Dù đã triển khai nhiều giải pháp phòng chống bệnh tay chân miệng (TCM) nhưng số ca mắc trên địa bàn Đồng Nai vẫn ở mức cao, với khoảng 200-270 ca/tuần.
Dù đã triển khai nhiều giải pháp phòng chống bệnh tay chân miệng (TCM) nhưng số ca mắc trên địa bàn Đồng Nai vẫn ở mức cao, với khoảng 200-270 ca/tuần.
Theo tin từ Sở Y tế, từ tháng 6-2011 đến nay, số ca mắc bệnh TCM trên địa bàn vẫn liên tục tăng nhanh, vượt mức 200 ca/tuần và đạt đỉnh vào tuần 25 với 308 ca. Tính đến ngày 5-10, số ca mắc TCM của tỉnh đã chạm mức 6.000 ca, tăng gấp 10 lần so với cả năm 2010, trong đó có 23 ca tử vong.
Đoàn kiểm tra công tác điều trị bệnh tay chân miệng tại Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai. Ảnh: P. LIễu |
CẦN ĐIỀU CHỈNH NỘI DUNG TUYÊN TRUYỀN
Tại buổi làm việc với ngành y tế Đồng Nai về công tác phòng chống dịch bệnh TCM - sau khi kiểm tra thực tế tại một số trường mầm non và khu dân cư, hộ dân có con dưới 6 tuổi, bà Hà Thị Dung, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý học sinh - sinh viên (Bộ GD-ĐT), trưởng đoàn công tác liên bộ GD-ĐT - Y tế, cho rằng: “Đồng Nai đã làm khá tốt công tác truyền thông phòng chống bệnh TCM. Tuy nhiên, truyền thông của tỉnh chưa tuyên truyền đều ở các biện pháp, mà lại nghiêng nhiều về sử dụng cloramin B để dập dịch, nghiêng nhiều về kêu gọi rửa tay cho trẻ mà thiếu tập trung tuyên truyền các biện pháp rửa tay, giữ vệ sinh thân thể, vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm cho đối tượng người lớn trong quá trình chăm sóc trẻ”.
Quả thực, thời gian qua, dù việc truyền thông đã được huy động với nhiều phương tiện, nhiều hình thức và quyết liệt hơn, nhưng khi tuyên truyền lại quá chú trọng vào việc khuyến cáo người dân nên sử dụng cloramin B trong phòng chống dịch bệnh mà thiếu hướng dẫn người dân tạo thói quen tẩy độc khử trùng môi trường bằng các chất sát khuẩn khác khi không có cloramin B. Vì thế, khi nguồn hóa chất này bị động, nhiều người dân, thậm chí cán bộ y tế cơ sở, chỉ biết ngồi chờ ngành y tế cung cấp đủ hóa chất mới thực hiện việc tẩy rửa. Vì vậy, công tác truyền thông của Đồng Nai tuy đã làm tốt, nhưng vẫn cần phải điều chỉnh, đưa ra thông điệp rộng hơn, cụ thể hơn và mang tính chất hướng dẫn nhiều hơn.
BỆNH VIỆN THIẾU THUỐC, QUÁ TẢI ẢO
Tính từ đầu năm đến nay, Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai đã tiếp nhận và điều trị 4.799 ca mắc bệnh TCM. Tuy nhiên, trong 2 tháng 8 và 9, số lượt bệnh nhân vào viện tăng cao đột biến so với những tháng trước. Theo đánh giá của bác sĩ Nguyễn Lê Đa Hà, Giám đốc bệnh viện, đã xuất hiện tình trạng quá tải ảo bệnh nhân TCM. Do người dân quá lo lắng trước bệnh TCM, nên cứ thấy con sốt nóng, trên người có nốt mẩn đỏ là đưa đến bệnh viện, trong đó rất nhiều bệnh nhi từ cơ sở vượt tuyến lên bệnh viện tỉnh. Mặc dù đã nắm chắc phác đồ điều trị bệnh TCM của Bộ Y tế, song được khuyến cáo năm nay do bệnh TCM xuất hiện những chủng biến thể nguy hiểm nên bệnh viện phải tiến hành theo dõi bệnh nhân. Tình trạng này khiến bệnh viện gặp rất nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, về trang thiết bị, nguồn thuốc, nguồn nhân lực và rất nhiều hệ lụy khác.
Ngoài ra, bệnh viện cũng đang gặp khó khăn trong việc thanh toán bảo hiểm y tế với thuốc đặc trị điều trị bệnh TCM. Theo bác sĩ Đa Hà, hiện nay, thuốc Milrinon đặc trị bệnh TCM độ 3 và 4 có giá rất đắt, lại thuộc danh mục thuốc chỉ được sử dụng ở các bệnh viện hạng 1, trong khi Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai là bệnh viện hạng 2. Hiện nguồn thuốc thì có, nhưng nếu dùng thì chi phí điều trị một ca mắc TCM độ 3 và 4 có thể lên đến 40-50 triệu đồng. Với chi phí điều trị lớn như thế, nếu không được bảo hiểm y tế thanh toán, người dân không thể chi trả nổi mà bệnh viện cũng không thể kham. Bệnh viện kiến nghị với Sở Y tế và Bảo hiểm xã hội tỉnh cho phép thanh toán bảo hiểm y tế đối với loại thuốc này để bệnh viện có thể yên tâm sử dụng điều trị cho các cháu đang mắc TCM độ 3 và 4 tại bệnh viện.
BỆNH VẪN TRONG TẦM KIỂM SOÁT?
Về việc Đồng Nai có nên công bố dịch hay không, ngành y tế đánh giá: Ngoài đỉnh chu kỳ 1 của dịch (tuần thứ 25) và đỉnh chu kỳ 2 của dịch (tuần 39), số ca mắc TCM tuy có tăng cao đột biến, nhưng những tuần ngoài đỉnh dịch, số ca mắc có xu hướng giảm so với tháng 6, 7 và 8. Riêng số ca tử vong, từ 15-8 đến 5-10 chỉ có thêm 2 ca, trong khi trước đó, từ 15-6 đến 15-8 đã có 21 ca tử vong.
Đại diện Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh cho biết: “Qua theo dõi tình hình bệnh TCM ở Đồng Nai cho thấy, công tác truyền thông chống dịch của tỉnh đã quyết liệt hơn, gắn với trách nhiệm của từng tổ dân phố nên hiệu quả chống dịch bệnh khả quan hơn trước. Hiện dù Đồng Nai vẫn là một trong những địa phương trọng điểm của bệnh TCM nhưng căn cứ trên số ca mắc và tử vong cho thấy bệnh vẫn đang trong tầm kiểm soát. Do đó, Đồng Nai chưa cần đề nghị công bố dịch”.