Báo Đồng Nai điện tử
En

Chương trình học bổng “Vượt khó vì tương lai” lần thứ X của Báo Đồng Nai: Vươn lên từ trong nghịch cảnh

10:11, 13/11/2011

Từ số báo này, Báo Đồng Nai giới thiệu một số gương mặt được tặng học bổng “Vượt khó vì tương lai” lần thứ 10.

Từ số báo này, Báo Đồng Nai giới thiệu một số gương mặt được tặng học bổng “Vượt khó vì tương lai” lần thứ 10.

* Em Nguyễn Thị Huỳnh Như: Mỗi ngày đến trường là một niềm vui

Gương mặt, vóc dáng không khác gì bạn bè đồng trang lứa, nhưng suy nghĩ của Nguyễn Thị Huỳnh Như (lớp 3/1 Trường tiểu học Thống Nhất B, phường Thống Nhất, TP. Biên Hòa) thì lại khá già dặn.  Hoàn cảnh khó khăn đã khiến cô bé mới lên 9 ấy sớm có sự chín chắn và nghị lực hơn,

Em Nguyễn Thị Huỳnh Như.
Em Nguyễn Thị Huỳnh Như.

 

Lên 2 tuổi, Huỳnh Như không may mắc căn bệnh lạ là bị dậy thì sớm. Cha mẹ đưa em đi khắp nơi chữa chạy, nhưng các bệnh viện phía Nam đều bó tay trước căn bệnh lạ ấy khiến Huỳnh Như lẫn gia đình vô cùng khổ sở. May mắn sao, Báo Đồng Nai đã phát hiện và phản ảnh hoàn cảnh của em lên báo, từ đó Huỳnh Như được bạn đọc khắp nơi biết đến và tìm cách giúp đỡ. Cũng từ sự giúp đỡ ấy, em đã được các bác sĩ của Bệnh viện nhi trung ương (Hà Nội) chẩn đoán tìm ra bệnh và có phác đồ điều trị. Tuy nhiên, căn bệnh của Huỳnh Như phải điều trị kéo dài đến năm em 12 tuổi.

Từ đó đến nay, tháng nào Huỳnh Như cũng phải lên Bệnh viện nhi đồng 2 (TP. Hồ Chí Minh) để chữa bệnh. Chi phí mỗi lần điều trị ngót nghét 3 triệu đồng. Rồi khoảng 3-4 tháng/lần em lại phải làm các kỹ thuật xét nghiệm máu, não, tủy xương với chi phí gần 4 triệu đồng. Cha làm “thợ đụng” thu nhập không ổn định, mẹ làm công nhân Công ty Epic Designer, tăng ca tối đa thu nhập cũng chỉ hơn 3 triệu đồng/tháng nên với căn bệnh của Như, gia đình em hết sức khó khăn. Cả gia đình 4 người phải ở chung với bà nội và gia đình người bác. 9 con người sống chen chúc trong ngôi nhà lụp xụp, rộng chỉ khoảng 40m2.

[links(left)]Như kể, suốt mấy năm nay em luôn được sống trong tình yêu thương, đùm bọc của mọi người. Mỗi lần em đi trị bệnh, các bạn trong lớp thay phiên nhau chép bài cho em, còn cô giáo thì ân cần dành thời gian giảng lại bài. Rồi bà con xóm giềng, các cô chú ở Chi cục Bảo trợ xã hội - bảo vệ, chăm sóc trẻ em tỉnh thường xuyên giúp đỡ về vật chất lẫn tinh thần, động viên em và gia đình vượt qua khó khăn.

Căn phòng của gia đình em ở “nhỏ như cái lỗ mũi”, chỉ để một tấm nệm là muốn kín hết chỗ, cha Như lấy một tấm ván mắc vào vách, khi nào học thì lấy cây chống lên thành bàn học cho em. Cứ như vậy, mỗi ngày trong gian phòng tối tăm, chật hẹp, ẩm thấp ấy, Như cặm cụi học để nuôi dưỡng ước mơ trở thành cô giáo.

“Con rất thích đến trường, rất thích đi học. Ở đó con có bạn bè, cô giáo luôn thương yêu, giúp đỡ. Mỗi ngày đến trường là một niềm vui, nên con mong ước sau này trở thành cô giáo để truyền đạt kiến thức cho các em nhỏ. Muốn làm cô giáo thì phải viết chữ đẹp, vì vậy bây giờ ngày nào con cũng tập viết cho thật đẹp” - Như thổ lộ ước mơ của mình như thế.

 * Em Nguyễn Thị Bảo Trinh: Càng khó khăn càng phải ráng học!

“Em sinh ra và lớn lên như bao đứa trẻ bình thường khác khi có đủ đầy cả cha lẫn mẹ và cậu em trai. Cách đây 1 năm, trên đường đi làm về, mẹ em bị tai nạn giao thông và mất. Từ những đứa trẻ hạnh phúc,hai chị em của em trở thành mồ côi mẹ. Rồi cách đây 3 tháng, đến lượt cha em bị tai nạn và bị chấn thương sọ não nặng” - Nguyễn Thị Bảo Trinh, học sinh lớp 9/5 Trường THCS Nguyễn Hiền (xã Suối Cát, huyện Xuân Lộc) cho biết.

Em Nguyễn Thị Bảo Trinh (trái) cùng các bạn trong giờ học vi tính ở trường.
Em Nguyễn Thị Bảo Trinh (trái) cùng các bạn trong giờ học vi tính ở trường.

 

Từ đó, hai bên nội ngoại chia sẻ: Hai chị em Bảo Trinh về ở với ông bà ngoại, còn cha của em để ông bà nội chăm sóc. Hoàn cảnh đã khó nay lại càng khó khăn hơn. Quán nước nhỏ trước nhà của ngoại chỉ đủ để nuôi hai cháu ăn ngày 3 bữa một cách tằn tiện.

Để có thêm thu nhập phụ giúp ông bà ngoại cũng như trang trải thêm tiền học và lo cho cậu em trai đang học lớp 1, hàng ngày sau giờ học ở trường, Bảo Trinh lại tranh thủ đi thu mua vải vụn ở các tiệm may gần nhà về cắt may thành những ngón tay (dùng bao ngón tay khi chẻ hạt điều). “100 cái như vậy em bán được 6 ngàn đồng” - Bảo Trinh cho biết. Ngoài thời gian làm thêm, Bảo Trinh còn lo đưa đón em đi học, phụ cơm nước với ông bà, dạy em ôn bài…

“Mặc dù hoàn cảnh gia đình hiện tại của Bảo Trinh rất là khó khăn, nhưng thầy cô và bạn bè chưa bao giờ nghe em nói đến chuyện bỏ học mà ngược lại, em còn quyết tâm cao hơn. Bảo Trinh không chỉ là tấm gương về nghị lực vượt khó mà còn là một học sinh giỏi của trường khiến bạn bè nể phục” - cô giáo Nguyễn Thị Thế, giáo viên chủ nhiệm cho hay.

Bảo Trinh cho biết: “Từ khi mẹ em còn sống, em đã ước mơ sau này sẽ trở thành bác sĩ. Lúc ấy được mẹ động viên nên em quyết tâm lắm. Sau này khi mẹ mất đi, những tháng ngày cha vất vả đi làm thợ hồ kiếm tiền nuôi hai chị em ăn học, em đã tự hứa với lòng là sẽ cố gắng học tập thật tốt để không phụ lòng mong mỏi của mẹ và sự hy sinh của cha. Giờ cha em bị tai nạn, trí nhớ chưa hồi phục, càng thôi thúc em phải cố gắng hơn”.

 “Biết em khó khăn, nhà trường tạo điều kiện giúp đỡ. Nhưng nhà trường còn khó khăn, vả lại còn nhiều học sinh khó khăn cần giúp đỡ nên trường cũng mới chỉ hỗ trợ em giảm học phí, học phụ đạo, các khoản đóng góp, tặng đồng phục hay tập vở… và động viên em vượt qua khó khăn, tiếp tục đến trường” - thầy giáo Tạ Huy Hãn, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Hiền chia sẻ.

* Em Nguyễn Lê Phương Thảo: Em nhớ mẹ lắm!

Trường tiểu học Bửu Long nằm trong một con hẻm nhỏ của khu phố 5, phường Bửu Long (TP. Biên Hòa). Trường có nhiều học sinh khó khăn, trong đó có trường hợp em Nguyễn Lê Phương Thảo, học sinh lớp 4.

Cô giáo chủ nhiệm Nguyễn Thị Thủy cho biết: “Khi biết được hoàn cảnh của Phương Thảo, chúng tôi quan tâm nhiều hơn, động viên em, hướng dẫn em học hành. Các bạn luôn chia sẻ đồ dùng học tập khi Phương Thảo thiếu. Thảo là một học sinh ngoan, biết nghe lời cô. Em luôn chăm chỉ và cố gắng học tập”.

Mặc dù đã được cô giáo chủ nhiệm dắt tay dẫn vào gặp nhưng dáng vẻ nhút nhát, đôi mắt tròn của cô bé mới 9 tuổi làm chúng tôi thật sự khó “bắt chuyện”. Vậy mà khi hỏi về mẹ, dường như không giấu nổi nỗi buồn trong đôi mắt ngây thơ, em nói: “Em nhớ mẹ lắm! Trước ngày mất, mẹ cứ nắm tay em dặn phải ngoan, phải chăm học. Em sẽ cố gắng học giỏi để mẹ vui”.

Em Nguyễn Lê Phương Thảo.
Em Nguyễn Lê Phương Thảo.

 

Chị Lê Thị Liễu, là dì của Phương Thảo kể: “Mẹ Phương Thảo không được lanh lợi như người bình thường. Nhìn cách chăm con của một người mẹ khờ dại, tôi không đành lòng nên đã mang Phương Thảo về nuôi từ khi con bé mới được 8 tháng tuổi”. Mỗi cuối tuần em mới được về thăm mẹ. Nhưng năm ngoái, khi Phương Thảo vừa tròn 8 tuổi thì mẹ em đã qua đời vì căn bệnh ung thư dạ dày. Cha em bị bệnh suy thận nặng không còn khả năng lao động. Sau ngày mẹ mất, gia đình bên nội đã đưa cha em đi và từ đó đến nay Phương Thảo không có tin tức gì về cha mình nữa.

Thiếu vắng tình cảm mẹ và cha nên mọi việc Phương Thảo đều nhờ vào dì và bà ngoại. Nhưng bà ngoại nay đã gần 80 tuổi. Mọi chi tiêu sinh hoạt trong gia đình chủ yếu từ đồng lương công nhân của dì. Hàng ngày, sau buổi sáng học thêm tại nhà cô, Phương Thảo về phụ bà việc nhà, cùng ngoại ăn cơm trưa rồi tự đi bộ tới trường học. Dì của Phương Thảo chia sẻ: “Trước đây gia đình rất khó khăn. Tuy nhiên, gần đây chúng tôi đã ổn định hơn. Cùng với sự giúp đỡ của phường và của các thầy cô trong trường, tôi sẽ cố gắng nuôi cháu ăn học. Nhưng thực tình nhiều lúc nhìn cháu thiếu vắng tình cảm mẹ cha, tôi rất đau lòng”.

Thanh Thúy - Nguyễn Tuyết - Bích Hường


                                            


                                                 

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích