Báo Đồng Nai điện tử
En

Khó nhớ hết các khoản thu tiền trường

10:10, 03/10/2011

Đối với nhiều gia đình, việc chi một số tiền khá lớn cho con em vào đầu năm học luôn là gánh nặng, nhất là với những gia đình kinh tế không mấy khá giả.

Đối với nhiều gia đình, việc chi một số tiền khá lớn cho con em vào đầu năm học luôn là gánh nặng, nhất là với những gia đình kinh tế không mấy khá giả.

Tại Trường THPT Nguyễn Trãi (TP.Biên Hòa), vào đầu năm học, phụ huynh có con vào lớp 10 đóng gần 1 triệu đồng với các khoản: học phí (320 ngàn đồng/4 tháng), bảo hiểm y tế (210), bảo hiểm tai nạn (60), đồng phục thể dục thể thao (90), tiền học bạ, thẻ học sinh, phù hiệu, đề thi, giấy thi, sổ liên lạc, giấy báo điểm, ghế ngồi chào cờ, quỹ Ban đại diện cha mẹ học sinh, tiền vệ sinh, quỹ khuyến học. Còn tại Trường THCS Lê Thánh Tông (huyện Định Quán), khoản thu đầu năm học ở lớp đầu cấp là gần 300 ngàn đồng, với các loại: bảo hiểm y tế, phù hiệu, sổ liên lạc, ghế ngồi cho học sinh, đồng phục thể dục - thể thao, học bạ, hồ sơ tuyển sinh, vệ sinh môi trường, giấy thi, đề thi… Những khoản được liệt kê đó được xem là các khoản đóng góp cố định. Nhiều khi, sau khi đóng tiền xong, phụ huynh cũng không thể nhớ hết mình đã đóng cho những khoản gì!

Cô và trò Trường THCS Lê Thánh Tông (huyện Định Quán) trong một tiết học (ảnh minh họa).
Cô và trò Trường THCS Lê Thánh Tông (huyện Định Quán) trong một tiết học (ảnh minh họa).

 Trong khi đó, không ít phụ huynh cũng đối mặt trước những khoản thu vì nhiều lý do nên đều tăng cao so với năm học trước và mỗi trường đưa ra một mức riêng. Cụ thể, tại các trường mẫu giáo, mầm non trong TP. Biên Hòa cũng có giá thu khác nhau: Trường mầm non Hướng Dương có tiền ăn là 17 ngàn đồng/ngày, tiền vệ sinh, xà phòng, nước uống, phục vụ ăn sáng và tiền chất đốt là 34 ngàn đồng/tháng; Trường mẫu giáo Thanh Bình mức tiền ăn là 15 ngàn đồng/ngày, tiền chất đốt, xà phòng, nước uống, dụng cụ bán trú là 40 ngàn đồng/tháng.

Hầu hết các trường mẫu giáo, mầm non có lực lượng tạp vụ, bảo vệ nhưng vẫn thu thêm tiền vệ sinh, tiền trông xe... Nếu chỉ tính riêng dịch vụ giữ xe, mỗi cháu là 20 ngàn đồng/tháng thì với số lượng vài trăm cháu, trung bình mỗi tháng nhà trường thu gần chục triệu đồng. Đây là khoản tiền được các trường cho là thu hộ.

Một vấn đề khiến không ít phụ huynh băn khoăn là những khoản thu để mua sắm đồ dùng, nâng cấp cơ sở vật chất. Chị Đỗ Huệ, có con học tại một trường mẫu giáo dân lập ở Biên Hòa cho biết: “Đầu năm học, nhà trường thu hơn 500 ngàn đồng để mua đồ dùng học tập, nệm, gối và nâng cấp trang thiết bị. Con tôi đã học ở trường được 3 năm, chẳng lẽ năm nào cũng phải thay nệm gối mới? Đồ dùng học tập cũng không thấy trường đầu tư, trang thiết bị cũng chẳng thấy có nâng cấp gì, nhưng khoản thu thì phải đầy đủ!”.

Ngoài những khoản được coi là cố định và bắt buộc, phụ huynh còn phải lo các khoản tiền khác với danh nghĩa thỏa thuận và tự nguyện của Ban đại diện cha mẹ học sinh. Chị Cẩm Tú (phường Hố Nai, TP. Biên Hòa) cho hay: “Năm nay, Ban đại diện cha mẹ học sinh trường tiểu học của con tôi thống nhất mỗi phụ huynh đóng góp 200 ngàn đồng tiền quỹ phụ huynh trường. Quỹ lớp thì ban đại diện cha mẹ học sinh của lớp thống nhất với nhau đóng mức thấp nhất là 150 ngàn đồng để sử dụng vào các hoạt động của lớp, như phát quà khen thưởng các cháu, tổ chức photo, in tài liệu… Riêng tiền ủng hộ xây dựng sân trường thì được vận động tùy tâm”.

Chị Nguyễn Dung (phường Tân Phong, TP. Biên Hòa) có con năm nay học lớp 10 tại một trường THPT công lập ở Biên Hòa phát hoảng với số tiền đóng góp đầu năm: “Riêng tiền quỹ Ban đại diện cha mẹ học sinh cả năm học là 650 ngàn đồng, được chia làm 3 đợt thu. Đó là chưa kể mới đây, sau khi thỏa thuận trong phiên họp phụ huynh, học sinh lớp con tôi học còn phải góp thêm 500 ngàn đồng/em để mua máy chiếu”. Một học sinh lớp 10 của trường này còn cho biết thêm: “Chúng em được thông báo hàng tháng phải đóng góp quỹ lớp tối thiểu là 10 ngàn đồng để photo tài liệu và vừa rồi mỗi người còn đóng 20 ngàn đồng để mua 2 chiếc quạt treo tường trong lớp”.

Ông Đào Đức Trình, Trưởng phòng Kế hoạch - tài chính (Sở GD-ĐT) cho hay: “Để tránh tình trạng lạm thu đầu năm học, Sở GD-ĐT đã có văn bản quy định các khoản thu được phép của trường và của Ban đại diện cha mẹ học sinh”. Thực tế vẫn có nhiều trường tìm cách “lách luật”. Dù không được phép “chỉ đạo” chi từ quỹ ban đại diện cha mẹ học sinh nhưng các trường thường gợi ý những thứ trường cần để ban đại diện cha mẹ học sinh có định hướng “hỗ trợ”, như: mua ti vi, máy vi tính, đàn organ…

Khánh Hưng

 

Tin xem nhiều