo viên dạy nghề đã giảm từ 2.397 xuống còn 2.225 người (giảm 172 người). Các trường nghề, nhất là các cơ sở dạy nghề nhỏ đang từng ngày đối mặt với khó khăn.
* Trường công, trường tư đều than
Ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Trung tâm dạy nghề Bách Khoa, một đơn vị dạy nghề ngoài công lập có tiếng trong lĩnh vực đào tạo công nghệ thông tin ở Biên Hòa cho biết, tình trạng chung của các trường nghề hiện nay là rất khó tuyển sinh. Liên tục trong 4 năm gần đây, số lượng học viên của Trung tâm dạy nghề Bách Khoa ngày càng giảm. Nếu như năm 2008 bình quân có khoảng 600 học viên/tháng (kể cả đào tạo dài và ngắn hạn), thì các năm kế tiếp đều giảm 15%/năm, và đến nay bình quân chỉ còn khoảng 200 học viên/tháng.
Học sinh hệ trung cấp của Trường cao đẳng nghề Lilama 2 trong giờ thực hành. Ảnh: T.THÚY |
Học viên giảm nên bộ máy của trung tâm cũng “teo” theo, từ 80 giáo viên, nhân viên trước đây nay chỉ còn khoảng trên 20 người, nhưng chi phí điện, nước, khấu hao máy thì không giảm theo như thế được nên phải vất vả xoay xở đủ kiểu mới không bị lỗ. “Chuyện cầm cự để duy trì hoạt động giờ chỉ còn tính từng ngày chứ không dám tính tháng, tính năm nữa. Nhưng đơn vị chúng tôi còn đỡ, chứ một số đơn vị nhỏ hơn thì không chịu nổi đã phải tạm ngưng hoạt động, như Trung tâm dạy nghề tổng hợp (phường Tân Hiệp, TP. Biên Hòa), Trung tâm dạy nghề Sao Việt (huyện Tân Phú), Cơ sở dạy nghề Liên Minh (huyện Long Thành). Sắp tới chắc chúng tôi cũng phải chuyển sang ngành nghề khác thôi” - ông Minh cho biết.
Không riêng gì các đơn vị ngoài công lập, một số trường nghề công lập dù đã được hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước cũng kêu. Ông Đồng Nhật Tiến, Hiệu trưởng Trường trung cấp kỹ thuật công nghiệp Đồng Nai (phường Bình Đa, TP. Biên Hòa) cho biết, nhiều năm nay không năm nào trường tuyển sinh đủ chỉ tiêu. Năm học 2011-2012 trường có 800 chỉ tiêu thì chỉ tuyển được 400, vào năm học thì khoảng 40% học sinh bỏ học, số còn lại quá ít nên không đủ bù chi phí vận hành bộ máy. Ở Trường trung cấp nghề Tân Mai (huyện Trảng Bom), nhờ trực thuộc Công ty cổ phần tập đoàn Tân Mai nên học viên được đảm bảo có việc làm ngay sau khi học xong. Thế nhưng năm 2011 trường cũng chỉ tuyển được 148 học viên...
* Cần có cơ chế hỗ trợ
Dù hiện nay chủ trương kêu gọi xã hội hóa trong lĩnh vực dạy nghề, nhưng trong thực tế vẫn còn có sự bất bình đẳng giữa các đơn vị trong và ngoài công lập. Thường ở các trường dạy nghề công lập có sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước rất lớn về cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị. Như Trường cao đẳng nghề Đồng Nai hàng năm kinh phí từ ngân sách cấp cho đào tạo nghề của trường này lên đến khoảng 16 tỷ đồng và trong năm 2011 chỉ riêng 7 trung tâm dạy nghề cấp huyện đã được tỉnh đầu tư 13 tỷ đồng mua sắm thiết bị dạy nghề.
Giám đốc một trường nghề cho biết, có một nghịch lý là đơn vị ngoài công lập dù có đào tạo tốt, giáo viên giỏi nghề (thông qua các hội thi giáo viên giỏi nghề hàng năm) cũng không được giao chỉ tiêu đào tạo từ ngân sách, nhưng một số trường nghề công lập được giao chỉ tiêu lại không đủ năng lực, vì thế đã xảy ra tình trạng trường có chỉ tiêu đã giao lại cho đơn vị ngoài công lập đào tạo nghề với giá rẻ hơn và hưởng chênh lệch. “Ngân sách chi đào tạo 6 triệu đồng/học viên/khóa, chúng tôi chỉ nhận đào tạo thuê lại 4 triệu đồng/học viên/khóa là đã mừng lắm rồi” - vị giám đốc này tiết lộ. Vì vậy, để các trường, cơ sở dạy nghề ngoài công lập có thể tồn tại và cạnh tranh công bằng, cần phải có sự đánh giá năng lực và giao chỉ tiêu đào tạo trong ngân sách phù hợp, không phân biệt loại hình đào tạo. |
Trong khi đó, các đơn vị dạy nghề ngoài công lập phải tự bỏ tiền đầu tư cơ sở vật chất cùng với chi phí cho bộ máy, nhưng lại chưa có chính sách ưu đãi rõ ràng để hỗ trợ. Đến nay hầu như chưa đơn vị nào được chính quyền hỗ trợ, giao đất xây dựng cơ sở theo như quy định và cũng chưa có đơn vị nào được hưởng chỉ tiêu đào tạo từ ngân sách mà phải tự bươn chải. Do đó, với tình trạng học sinh không “mặn” trường nghề như hiện nay, các đơn vị công lập do được bao cấp nên còn chống đỡ nổi, còn các đơn vị ngoài công lập thì “bó tay”. Ngay cả dự án đào tạo nghề lao động nông thôn hiện được triển khai mạnh ở các huyện, các đơn vị ngoài công lập cũng không có phần.
Bên cạnh đó, để tạo điều kiện cho các trường nghề tuyển sinh, đại tá Trần Anh Thu, Hiệu trưởng Trường cao đẳng nghề số 8 cho rằng, Bộ GD-ĐT nên xem xét “trả” lại việc đào tạo nghề cho các trường nghề, hệ nào đào tạo hệ đó. Nếu các trường đại học cứ tiếp tục đào tạo cả trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề thì các trường nghề sẽ khó có đất sống. Đây là điều bất hợp lý cần sớm được điều chỉnh.
Hà Lam