Buổi tối ấy ở Nhã Viên quán có phần nhộn nhịp hơn những buổi tối khác. Nhiều người đến đó không phải chỉ để ăn uống, thư giãn, mà đến vì tấm lòng với những số phận da cam.
Buổi tối ấy ở Nhã Viên quán có phần nhộn nhịp hơn những buổi tối khác. Nhiều người đến đó không phải chỉ để ăn uống, thư giãn, mà đến vì tấm lòng với những số phận da cam.
Đây là lần đầu tiên Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Đồng Nai phối hợp với Hội Nhà báo tỉnh và Đài PT-TH Đồng Nai tổ chức ra mắt 2 cuốn sách vừa xuất bản nhân kỷ niệm 50 năm thảm họa da cam tại Việt Nam. Cuốn “Nỗi đau còn lại” là tập hợp trên 100 tác phẩm của 45 tác giả là văn nghệ sĩ ở Đồng Nai và cuốn “Cảm ơn cuộc đời” chọn đăng những bài thơ tự sáng tác của nạn nhân da cam Đinh Thị Hoàng Loan. Hai ấn phẩm không chỉ nhằm tập hợp những bài viết về những số phận da cam với những mảng đời tối - sáng, mà còn là khúc tự sự của những người trong cuộc về nỗi đau da cam - vết thương chưa lành sau 35 năm cuộc chiến đã đi qua.
Không khí khán phòng như chùng xuống khi nghe bài hát “Giọt lệ da cam” được nhạc sĩ Lệ Hằng phổ nhạc từ bài thơ cùng tên của Hoàng Loan. Câu hát cứ xoáy vào tâm thức mỗi người về nỗi đau, sự mất mát không chỉ của Hoàng Loan và gia đình Loan phải gánh chịu, mà còn có bao người, bao gia đình trên đất nước này đang hàng ngày, hàng giờ phải đối mặt với nó. Nhưng nỗi đau ấy đã không làm cho những nạn nhân gục ngã. Như một nhân chứng sống, tâm sự của “chú chim cánh cụt nhỏ” Hồ Hữu Hạnh - một nạn nhân da cam ở Định Quán, khiến nhiều người cảm động về niềm tin mãnh liệt và nghị lực phi thường của những số phận da cam đã biết vượt lên nghịch cảnh, khẳng định sự khiếm khuyết một phần hay nhiều phần trên thân thể cũng không làm họ lùi bước trước khó khăn của cuộc sống.
Ngồi lặng lẽ ở cuối khán phòng, đôi mắt rưng rưng khi xem những bức ảnh, những đoạn phim về cuộc sống của những nạn nhân da cam ở Đồng Nai, một vị khách người Hàn Quốc tình cờ đến Nhã Viên quán đêm ấy đã rất xúc động, ông gọi đó là “nghị lực Việt Nam”. Bằng vốn tiếng Việt ít ỏi, ông nói, nước Hàn cũng trải qua chiến tranh như Việt Nam, nhưng may mắn hơn là chiến tranh đi qua, quá khứ đau thương cũng đã khép lại. Nhưng ở Việt Nam, chiến tranh đi qua nhưng quá khứ của nó lại mở ra một cuộc chiến khác - cuộc chiến âm thầm với đớn đau, tật nguyền - hậu quả thảm khốc mà cuộc chiến của Mỹ để lại ở Việt Nam. “Tôi khâm phục nghị lực của các bạn”- ông cho biết.
Và chúng tôi biết, đêm ấy về, những ai có mặt ở buổi ra mắt cũng sẽ trăn trở, vì bên cạnh mình còn có nhiều số phận đau thương cần chia sẻ.
Phương Liễu