Thiếu thốn tình yêu thương của cha mẹ từ nhỏ, chỉ có tình yêu thương từ bà ngoại, vậy mà cô học trò nhỏ Lý Gia Hân (học sinh lớp 4/1 Trường tiểu học Vĩnh Thanh 2, xã Vĩnh Thanh, huyện Nhơn Trạch) với dáng người gầy gò, yếu ớt vẫn gắng vượt khó học tập. Suốt 3 năm liền em đều là học sinh giỏi.
Thiếu thốn tình yêu thương của cha mẹ từ nhỏ, chỉ có tình yêu thương từ bà ngoại, vậy mà cô học trò nhỏ Lý Gia Hân (học sinh lớp 4/1 Trường tiểu học Vĩnh Thanh 2, xã Vĩnh Thanh, huyện Nhơn Trạch) với dáng người gầy gò, yếu ớt vẫn gắng vượt khó học tập. Suốt 3 năm liền em đều là học sinh giỏi.
Bữa ăn trưa đạm bạc của hai bà cháu Lý Gia Hân. Ảnh: N.T |
Như bao đứa trẻ trong ấp, Gia Hân cũng có cha có mẹ nhưng tuổi thơ của em phải trải qua biết bao khó khăn, nhọc nhằn. “Tôi đã nuôi cháu 5 năm nay kể từ ngày cha mẹ của cháu lần lượt bỏ đi. Tôi già yếu, sống nay chết mai, không biết cuộc đời cháu sẽ đi đâu về đâu” - bà Lê Thị Năm, ngoại của Gia Hân cho biết.
Hôm chúng tôi tới nhà cũng đúng lúc hai bà cháu đang ăn cơm trưa. Nhìn xuống mâm cơm chỉ có một niêu cơm và hũ mắm, chúng tôi dò hỏi thì Gia Hân nhanh nhẩu trả lời: “Món này chỉ mất có mấy ngàn thôi nhưng hai bà cháu ăn được mấy ngày, có cơm ăn là may rồi cô ạ!”.
Nhà không có ruộng, hai bà cháu sống chủ yếu bằng nghề mót lúa. Mỗi năm 3 vụ, ngoài giờ học ở trường, Gia Hân lại phụ bà ra đồng mót lúa. Có hôm, nhìn hai bà cháu tội nghiệp, hàng xóm cho thêm một ít, em còn nhỏ quá nên khi đặt bó lúa lên xe cứ nhào xuống ruộng khiến mặt mũi Hân lem nhem bùn đất. “Mấy năm trước bà ngoại còn mạnh khỏe, hai bà cháu mót cũng đủ lúa ăn trong một năm. Giờ ngoại ngày càng yếu đi, lúa mót được cũng giảm dần, ăn tiết kiệm lắm mới đủ, ấy là chưa kể lúc ốm đau phải bán bớt lúa mới có tiền mua thuốc” - Gia Hân tâm sự.
Thương ngoại vất vả, có hôm trên đường đi học về, thấy ô ruộng cạnh đường có cá, Gia Hân lại tranh thủ chạy về nhà lấy rổ xuống ruộng bắt cá. Gia Hân cho biết: “Hai bà cháu thường chỉ ăn với mắm hoặc cá khô, hiếm khi nào có đồ ăn tươi. Em bắt thêm cá cải thiện bữa ăn để ngoại có thêm sức khỏe”.
Mới 9 tuổi nhưng trông Gia Hân chững chạc hơn bạn bè cùng trang lứa. Để ngoại không phải lo lắng, hàng ngày sau khi tan học, Gia Hân về nhà thật nhanh phụ ngoại nấu cơm và làm việc nhà. Ăn xong cơm trưa, trong căn chòi chật hẹp, ẩm thấp, Gia Hân lại nằm dài trên chiếc giường được ghép bởi những cành cây để tranh thủ học bài. “Buổi tối không có điện em không học bài được, vì vậy em phải tranh thủ học bài ban ngày” - Gia Hân chia sẻ.
Thầy giáo Thân Trọng Sử, giáo viên chủ nhiệm cho biết: “Gia Hân học giỏi, chăm chỉ và đặc biệt là không bao giờ có tư tưởng nghỉ học”. Về tương lai, Gia Hân cho biết: “Em muốn làm cô giáo để dạy chữ cho những trẻ có hoàn cảnh giống em và muốn ở gần để chăm sóc cho ngoại. Em sẽ cố gắng học để thực hiện ước mơ này”.
Nguyễn Tuyết