Phân tuyến đăng ký cơ sở khám, chữa bệnh ban đầu chưa hợp lý khiến người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) dù được khám bệnh ở tuyến trên hay bị ở tuyến dưới đều khổ. Tình trạng này dẫn đến khám chữa bệnh trái tuyến, vượt tuyến diễn ra ngày càng phổ biến.
Phân tuyến đăng ký cơ sở khám, chữa bệnh ban đầu chưa hợp lý khiến người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) dù được khám bệnh ở tuyến trên hay bị ở tuyến dưới đều khổ. Tình trạng này dẫn đến khám chữa bệnh trái tuyến, vượt tuyến diễn ra ngày càng phổ biến.
Luật BHYT quy định, người tham gia BHYT có quyền lựa chọn, đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại cơ sở tuyến xã, tuyến huyện hoặc tương đương. Tuy nhiên, trên thực tế, người tham gia BHYT lại không được quyền lựa chọn, dẫn đến tình trạng tréo ngoe: người ở xã vùng sâu có khi lại được đăng ký khám chữa bệnh ở tuyến huyện, tuyến tỉnh; còn người ở sát bệnh viện tuyến huyện, tuyến tỉnh phải theo tuyến về trạm y tế xa nhà![links(left)]
* Bất cập trong phân tuyến đăng ký
Nhiều người ngại khám bệnh bằng thẻ BHYT bởi sự phiền hà, chờ đợi lâu và phương thức thanh toán chưa thuận lợi... Nhưng chuyện đó vẫn chưa “nản” bằng việc họ bị áp đặt nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu. Bà Lê Thanh Bắc đăng ký mua thẻ BHYT tự nguyện, bày tỏ: “Nhà tôi ở phường Hòa Bình (TP.Biên Hòa), đến Bệnh viện đa khoa Đồng Nai còn gần hơn đến trạm y tế phường. Hơn nữa, trạm y tế phường chỉ có thể khám chữa bệnh thông thường, còn những loại bệnh nặng đều phải chuyển tuyến trên. Nhưng tôi được đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại trạm y tế phường. Tôi bị bệnh đường ruột mãn tính, để được khám tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai và để được thanh toán đúng tuyến, phải qua trạm y tế phường xin giấy chuyển đến Bệnh viện đa khoa Biên Hòa (ở phường Tân Mai), rồi từ đó tôi mới xin được giấy chuyển viện lên Bệnh viện đa khoa Đồng Nai. Đó là chưa kể thủ tục chuyển viện cũng lắm nhiêu khê. Nhiều khi mệt mỏi vì phải đi lòng vòng, tôi đến thẳng bệnh viện, dù phải đồng chi trả vượt tuyến tới 70%”.
Bệnh nhân chạy thận nhân tạo cũng gặp nhiều khó khăn trong thanh toán bảo hiểm y tế. Ảnh: P.Liễu |
Còn ông Nguyễn Văn Năng, 73 tuổi, ở xã Mã Đà (huyện Vĩnh Cửu) cho hay: “Trước đây, tôi được đăng ký BHYT tại trạm y tế xã, gần nhà rất tiện cho việc đi lại khám bệnh khi ốm đau. Nhưng hai năm nay, người cao tuổi chúng tôi được chuyển đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại Bệnh viện đa khoa huyện Vĩnh Cửu. Biết đó là tuyến cao hơn, nhưng từ đây ra huyện hơn chục cây số, tuổi già đi lại xa xôi mệt mỏi, lại tốn tiền xe ôm nên nhiều khi tôi tự mua thuốc ngoài về uống”.
Bác sĩ Dương Thị Loan (Trạm y tế xã Mã Đà) cũng bày tỏ bức xúc: “Việc đăng ký cơ sở khám chữa bệnh ban đầu cho người tham gia BHYT ở xã không có thống nhất. Chẳng hạn, thấy trẻ dưới 6 tuổi có quyền đăng ký khám chữa bệnh ban đầu ở tuyến tỉnh cũng được nên địa bàn có bao nhiêu trẻ dưới 6 tuổi, xã đều đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai. Từ Mã Đà lên bệnh viện này 40-50 cây số, bệnh nặng, các cháu lên đó đã đành, còn bệnh nhẹ mà phải lên bệnh viện thì quá xa và bất tiện. Hoặc nhiều học sinh ở xã Mã Đà học ở Trường THCS Lê Quý Đôn tại thị trấn Vĩnh An, được đăng ký khám chữa bệnh ở Bệnh viện đa khoa huyện, nhiều phụ huynh xin chuyển thẻ về trạm y tế xã cho gần nhà nhưng không được”. Theo bác sĩ Loan, nhiều bệnh nhân được sắp xếp khám chữa bệnh ban đầu tại tuyến huyện, tuyến tỉnh khi đến khám bệnh tại trạm y tế xã thì trạm cũng không nhận điều trị theo chế độ BHYT vì trái tuyến!
* Vượt tuyến, trái tuyến là không tránh khỏi!
Quy định đăng ký cơ sở khám chữa bệnh ban đầu đối với người tham gia BHYT là cần thiết nhằm tránh tình trạng người bệnh dồn về tuyến trên gây quá tải, đồng thời cũng thực hiện phân bổ nguồn thẻ BHYT cho các cơ sở y tế hoạt động. Tuy nhiên, thực tế cho thấy cơ sở vật chất, chất lượng chẩn đoán, điều trị tại tuyến y tế cơ sở, thậm chí cả một số bệnh viện tuyến huyện chưa đáp ứng yêu cầu khám và điều trị bệnh của người dân, gây ra tình trạng trái tuyến, vượt tuyến và phải chịu chi trả 30%, 50%, thậm chí 70% viện phí theo BHYT.
Bác sĩ Đồng Văn Mai, Phó giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh thừa nhận, còn bất cập trong việc phân tuyến và đăng ký cơ sở KCB ban đầu. Tuy nhiên, theo ông, cán bộ xã, phường hoặc người phụ trách cơ quan, trường học chịu khó lọc ra người này, người kia nên đưa đến cơ sở y tế nào là thuận tiện thì sẽ không có tình trạng trên muốn xuống, dưới muốn lên. Tuy nhiên, người tham gia BHYT cũng có quyền thay đổi cơ sở khám chữa bệnh ban đầu (tuyến tương đương) tại đầu mỗi quý. |
Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Phó ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh nêu vấn đề: “Khi cơ sở y tế tuyến phường, xã, thậm chí tuyến huyện không đủ năng lực khám và điều trị bệnh thì nhu cầu lên tuyến trên của người dân là chính đáng. Dù được chuyển viện, nhưng thủ tục chuyển cũng khá phức tạp. Như vậy, việc quy định phân tuyến hiện nay là chưa hợp lý và chưa đồng bộ. Nếu Luật BHYT buộc người tham gia BHYT phải đăng ký khám chữa bệnh ban đầu ở tuyến cơ sở, thì phải xem tuyến dưới có đáp ứng được hay không. Tâm lý người bệnh ai cũng muốn được đến cơ sở y tế tốt hơn để điều trị, vì thế vượt tuyến, trái tuyến là điều không tránh khỏi”.
Bác sĩ Nguyễn Lê Đa Hà, Giám đốc Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai cho biết: “Tuy có quy định phân tuyến KCB ban đầu đối với trẻ dưới 6 tuổi, nhưng bệnh viện phải tiếp nhận một lượng lớn bệnh nhi vượt tuyến một cách… hợp lý! Hiện có đến 70% trẻ dưới 6 tuổi dùng giấy khai sinh để khám bệnh dù các cháu có thẻ BHYT. Thực chất, việc dùng giấy khai sinh là để trốn khoản viện phí vượt tuyến đến 50% do trên giấy khai sinh không ghi cơ sở khám chữa bệnh ban đầu nên bệnh viện không thể xác định được cháu nào khám đúng tuyến, cháu nào là vượt tuyến. Việc này gây rất nhiều khó khăn cho bệnh viện khi thanh quyết toán với cơ quan bảo hiểm”.
Để hạn chế tình trạng khám và điều trị bệnh trái tuyến, vượt tuyến thì chất lượng khám và điều trị bệnh ở tuyến dưới, phải được nâng lên, phải đủ sức đáp ứng nhu cầu của người bệnh. Thực tế, các quy định của luật lại trở nên thiếu khả thi và cuối cùng, người lãnh hậu quả chính là bệnh nhân và cả bệnh viện.
Phương Liễu