Mới nghe biệt danh này, có người lầm tưởng cô Hạnh là nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Thực ra, chỉ vì cô quá gắn bó với những mảnh đời bị nhiễm thứ chất độc hóa học ác nghiệt này nên mới được nhiều người gọi như thế. Cô chính là Nguyễn Thị Ngọc Hạnh, Phó chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Đồng Nai.
Mới nghe biệt danh này, có người lầm tưởng cô Hạnh là nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Thực ra, chỉ vì cô quá gắn bó với những mảnh đời bị nhiễm thứ chất độc hóa học ác nghiệt này nên mới được nhiều người gọi như thế. Cô chính là Nguyễn Thị Ngọc Hạnh, Phó chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Đồng Nai.
>>>Trả lại sự công bằng cho nạn nhân da cam
“Con học xong lớp 9 rồi mà trường THPT ở đây không chịu nhận. Con muốn đi học quá, cô Hạnh cứu con với”- em Lê Thị Điệp - một nạn nhân chất độc da cam/dioxin ở xã Phước Khánh (huyện Nhơn Trạch) than thở với cô Hạnh. Tay chân của Điệp bị dị tật, giọng nói thì ngọng không thể phát âm rõ ràng nhưng vẫn phấn đấu học hết THCS. Có điều, khi nộp hồ sơ vào bậc THPT thì bị từ chối. Qua sự “nhờ vả” của cô Hạnh “da cam”, chỉ một tuần sau Điệp đã được Trường cao đẳng nghề số 8 về tận nhà đón lên trường, lo toàn bộ chi phí ăn học.
Cô Nguyễn Thị Ngọc Hạnh (thứ hai từ trái sang) cùng ông Ngô Quang Xuân (bìa trái), Trưởng nhóm đối thoại Việt - Mỹ thăm nạn nhân chất độc da cam ở Biên Hòa. Ảnh: C. NGHĨA |
Đó chỉ là một trong vô số những việc mà cô Hạnh “da cam” đã làm để chăm lo cho những nạn nhân chất độc da cam. Khi rời chiếc ghế Trưởng phòng dạy nghề của Sở Lao động - thương binh và xã hội để nghỉ hưu, nhiều trung tâm, cơ sở dạy nghề đã sẵn sàng mời đón cô về làm việc với mức lương cao gấp 3 lần. Nhưng cô Hạnh đã từ chối hết để về Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin, bởi việc có thể giúp đỡ, sẻ chia với các nạn nhân da cam khiến cô thấy cuộc sống của mình thêm ý nghĩa.
Công việc ở Hội toàn là những việc không tên nhưng cực kỳ bận rộn, trong đó quan trọng nhất là kịp thời chăm lo cho đời sống vật chất lẫn tinh thần của các nạn nhân. Cứ nghe báo ở đâu có người cần giúp đỡ là cô Hạnh có mặt ngay, và bao giờ cô cũng tìm ra cách hỗ trợ hiệu quả. Cách giúp của cô cũng “không giống ai”: ngoài những người bị tàn tật quá nặng phải nuôi dưỡng suốt đời, còn lại cô luôn tìm cách để họ được làm việc, hòa nhập cộng đồng. Bởi, cô hiểu tâm tư của những người không may mắn ấy là muốn được tự vươn lên để khẳng định mình, họ không muốn trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Vì vậy, cô luôn vận động các mạnh thường quân trao “cần câu” một cách hợp lý nhất: cho học văn hóa, dạy nghề, hỗ trợ con giống, giới thiệu việc làm. Nhờ có cô Hạnh, các em như Nguyễn Thị Bé Tư, Nguyễn Thị Giang… đã có được cái nghề trong tay, có thể làm việc nuôi sống bản thân.
Nói đến việc vận động hỗ trợ, cô Hạnh còn nổi tiếng bởi… hay đi xin xỏ, “níu áo” người quen khi cần chăm lo cho các nạn nhân. Nhưng chuyện xin xỏ, vận động của cô không chút tư lợi mà luôn là nhịp cầu nối giữa người hảo tâm với những nạn nhân da cam. Cô Hạnh cho hay, trong xã hội không thiếu những người có tấm lòng chia sẻ, đùm bọc đồng bào, vấn đề là mình biết khơi gợi và minh bạch trong mọi việc để không phụ lòng tin tưởng của mọi người. Từ chuyện “đi xin” của cô, hàng chục đơn vị, cá nhân đã tham gia các chương trình hỗ trợ nạn nhân da cam.
Một trong những quan tâm khác của cô Hạnh, là làm sao để xã hội hiểu hơn tác hại của chất độc dioxin, đồng thời có sự cảm thông với các nạn nhân. Hàng trăm tấm ảnh về các nạn nhân - bằng chứng sống của chất độc dioxin đã được cô Hạnh tự chụp qua những chuyến đi thực tế và được giới thiệu đến người dân, các tổ chức quốc tế. Thông qua cô, tập thơ của Đinh Thị Hoàng Loan, một nạn nhân ở TP. Biên Hòa vừa ra đời - bằng chứng về sức vươn lên của những người tàn mà không phế.
Một ngày làm việc của cô Hạnh giờ đây không phải đóng khung trong 8 giờ hành chính như trước, mà có khi đến tận 9-10 giờ đêm, hoặc cả ngày thứ bảy, chủ nhật. “Hạnh phúc của tôi là thấy được niềm vui của những người đã phải gánh chịu nhiều thiệt thòi ấy” - cô Hạnh “da cam” tâm sự.
Khoảng 80 triệu lít chất độc hóa học, trong đó 61% là chất da cam, chứa 366 kg dioxin đã được quân đội Mỹ phun, rải trên lãnh thổ Việt Nam từ năm 1961-1972 thông qua 19.905 phi vụ phun, rải. 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm và hơn 3 triệu người là nạn nhân do chiến tranh hóa học của Mỹ gây ra. Đơn kiện 37 công ty hóa chất Mỹ sản xuất, cung cấp hóa chất độc hại cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam đã được Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam và một số nguyên đơn gửi tòa án Brooklyn, New York (Mỹ) ngày 30-1-2004. Trải qua 5 năm, vụ kiện mới qua giai đoạn tiền xét xử. Dù tòa án Mỹ từ chối thụ lý nhưng vụ kiện đã làm nhân dân trong nước và thế giới hiểu rõ hơn về thảm họa da cam ở Việt Nam. B.M |
Thanh Thúy