Sáng 17-11, tại hội trường Tỉnh ủy, Ban biên tập Báo Đồng Nai tổ chức lễ trao học bổng “Vượt khó vì tương lai” lần thứ 10. Chương trình được thực hiện với sự tài trợ của Công ty cổ phần ô tô Trường Hải.
Sáng 17-11, tại hội trường Tỉnh ủy, Ban biên tập Báo Đồng Nai tổ chức lễ trao học bổng “Vượt khó vì tương lai” lần thứ 10. Chương trình được thực hiện với sự tài trợ của Công ty cổ phần ô tô Trường Hải.[links(left)]
195 học sinh, sinh viên nhận học bổng lần này là những gương mặt có nhiều nghị lực, biết vượt qua nghịch cảnh để nuôi dưỡng hy vọng vào tương lai tươi sáng. Nhóm phóng viên Báo Đồng Nai đã gặp gỡ và ghi nhận về vài trường hợp tiêu biểu trong số đó.
* Em Y Phan Niê: Ráng học giỏi để giúp người
Em Y Phan Niê. Ảnh: T. THÚY |
Một buổi sớm lạnh lẽo năm 1999, sư cô Minh Hải ở chùa Từ Ân (xã Lộc An, huyện Long Thành) nghe tiếng trẻ con khóc trước cổng, bước ra đã thấy một bé trai khoảng vài tháng tuổi được ai đó đem đến để trước cổng chùa. Trên người bé trai ấy có một bức thư, ghi rõ bé tên Y Phan Niê, người dân tộc Êđê, cha mẹ đã mất hết nên không có người nuôi dưỡng, nhờ nhà chùa mở lòng từ bi chăm sóc giùm. Em sống ở chùa từ đó.
Khi Y Phan Niê lớn, không tiện ở chùa ni nên sư cô gởi em đến sống tại chùa An Lạc với sư thầy Thích Hạnh Trung. Ở chùa An Lạc, ngoài Y Phan Niê còn có một số trẻ mồ côi, khuyết tật bị gia đình bỏ rơi, hoặc cha mẹ hoàn cảnh khó khăn không nuôi nổi phải gởi nhà chùa, tất cả đều được sư thầy tận tình chăm sóc. Hàng ngày, em đảm trách công việc quét sân, phụ nấu ăn, làm vệ sinh, chăm sóc các em nhỏ hơn.
Năm học 2011-2012 em vào lớp 6/2 Trường THCS Long Thành, cách chùa khá xa. Sư thầy cũng cố tạo điều kiện cho em tiếp tục đi học, vì vậy em luôn tự nhủ phải học thật giỏi để không phụ lòng. Chưa bao giờ phải đi học thêm, nhưng cũng chưa bao giờ em không đạt học lực giỏi. Em còn luôn nhắc nhở, kèm cặp các em nhỏ khác cũng học như mình.
Y Phan Niê tâm sự, điều khó khăn nhất trong cuộc sống là em không thể nào không nghĩ về cha mẹ của mình. Hồi nhỏ, mỗi lần bạn nào có cha mẹ đến thăm, em thường chạy ra đón để mong đó là cha mẹ mình. Đêm về, em thường nằm ao ước phép mầu sẽ xảy ra, cha mẹ vẫn còn và sẽ đến tìm em. Biết mình là người dân tộc Êđê cũng là điều an ủi đối với Y Phan Niê. Qua sách báo, em biết dân tộc của mình còn khó khăn, vì vậy em đặt mục tiêu cho mình là phải học thật giỏi, phải thi đậu đại học, và em chọn ngành y cho nghề nghiệp tương lai của mình. Bởi, Y Phan Niê mong muốn sẽ trở thành bác sĩ chữa bệnh cho người dân ở các bản làng Êđê...
Em Phạm Ngọc Tú Thảo. Ảnh: C. NGHĨA |
* Em Phạm Ngọc Tú Thảo: Vươn lên từ khó khăn
Sinh ra từ người mẹ bị tàn tật, Phạm Ngọc Tú Thảo (hiện là học sinh lớp 7/2 Trường THCS Ngô Thời Nhiệm, huyện Định Quán) đã không được biết mặt người cha của mình. Chỗ dựa tinh thần của Thảo là mẹ. Những người bác, cậu mợ cũng đã thay nhau đùm bọc cho Thảo để em có điều kiện ăn học. Không phụ công chăm sóc của gia đình, từ năm lớp 1 đến lớp 6, Thảo đều đạt được thành tích học sinh giỏi của trường.
Năm học này, Tú Thảo được chuyển về nhà cậu mợ là Phạm Thành Năm (giáo viên Trường THPT Định Quán) và Bùi Quách Quỳnh Lê (cán bộ y tế Trường THCS Ngô Thời Nhiệm) để đi học. Mợ của Tú Thảo cho biết: “Thảo rất ngoan và tự giác nên cả nhà ai cũng thương, coi như con đẻ của mình. Ngoài việc tự giác học, Thảo còn biết làm một số công việc nhỏ trong gia đình để giúp cậu mợ”.
Bản thân Tú Thảo cho biết em cố gắng học thật giỏi để không phụ công chăm sóc của mọi người trong gia đình và để mẹ em có thể sống vui, khỏe mạnh hơn.
* Em Nguyễn Anh Tú: Học trò nghèo mơ thành… tỷ phú
Chúng tôi tìm đến gia đình Nguyễn Anh Tú ở căn nhà tạm bằng gỗ đơn sơ nằm sâu trong rẫy điều thuộc ấp Hưng Nghĩa, xã Hưng Lộc (huyện Thống Nhất). Anh Tú đón chúng tôi khi trên tay em còn dính đầy bọt xà phòng. “Em đang rửa chén chị ạ! Ngày nào cũng vậy, cha và dì (mẹ kế) đi làm, em đi học về là tranh thủ nấu cơm, rửa chén, dọn dẹp nhà cửa…” - em cho biết.
Sau bữa ăn, Anh Tú rửa chén để cha và dì đi làm. Ảnh: N. Tuyết |
Anh Tú hiện học lớp 4A Trường tiểu học Lê Hồng Phong. Mới 9 tuổi nhưng em rất sành sỏi trong việc nhà. Anh Tú chia sẻ: “Ngày trước trong nhà chỉ có cha và em. Cha thì đi làm suốt, ở nhà em phải tự làm hết mọi việc, nên giờ em quen rồi”. Em nghe cha kể lại, ngày ấy em sinh ra được mấy tháng tuổi, gia đình túng quẫn quá nên mẹ đã bỏ hai cha con ra đi… Cách đây mấy tháng, thương em thiếu thốn tình cảm và muốn có người thay mẹ chăm sóc con, nên cha của em đã cưới vợ. Gia đình không có đất canh tác, cả 3 miệng ăn chỉ biết trông chờ vào công việc làm thuê không ổn định của cha và dì. Ngoài ra, đàn gà vịt do Anh Tú chăm sóc ở nhà lâu lâu cũng cho khoản thu nhập kha khá.
“Cuộc sống đã không ổn định, căn nhà người ta cho ở nhờ từ trước đến nay cũng sắp bị thu hồi lại, gia đình em chưa biết sẽ đi đâu về đâu” - Anh Tú nói trong sự lo lắng. Rồi em cho biết thêm: “Nhà nghèo mãi rồi, em chỉ muốn được đi học, sau này có công việc ổn định, trở thành… tỷ phú để bù đắp cho cha cả đời khổ cực vì em”.
Thanh Thúy - Công Nghĩa - Nga Sơn