Thời gian qua, một số cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn Biên Hòa đã mở dịch vụ cấp cứu ngoại viện. Dịch vụ này bước đầu đáp ứng nhu cầu chuyển viện nhanh, thuận tiện và an toàn cho bệnh nhân, đồng thời góp phần giảm tải cho công tác cấp cứu, chuyển viện của các bệnh viện công lập.
Thời gian qua, một số cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn Biên Hòa đã mở dịch vụ cấp cứu ngoại viện. Dịch vụ này bước đầu đáp ứng nhu cầu chuyển viện nhanh, thuận tiện và an toàn cho bệnh nhân, đồng thời góp phần giảm tải cho công tác cấp cứu, chuyển viện của các bệnh viện công lập.
Tại Biên Hòa, một số cơ sở y tế triển khai dịch vụ này là: Bệnh viện đa khoa tư nhân Tâm Hồng Phước (phường Trảng Dài), Phòng khám đa khoa Sỹ Mỹ (phường Thanh Bình), Phòng khám chuyên khoa nội Lê Dương (phường Tân Biên) và Phòng khám đa khoa Long Bình (phường Long Bình).
Chuyển bệnh nhân đi cấp cứu bằng xe cấp cứu của một cơ sở tư nhân ở Biên Hòa. Ảnh: P. Liễu |
Mỗi cơ sở nêu trên đã đầu tư 2 xe cấp cứu với mục đích ban đầu là chuyển bệnh nhân của cơ sở. Nhưng xuất phát từ nhu cầu của xã hội, các cơ sở này đã triển khai dịch vụ chuyển viện lên tuyến trên, cấp cứu nạn nhân từ hiện trường tai nạn đến cơ sở y tế hoặc cấp cứu bệnh nhân tại nhà…
Bác sĩ Nguyễn Thế Thử, Giám đốc Bệnh viện đa khoa tư nhân Tâm Hồng Phước cho hay: “Thực ra dịch vụ này chỉ là một hoạt động rất nhỏ trong số những hoạt động của bệnh viện, nhưng thấy tiện cho người dân nên chúng tôi làm. Bởi hiện nay ở Biên Hòa chưa có dịch vụ cấp cứu công hoạt động đúng nghĩa, túc trực sẵn sàng để khi người dân gọi 115 là có thể đến kịp thời”.
Anh Huỳnh Thanh Hải, ở phường Tân Hiệp cho biết: “Có lần người thân bị tai nạn giao thông rất nặng, không thể chở đến bệnh viện bằng xe máy, chúng tôi gọi các dịch vụ khác cũng không được mà gọi số cấp cứu 115 cũng không xong. May mà có người chạy đến bệnh viện tư nhân gần đó gọi xe cấp cứu. Chỉ vài phút sau, xe cứu thương đến với đầy đủ thiết bị và nhân viên điều dưỡng, mà giá cả lại rẻ”.
Anh Võ Cường Quốc, điều dưỡng của Phòng khám đa khoa Long Bình cho biết, để chuyển cấp cứu, chuyển viện được an toàn, bảo đảm được sức khỏe, tính mạng cho nạn nhân, bệnh nhân, nhân viên y tế và tài xế xe cứu thương tư nhân đều được tập huấn nghiệp vụ sơ cứu, cách cố định các tổn thương, đi cùng và theo dõi bệnh nhân trong suốt quãng đường cấp cứu, chuyển viện.
Ông Lê Dương Sỹ Mỹ, Tổng giám đốc Công ty cổ phần thương mại quốc tế Sỹ Mỹ cho biết: “Công ty đầu tư 4 xe cứu thương mới. Đó là các xe ngoại nhập với đầy đủ trang thiết bị như bình ô-xy, bình chống sốc, máy đo huyết áp, cáng, nẹp… cho 2 phòng khám Lê Dương và Sỹ Mỹ với chi phí hơn 4 tỷ đồng”. Dịch vụ xe cấp cứu của 2 phòng khám này trực 24/24 giờ. Mỗi chuyến đi từ Biên Hòa lên TP. Hồ Chí Minh giá 390 ngàn đồng (từ km thứ 31 trở đi, giá 20 ngàn đồng/km). Trường hợp chuyển cấp cứu trong nội ô Biên Hòa thì chi phí 300 ngàn đồng/chuyến. Nhân viên y tế đi kèm sẽ tính phí riêng: bác sĩ 200 ngàn đồng/giờ, điều dưỡng 50 ngàn đồng/giờ. Ở Bệnh viện đa khoa tư nhân Tâm Hồng Phước triển khai tính phí theo km như taxi nhưng với giá 7 ngàn đồng/km, kèm điều dưỡng theo xe nếu bệnh nhân có yêu cầu. Còn với đội xe cấp cứu của Phòng khám đa khoa Long Bình, giá mỗi chuyến đi TP.Hồ Chí Minh là 600 ngàn đồng, nội ô Biên Hòa là 120 ngàn đồng/chuyến. Dù mỗi cơ sở có một mức giá khác nhau nhưng với những người dân từng sử dụng dịch vụ cấp cứu tư nhân, thì mức giá trên không phải là quá đắt.
Trao đổi với chúng tôi về hoạt động cấp cứu tư nhân, bác sĩ Hoàng Nghĩa Đài, Trưởng phòng Nghiệp vụ y (Sở Y tế) cho biết: “Khi các bệnh viện đang quá tải cả trong điều trị lẫn cấp cứu, chuyển viện, thì hoạt động cấp cứu ngoại viện của các cơ sở y tế tư nhân phần nào đã góp phần giảm tải cho các bệnh viện và tạo thuận lợi cho bệnh nhân. Đây là một hoạt động xã hội hóa đáng khuyến khích”.
Phương Liễu