Với chủ đề “Vì những đứa con không nhiễm HIV” và “Vì cuộc sống của những trẻ nhiễm HIV”, chương trình dự phòng AIDS ở phụ nữ mang thai và trẻ em nhiễm HIV là chương trình mang tính nhân văn cao.
Với chủ đề “Vì những đứa con không nhiễm HIV” và “Vì cuộc sống của những trẻ nhiễm HIV”, chương trình dự phòng AIDS ở phụ nữ mang thai và trẻ em nhiễm HIV là chương trình mang tính nhân văn cao.
3 năm từ khi triển khai chương trình, tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con đã giảm, tạo chuyển biến trong nhận thức của cộng đồng về thực trạng đáng lo ngại: trẻ bị nhiễm HIV do lây truyền từ mẹ.
Một ca mổ lấy thai cho bà mẹ nhiễm HIV. Ảnh: P. LIễu |
CUNG CẤP GÓI DịCH VỤ CHĂM SÓC TOÀN DIỆN
Chương trình được triển khai tại 13 khoa sản của các bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến huyện, cùng với trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh. Trong đó, riêng TX.Long Khánh và TP.Biên Hòa còn triển khai công tác tư vấn dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con cho phụ nữ mang thai tại các trạm y tế.
Từ chương trình, những phụ nữ mang thai nhiễm HIV sẽ được cung cấp “gói” dịch vụ chăm sóc và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con toàn diện, gồm: tư vấn, xét nghiệm HIV tự nguyện cho phụ nữ mang thai và phụ nữ có nguy cơ lây nhiễm HIV, chăm sóc điều trị dự phòng cho bà mẹ mang thai nhiễm HIV đến khi con được sáu tháng tuổi, giới thiệu và chuyển tiếp những phụ nữ và trẻ em thuộc nhóm này đến các dịch vụ phù hợp để dự phòng - chăm sóc - điều trị và các hỗ trợ liên quan đến HIV/AIDS.
Nhờ hình thành hệ thống gói dịch vụ này và được triển khai đồng bộ, số lượng phụ nữ mang thai được tư vấn, xét nghiệm, điều trị dự phòng cũng tăng lên đáng kể. Theo thông tin từ Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh, tại 14 điểm triển khai chương trình dự phòng AIDS, tính từ đầu năm đến nay đã có gần 50 ngàn phụ nữ mang thai được tư vấn và xét nghiệm HIV tự nguyện. Trong đó phát hiện 22 phụ nữ mang thai có kết quả dương tính và 21 người khác được điều trị dự phòng lây truyền mẹ con. Cũng tính đến cuối tháng 10-2011, 21 trẻ sinh ra từ bà mẹ nhiễm HIV được điều trị dự phòng lây truyền mẹ sang con và 15 trẻ được xét nghiệm bằng phương pháp “giọt máu khô”. Số trẻ sinh ra từ các bà mẹ có HIV này cũng đã được cấp sữa thay thế.
VÌ NHỮNG ĐỨA TRẺ SINH RA KHÔNG NHIỄM HIV
Bác sĩ Võ Thị Kim Loan, Giám đốc Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh cho biết: “Để những phụ nữ mang thai đồng ý đến với chương trình, chúng tôi đã tăng cường công tác truyền thông, đặc biệt với nhóm phụ nữ mang thai và người trong độ tuổi sinh đẻ. Chúng tôi cho chị em biết nếu bị nhiễm HIV, tham gia công tác dự phòng sớm thì nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con sẽ giảm đáng kể, chỉ dưới 10%. Cũng qua đó, chúng tôi quản lý được thêm những đối tượng nhiễm HIV và những cháu bé được sinh ra từ những bà mẹ này để đưa họ đến với phác đồ điều trị bằng ARV, đồng thời có những hỗ trợ y tế kịp thời, bảo đảm giúp họ duy trì sức khỏe, nhất là các cháu bé nhiễm HIV từ mẹ”.
Bác sĩ Nguyễn Quang Sơn khám bệnh cho một trẻ bị nhiễm HIV từ mẹ không được dự phòng. Ảnh: P.Liễu |
Khoa sản Bệnh viện đa khoa Đồng Nai là một trong những điểm tích cực thực hiện chương trình. Bác sĩ Nguyễn Mạnh Hoan, Trưởng khoa sản 1 cho biết: “Trước đây, để dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con ở phụ nữ mang thai cũng như tránh phơi nhiễm cho thầy thuốc khi đỡ đẻ, cán bộ y tế chỉ âm thầm thực hiện test sàng lọc để xác định. Với test dương tính, mẫu máu hoặc sản phụ đó sẽ được tư vấn và chuyển sang Trung tâm y tế dự phòng tỉnh để làm xét nghiệm khẳng định HIV. Bây giờ, có chương trình, tư vấn và làm test cho các sản phụ được thực hiện dễ dàng hơn”.
Thực tế cho thấy, hiện tỷ lệ phụ nữ mang thai những tháng cuối và lúc chuyển dạ mới được làm xét nghiệm HIV còn khá cao. Dù có sự tích cực của khoa sản các bệnh viện, nhưng độ bao phủ của chương trình chưa rộng khắp, các chế độ ưu đãi cho cán bộ chuyên trách chưa cao đang làm hạn chế một phần hiệu quả của chương trình. Vì thế, một trong những hướng phát triển tới của chương trình là sẽ thực hiện mở rộng dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV xuống tận các trạm y tế để tăng tỷ lệ bà mẹ mang thai thực hiện xét nghiệm HIV tự nguyện, nhằm phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
VÌ SỨC KHỎE CỦA TRẺ NHIỄM HIV
Trẻ nhiễm HIV cũng là đối tượng quan tâm của chương trình này. Ngay từ khi chương trình đi vào hoạt động, Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh đã phối hợp với Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai thành lập phòng khám và điều trị ngoại trú cho trẻ bị nhiễm HIV và trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.
Theo Trung tâm phòng chống AIDS tỉnh, hiện có hơn 100 trẻ có HIV được chăm sóc sức khỏe tại các bệnh viện trong và ngoài tỉnh. Dù đi vào hoạt động đã 3 năm, tiếp nhận và quản lý hồ sơ cho gần 110 bệnh nhân nhi nhiễm HIV nhưng chỉ có khoảng 1/3 số trẻ này được điều trị thường xuyên.
Bác sĩ Nguyễn Quang Sơn, Phó khoa nhiễm Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai - người có nhiều gắn bó với phòng khám, cho biết: “Các cháu bị nhiễm HIV điều trị tại phòng đang khám ít đi, tôi thấy vừa mừng, vừa lo. Mừng là có thể số trẻ bị nhiễm HIV đã ít đi. Lo là nhiều người sợ kỳ thị không dám đưa con đến bệnh viện điều trị, như thế trẻ rất thiệt thòi vì các em mất cơ hội được chăm sóc và điều trị HIV để kéo dài sự sống…”.