Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài 1: Quyền lợi cho trẻ chưa được đảm bảo

11:09, 23/09/2011

Cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cho trẻ dưới 6 tuổi là một trong những chính sách thể hiện sự quan tâm, chăm sóc của Đảng, Nhà nước và cộng đồng đối với trẻ em. Tuy nhiên, việc thực hiện BHYT ở trẻ dưới 6 tuổi vẫn còn nhiều bất cập, dẫn đến chưa bảo đảm đúng và đủ quyền lợi của trẻ.

Cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cho trẻ dưới 6 tuổi là một trong những chính sách thể hiện sự quan tâm, chăm sóc của Đảng, Nhà nước và cộng đồng đối với trẻ em. Tuy nhiên, việc thực hiện BHYT ở trẻ dưới 6 tuổi vẫn còn nhiều bất cập, dẫn đến chưa bảo đảm đúng và đủ quyền lợi của trẻ.

Chị Nguyễn Thị Mai, ở TP. Biên Hòa cho biết: “Sau khi sinh con được gần một tháng, người nhà đã đến UBND phường đăng ký làm giấy khai sinh và thẻ BHYT cho cháu. Một tuần sau tôi nhận được giấy khai sinh, còn đến 7 tháng sau tôi mới nhận được thẻ BHYT. Trong thời gian này, do không biết giấy khai sinh và giấy chứng sinh có thể thay thế thẻ BHYT, nên khi đưa con đi bệnh viện, tôi phải chi trả 100% viện phí”. [links(left)]

 * Đổ qua, đổ lại…    

Theo số liệu từ Bảo hiểm xã hội (BHXH), toàn tỉnh hiện có 210 ngàn trẻ em dưới 6 tuổi. Ngành đã cấp thẻ cho 198 ngàn trẻ (chiếm 78%), còn 12 ngàn trẻ chưa có thẻ BHYT. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề chậm trễ trong việc cấp thẻ BHYT cho đối tượng này, bác sĩ Đồng Văn Mai, Phó giám đốc BHXH tỉnh cho biết: “Hiện ngành BHXH đã phân cấp việc cấp thẻ, chỉ cần UBND xã, phường có danh sách gửi về là BHXH huyện, thị xã, thành phố sẽ in thẻ. Lập danh sách các trẻ là trách nhiệm của UBND cấp phường, xã, nhưng những nơi này thường rất chậm cả khâu lập danh sách lẫn khâu gửi về cơ quan BHXH, vì thế việc cấp phát thẻ bị chậm”.

Quy định về chăm sóc sức khỏe cho trẻ dưới 6 tuổi vẫn chưa thống nhất giữa hai luật, dẫn đến thiệt thòi quyền lợi của trẻ.
Quy định về chăm sóc sức khỏe cho trẻ dưới 6 tuổi vẫn chưa thống nhất giữa hai luật, dẫn đến thiệt thòi quyền lợi của trẻ.

 

Trong khi đó, hiện không xã, phường nào có cán bộ chuyên trách về BHYT. Do thiếu đầu mối, nên việc lập danh sách đề nghị cấp thẻ BHYT trên địa bàn mỗi nơi một kiểu. Có xã giao việc thống kê này cho cán bộ phụ trách trẻ em, nơi lại giao cho cán bộ dân số - kế hoạch hóa gia đình, nơi lại để cán bộ phụ nữ làm... Việc thống kê, lập danh sách này thường là kiêm nhiệm, không có chế độ lương bổng hay hỗ trợ nên nảy sinh tình trạng đùn đẩy qua lại, hoặc có cán bộ nhận làm nhưng không tích cực. Hơn nữa, việc thống kê số trẻ sinh ra trên địa bàn không dễ, bởi không phải trẻ nào sinh ra trên địa bàn cũng đến UBND xã, phường đăng ký để làm giấy khai sinh hoặc làm thẻ BHYT ngay trong những tháng đầu sau sinh. Thêm vào đó, không ít bậc cha mẹ thiếu quan tâm, coi thường việc làm thẻ BHYT, đến khi con bị bệnh mới đi làm.

Riêng với số 198 ngàn thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi đã in ra và cấp, bà Phạm Thị Lệ Thủy, Chi cục phó Chi cục Bảo trợ và chăm sóc trẻ em tỉnh vẫn băn khoăn: “Liệu BHXH có kiểm tra được số lượng thẻ này đã thực sự đến được tận tay cha mẹ các em chưa hay vẫn tồn đọng, ách tắc ở đâu đó? Trong chỉ đạo thực hiện công tác bảo vệ trẻ em, chúng tôi vận động cán bộ trẻ em nhận việc thống kê này nhưng lại xảy ra tình trạng: Cán bộ trẻ em lập danh sách gửi về BHXH cấp huyện để cấp thẻ, nhưng khi chuyển thẻ về thì cán bộ trẻ em không được biết. Vì thế, ở không ít xã, phường thẻ BHYT đã không được đưa đến tay cha mẹ trẻ. Nếu gia đình không lên hỏi, xã, phường cũng quên luôn. Sự đùn đẩy trách nhiệm này khiến quyền lợi của trẻ không được bảo đảm đầy đủ”.

* Hạn chế quyền được chăm sóc sức khỏe của trẻ

Việc chăm sóc toàn diện đối với trẻ em hiện được quy định khá rõ ở hai luật: Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (2005) và Luật BHYT (2009). Song, nhiều quy định ở hai luật này lại “đá” nhau, làm hạn chế quyền được chăm sóc sức khỏe của trẻ.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Trưởng ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh cho rằng: “Để tạo điều kiện thuận lợi cũng như đảm bảo đầy đủ quyền lợi của trẻ, tôi kiến nghị nên bỏ quy định khám bệnh theo tuyến đối với trẻ dưới 6 tuổi. Bệnh nhẹ thì ra trạm y tế, bệnh nặng thì cha mẹ các em đưa đến bệnh viện tuyến trên. Đã là luật thì phải bảo đảm được ở đâu các cháu cũng được chăm sóc tốt như nhau”.

 

Cụ thể, trong Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em quy định “trẻ dưới 6 tuổi có quyền được khám chữa bệnh tại mọi cơ sở y tế công lập”, nhưng ở Luật BHYT lại quy định “các trẻ dưới 6 tuổi đều phải đăng ký nơi khám chữa bệnh ban đầu” (trái tuyến sẽ phải thanh toán viện phí theo hạng bệnh viện, có thể là 30%, thậm chí là 50%). Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em quy định “trẻ dưới 6 tuổi được miễn phí hoàn toàn khi khám chữa và điều trị bệnh”, nhưng Luật BHYT lại “chỉ thanh toán BHYT căn cứ theo danh mục thuốc và vật tư y tế do Bộ Y tế xây dựng”. Theo bà Phạm Thị Lệ Thủy, hai luật này được ban hành đều nhằm mục đích tạo điều kiện thuận lợi và tốt nhất để chăm sóc và bảo vệ các em, nhưng chỉ riêng việc chăm sóc sức khỏe, nhiều quy định của hai luật lại “đá” nhau, dẫn đến quyền lợi của trẻ bị thiệt thòi.

Một trong những bất cập nữa khiến cha mẹ các trẻ dưới 6 tuổi gặp nhiều khó khăn khi đưa con đi khám bệnh là mặt sau của thẻ khám chữa bệnh cho trẻ dưới 6 tuổi ghi “thẻ có giá trị khám chữa bệnh miễn phí tại các cơ sở y tế công lập”, không đề cập đến chuyện phải theo tuyến. Vì thế, nhiều người nghĩ cho con đến khám và điều trị tại bất kỳ cơ sở y tế công lập nào cũng được, do vậy mà thành “trái tuyến”, phải chịu mức đồng chi trả cao.

Một thực tế hiện nay, phần lớn trẻ được địa phương cho đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại trạm y tế xã, phường, trong khi chưa một trạm y tế nào có chuyên khoa nhi, điều kiện chẩn đoán và điều trị bệnh tại các trạm cũng rất yếu, cá biệt có người đưa con đến trạm y tế xã nhưng phải ra ngoài làm xét nghiệm, siêu âm rồi đưa kết quả vào trạm để bác sĩ chẩn đoán. Ngay cả những bệnh viện tuyến huyện hiện nay chưa mấy nơi có chuyên khoa nhi, danh mục thuốc cũng như dịch vụ kỹ thuật dành cho trẻ em nói chung và trẻ dưới 6 tuổi nói riêng rất hạn chế nên phần lớn cha mẹ cho con mình đi vượt tuyến.

Phương Liễu

 

 

 

Tin xem nhiều