Báo Đồng Nai điện tử
En

Giúp người nhiễm HIV hòa nhập cộng đồng

10:10, 07/10/2011

“Khi biết mình bị nhiễm HIV, tôi đã đi lang thang như người mất hồn và hai lần định tìm đến cái chết. Sau này, đến Trung tâm phòng chống AIDS tỉnh, được tư vấn, tôi thấy nếu hôm ấy mà chết đi thì thật dại…”. Đó là tâm sự của chị T.L, ở TP.Biên Hòa.

“Khi biết mình bị nhiễm HIV, tôi đã đi lang thang như người mất hồn và hai lần định tìm đến cái chết. Sau này, đến Trung tâm phòng chống AIDS tỉnh, được tư vấn, tôi thấy nếu hôm ấy mà chết đi thì thật dại…”. Đó là tâm sự của chị T.L, ở TP.Biên Hòa.

Chị Liên Thủy tư vấn cho một người nghi bị phơi nhiễm HIV trong khi làm nhiệm vụ.
Chị Liên Thủy tư vấn cho một người nghi bị phơi nhiễm HIV trong khi làm nhiệm vụ.

Hiện Đồng Nai có hơn 5 ngàn người nhiễm HIV /AIDS, trong đó mỗi năm có khoảng trên 200 người nhiễm mới. Để những người nhiễm và thân nhân của họ tự tin sống chung với HIV, hiện mạng lưới tư vấn HIV/AIDS hoạt động khá mạnh. Mạng lưới tư vấn về HIV/AIDS trên địa bàn được phủ rộng từ tỉnh đến cơ sở. Ngoài hệ thống 6 phòng tư vấn xét nghiệm tự nguyện tại 6 huyện, thị, thành do dự án World Bank tài trợ, còn có điểm tư vấn chuyên môn của Trung tâm phòng chống AIDS, Trung tâm y tế dự phòng, Bệnh viện da liễu, hệ thống các bệnh viện đa khoa, trạm y tế và đội ngũ cộng tác viên, đồng đẳng viên HIV/AIDS.
Theo bác sĩ Võ Thị Kim Loan, Giám đốc Trung tâm phòng chống AIDS tỉnh, tư vấn về HIV/AIDS chính là chia sẻ kiến thức cho người nhiễm (hoặc thân nhân người nhiễm) để họ hiểu, nhận biết đường lây, phòng tránh lây truyền cho bản thân, gia đình và cộng đồng; chia sẻ, động viên, giúp người có HIV sống tự tin hơn.
Chị Phạm Thị Liên Thủy, cán bộ tư vấn của Trung tâm phòng chống AIDS tỉnh cho rằng: “Người có HIV thường tự xa lánh mọi người, không hợp tác trong điều trị cũng như phòng chống lây nhiễm. Khó khăn lớn nhất của công tác tư vấn là làm sao tạo được niềm tin với người nhiễm HIV, để có thể theo dõi quản lý được bệnh nhân. Muốn thế, người tư vấn phải chân thành, đồng cảm, đặt mình vào trường hợp của đối tượng để cùng họ giải quyết vấn đề. Có những lúc gặp trường hợp người tư vấn không tìm được sự đồng cảm của người nhiễm, không khơi gợi được niềm tin nơi họ, lúc đó đành phải nhờ đến các đồng đẳng viên”.
Là một trong bốn yếu tố góp phần chăm sóc toàn diện người có HIV/AIDS, tư vấn tâm lý cho người nhiễm HIV không chỉ là hoạt động mang tính chuyên môn mà còn phải là chuyên nghiệp với kỹ năng của từng người làm công tác tư vấn.

Thuận Thắng

 

Tin xem nhiều