Trong các buổi kiểm tra công tác chuẩn bị cho năm học mới, bà Phạm Thị Hải, Phó giám đốc Sở GD-ĐT đều lưu ý: “Các phòng GD-ĐT địa phương cần quan tâm chỉ đạo tất cả các trường mầm non và nhóm trẻ gia đình trực thuộc thực hiện việc xử lý khử trùng bằng cloramin B và tổng vệ sinh trường, lớp trước khi nhận trẻ vào năm học mới nhằm hạn chế dịch bệnh, đặc biệt là bệnh tay chân miệng (TCM) lây lan trong nhà trường”.
Trong các buổi kiểm tra công tác chuẩn bị cho năm học mới, bà Phạm Thị Hải, Phó giám đốc Sở GD-ĐT đều lưu ý: “Các phòng GD-ĐT địa phương cần quan tâm chỉ đạo tất cả các trường mầm non và nhóm trẻ gia đình trực thuộc thực hiện việc xử lý khử trùng bằng cloramin B và tổng vệ sinh trường, lớp trước khi nhận trẻ vào năm học mới nhằm hạn chế dịch bệnh, đặc biệt là bệnh tay chân miệng (TCM) lây lan trong nhà trường”.
Đến thời điểm này, Biên Hòa là địa phương có tỷ lệ trẻ mắc bệnh TCM cao nhất tỉnh nên công tác phòng chống bệnh được lãnh đạo Phòng GD-ĐT thành phố đặc biệt lưu ý các trường. Hiệu trưởng Trường mầm non Hướng Dương Nguyễn Thị Diệp Ánh cho biết: “Để đảm bảo an toàn cho hơn 600 trẻ, công tác vệ sinh phòng bệnh TCM được nhà trường thực hiện sát sao. Đều đặn mỗi tuần 2 lần, nhà trường cử giáo viên, nhân viên tới trạm y tế phường nhận cloramin B về để lau, chà sàn nhà, nhà vệ sinh; xúc rửa đồ chơi theo đúng quy định. Tại các phòng học có nhà vệ sinh riêng, chuẩn bị đầy đủ xà phòng, vòi nước rửa tay cho trẻ...”.
Tại Trường mầm non Hoa Mai (TP. Biên Hòa), tính từ tháng 6 đến nay đã tổ chức 6 đợt vệ sinh khử trùng. Qua mỗi lần thực hiện tại trường đều có sự hướng dẫn, giám sát của cán bộ trạm y tế phường. Hiệu trưởng Trường mầm non Hoa Mai Hoàng Thị Xinh, cho biết: “Cùng với tổ chức khử trùng toàn bộ các đồ chơi, lau rửa sàn nhà, bề mặt, vật dụng tiếp xúc trẻ thường xuyên, chúng tôi còn tổ chức phát tờ rơi tuyên truyền phòng chống bệnh TCM tới các phụ huynh và tăng lượng xà phòng cho các cháu rửa tay. Hàng ngày, trước khi nhận và trả trẻ, các giáo viên đều xem xét các biểu hiện, triệu chứng của trẻ để kịp thời phát hiện các biểu hiện bệnh của trẻ”.
Tại TX.Long Khánh, năm học này toàn thị xã có 19 trường mẫu giáo, mầm non và 49 nhóm trẻ với gần 900 cháu nhà trẻ và trên 5 ngàn cháu lứa tuổi mẫu giáo, mầm non. Trưởng phòng GD-ĐT Nguyễn Văn Thanh cho biết: “Ngành đã phối hợp ngành y tế chỉ đạo tất cả các trường mầm non và nhóm trẻ gia đình thực hiện đầy đủ các quy trình khử trùng bằng hóa chất cloramin B”.
Tương tự, tại huyện Xuân Lộc, bà Văn Thị Huệ, chuyên viên Phòng GD-ĐT huyện cho biết: “Năm học này có 20 trường mầm non - mẫu giáo công và ngoài công lập với trên 8 ngàn trẻ ra lớp nên công tác phòng chống dịch TCM được phòng chỉ đạo các trường thực hiện thường xuyên, đặc biệt trong những ngày tựu trường sắp tới”.
Từ tính chất nguy hiểm của bệnh TCM, nên phòng GD-ĐT các địa phương, các trường mẫu giáo - mầm non trong toàn tỉnh đã có sự chủ động phối hợp tốt với trạm y tế địa phương thực hiện cùng lúc nhiều biện pháp phòng chống dịch bệnh này.
Hà Châu