Văn là người. Dạy văn là dạy làm người. Từ trang văn vào trang đời, từ trang đời sẽ bước vào trang văn. Vì thế, những trang văn của học trò là những trang đời rất thực và rất chân thực.
Văn là người. Dạy văn là dạy làm người. Từ trang văn vào trang đời, từ trang đời sẽ bước vào trang văn. Vì thế, những trang văn của học trò là những trang đời rất thực và rất chân thực. Những đề văn mang hơi thở cuộc sống sẽ giúp giáo viên khơi đúng mạch nguồn cảm xúc của học trò về những vấn đề còn khá nóng hổi của thực tiễn cuộc sống. Học sinh cảm nhận được hơi thở cuộc sống qua nguồn mạch văn chương. Và đúng là như vậy, thực tiễn bao giờ cũng ngồn ngộn những cảm xúc. Vẻ đẹp chân - thiện - mỹ được khéo léo khơi gợi trong tâm hồn học trò.
Cuộc sống hiện nay đang diễn ra khá sôi động với nhiều hình ảnh trái chiều nhau. Sự vô cảm ở người trẻ, việc hành xử thiếu văn hóa trong cộng đồng xã hội, bạo lực học đường đã quá mức báo động, những phép tắc, đạo đức dần bị lu mờ ở một số người trẻ... Tất cả những vấn đề trên nếu đưa vào đề văn chắc chắn chúng ta sẽ nhận lại được sự nhận thức, ý thức trách nhiệm đối với con người và xã hội của học trò, tạo điều kiện cho các em nhìn nhận, soi xét về những hành vi ứng xử xã hội như phê phán cái chưa tốt, lên án cái xấu. Biết mở lòng với đồng loại. Biết xót thương, chia sẻ với những mảnh đời bất hạnh, với những nỗi đau của người khác... Quan trọng hơn là qua đó giúp các em thể hiện suy nghĩ, quan điểm của mình trước những hiện tượng, sự việc còn có độ khác biệt quá lớn giữa thực tế với sách vở. Những bài làm, ý nghĩ lệch lạc về cuộc sống của học trò sẽ là cơ hội thuận tiện để nhà trường giáo dục, sửa chữa, uốn nắn và định hướng một cách đúng đắn cho các em. Từ những bài học cuộc sống đó, thầy cô đã nhẹ nhàng gieo vào lòng học trò cái hay, cái đẹp, tấm lòng yêu thương rộng mở, những hành động tích cực đối với cộng đồng...
Thời gian gần đây đã xuất hiện một số đề văn sáng tạo ở các lần thi học kỳ, thi tốt nghiệp hay tuyển sinh, nhưng chưa nhiều. Sự mạnh dạn trong việc ra đề tránh lối đi cũ chưa được chú ý, còn e ngại, còn thiên về hướng đảm bảo sự an toàn, chưa vượt qua khỏi tầm nhìn cũ. Lâu nay, chúng ta cứ kêu ca học trò “chán văn” cũng bởi cách ra đề, cách dạy theo lối mòn, bởi chương trình đưa vào sách giáo khoa không nhiều tác phẩm hay và có độ “rung cảm” cao. Sự khuôn mẫu sáo rỗng sẽ làm người học mất dần đi cảm xúc, tâm hồn khô cứng tình cảm... Thế nên các em quay lưng với văn học là điều đương nhiên.
Một đề văn lạ, gần gũi cuộc sống, vượt ra khỏi khuôn mẫu, điểm số sẽ góp phần không nhỏ vào việc đổi mới dạy - học văn ở nhà trường phổ thông hiện nay. Đổi mới cách ra đề là con đường ngắn nhất dẫn đến đổi mới phương pháp dạy học, cách tiếp cận văn chương. Và điều mới lạ sẽ khơi dậy mạnh mẽ ở học trò niềm đam mê đọc, yêu văn chương, chữ nghĩa.
Đào Khởi