Báo Đồng Nai điện tử
En

Người phụ nữ gắn bó với y tế cộng đồng

11:11, 11/11/2011

Đến với “nghề” cộng tác viên y tế thôn ấp từ nhiều năm nay, giờ đây bà Phạm Thị Thanh Loan (ấp Cây Cầy, xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu) vẫn rất tâm huyết trong công việc này.

Đến với “nghề” cộng tác viên y tế thôn ấp từ nhiều năm nay, giờ đây bà Phạm Thị Thanh Loan (ấp Cây Cầy, xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu) vẫn rất tâm huyết trong công việc này.
Vừa qua, khi đưa đoàn cán bộ của Bộ Y tế đi khảo sát về tình hình tiếp cận các dịch vụ y tế của người dân ở một ấp vùng sâu, vùng xa và nghèo nhất huyện này, bà Thanh Loan rành rẽ từng con đường vào nhà dân, nhớ tên của từng đứa trẻ được sinh ra trong ấp.

Bà Phạm Thị Thanh Loan đưa đoàn khảo sát của Bộ Y tế đến một nhà dân ở ấp Cây Cầy. Ảnh: T. Thắng
Bà Phạm Thị Thanh Loan đưa đoàn khảo sát của Bộ Y tế đến một nhà dân ở ấp Cây Cầy. Ảnh: T. Thắng

Ở ấp Cây Cầy - địa bàn bà Loan phụ trách, hầu hết là người dân tộc và có trên 80% hộ nghèo, trình độ dân trí hạn chế. Trên địa bàn ấp, điều kiện đường sá đi lại rất khó khăn, vệ sinh môi trường kém, nhiều hộ gia đình sinh sống bằng nghề lưới cá ở lòng hồ Trị An nên ý thức về kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản và tiêm phòng các loại bệnh cho con rất hạn chế, nên sức khỏe của hầu hết người già, phụ nữ và trẻ em trong ấp cũng chưa tốt. Song, với sự nhiệt tình, trách nhiệm, những năm qua, với những kiến thức đã được trang bị, bà Loan luôn cố gắng làm tốt nhiệm vụ được giao.
Hiện các chương trình mục tiêu quốc gia đưa xuống cơ sở rất nhiều, nên bà cứ đi suốt. Kể cả những hôm mưa gió, đường sá đi lại khó khăn bà vẫn không quản ngại. Mỗi lần đưa thuốc đến cho người dân, bà lại kết hợp với tuyên truyền và hướng dẫn người dân thực hiện vệ sinh để phòng chống dịch bệnh. Nhờ đeo bám địa bàn nên với công tác giám sát dịch bệnh, bà luôn báo cáo kịp thời lên trạm y tế xã. Bà cũng là người đã đỡ đẻ cho cả chục ca do điều kiện ra trạm y tế quá khó khăn, sơ cứu cho nhiều người dân bị tai nạn thương tích rồi đưa họ đến trạm y tế xã kịp thời.
Bà Loan tâm sự: “Làm công tác y tế thôn bản cũng có kinh phí, nhưng với địa bàn xa, người dân sống rải rác, đi từ nhà nọ sang nhà kia cũng cả chục cây số thì khoản kinh phí ấy cũng chỉ đủ tiền xăng xe. Nhưng vì yêu quý công việc, vì thương người dân cực khổ nên cố gắng thôi. Cũng may, kinh tế gia đình mình cũng ổn định, con cái lớn khôn rồi nên mới dành được nhiều thời gian cho công việc”.

Thuận Thắng

 

Tin xem nhiều