Chưa hề ra chiến trường, chỉ là người dân bình thường sống bên cạnh sân bay quân sự Biên Hòa, vậy mà vợ chồng ông Lâm Bá Trung và bà Đào Thị Kiều (thường gọi là ông bà Sáu, ngụ xã Bình Hòa, huyện Vĩnh Cửu) phải gánh chịu những bất hạnh tột cùng bởi chất độc da cam/dioxin.
Chưa hề ra chiến trường, chỉ là người dân bình thường sống bên cạnh sân bay quân sự Biên Hòa, vậy mà vợ chồng ông Lâm Bá Trung và bà Đào Thị Kiều (thường gọi là ông bà Sáu, ngụ xã Bình Hòa, huyện Vĩnh Cửu) phải gánh chịu những bất hạnh tột cùng bởi chất độc da cam/dioxin.
41 tuổi, nhưng Lâm Kim Liên, người con gái đầu của bà Sáu, chưa một ngày nói cười, chạy nhảy, cả ngày nằm quặt quẹo trên giường bởi tay chân đều cong vẹo. Sinh ra 8 người con, thì hết 7 người con của ông bà bị tật nguyền, sống đời sống thực vật trong nỗi đau khổ, khốn khó của cha mẹ.
* Nỗi đau đời mẹ
Nhắc đến chuỗi ngày đằng đẵng đã qua, những giọt nước mắt tưởng chừng đã cạn lại ứa ra từ đôi mắt của bà Sáu: khóc cho những đứa con tật nguyền, khóc cho người chồng cả đời khổ cực, lúc nhắm mắt xuôi tay vẫn nặng oằn nỗi lo. Những giọt nước mắt âm thầm suốt hơn 40 năm qua đã rút kiệt sinh lực của người mẹ ấy…
Bà Đào Thị Kiều và gia đình âm thầm chịu đựng nỗi đau da cam suốt hơn 40 năm qua. Ảnh: Thanh thúy
Sinh ra và lớn lên từ làng quê, bà đâu biết tai họa rình rập và đổ ập xuống từ đâu, bao giờ? Chỉ biết rằng nhà quá nghèo nên mới 8-9 tuổi đầu bà đã theo mẹ đi lượm phế liệu ở ven sân bay Biên Hòa để mưu sinh. Ông Sáu chồng bà cũng vậy. Cùng hoàn cảnh nên hai người đã cảm thông, gắn bó, để đến năm 1969 ông và bà đã nên duyên vợ chồng. Một năm sau, người con đầu lòng ra đời trong niềm hạnh phúc của đôi vợ chồng trẻ. Chỉ có điều, trong ngôi nhà ấy vẫn không vang lên tiếng khóc trẻ thơ, bởi người con lúc nào cũng lặng thinh, không hề phản ứng với tiếng kêu, nựng nịu của cha mẹ. Sáu tháng tuổi, rồi thôi nôi, bé Liên cũng vẫn vậy, đặt đâu ngồi đó chứ không hề biết lật, bò hay đi như những đứa trẻ khác, ánh mắt luôn ngây dại, vô hồn trong nỗi lo lắng của cha mẹ. Tệ hơn, chân tay bé bắt đầu co rút, vặn vẹo.
Hai năm sau, bé gái thứ hai ra đời, tình trạng cũng y như bé Liên. Tiếng cười tắt hẳn trong ngôi nhà từ đó, chỉ còn tiếng khóc của bà và tiếng thở dài của ông. Ngày tháng trôi qua, cả hai chị em vẫn chỉ biết nằm một chỗ, vô tri vô giác, ai đút thì ăn, uống, khi bụng đói cũng chẳng biết cất tiếng kêu. 3 bé gái tiếp theo cũng chung một tình trạng. 2 người con trai khác thì ngay lúc vừa lọt lòng đã mềm oặt như một dây khoai vì không có xương sống, sau đó lần lượt bỏ ông bà ra đi trong nỗi đau xé lòng của người mẹ. Dù con không nên hình nên vóc, dù con chưa bao giờ cất tiếng gọi cha, kêu mẹ, chưa bao giờ có được ánh mắt nhìn yêu thương, nhưng mỗi đứa con ra đời là mỗi núm ruột được rứt ra từ tình yêu của cha mẹ, nên lòng ông bà vẫn đau đớn khi con lìa bỏ cuộc đời.
* Quặn thắt lòng cha
Ngôi nhà nhỏ từ lúc đó đã trở nên câm lặng. Trên chiếc giường duy nhất trong nhà là những đứa con tật nguyền nằm bên nhau. Mỗi sáng, bà dậy thật sớm nấu một nồi cháo lớn rồi tất tả đi làm, bởi 3 công ruộng nhà không tài nào xoay đủ cho 7 miệng ăn. Người mẹ vóc dáng yếu ớt ấy đi chẻ đá, cấy mướn, hay làm bất cứ công việc gì chỉ mong cuối ngày mang ít tiền công về đong gạo cho các con. Buổi trưa, khi mọi người nghỉ ngơi thì bà lại lần theo bờ ruộng tranh thủ cắt ít cỏ, dây khoai về nuôi bò. Tối mịt về đến nhà, một đống quần áo, chiếu bẩn đang chờ sẵn sau một ngày các con bài tiết ngay tại chỗ. Cứ thế suốt 41 năm, bà không hề có một ngày được nghỉ ngơi, thanh thản, lúc nào cũng đối mặt với nỗi lo kiếm tiền nuôi các con.
Còn ông Sáu, buổi sáng sau khi đút ăn hết cho một lượt 5 người con cũng tất tả ra đồng, trưa, chiều lại lúi húi chạy về cho con ăn uống, tắm rửa, không dám đi đâu xa vì sợ con không người chăm sóc. Mặc dù các con gần như sống đời thực vật, vậy mà mỗi ngày khi chăm sóc con ông bà đều âu yếm chuyện trò cùng con. “Bé Liên sao nằm lấn chỗ em vậy, còn kéo mền của em nữa. Bé Hường khát lắm hả con, môi khô queo hết rồi nè, cho con uống nước hén…”.
Nỗi cực nhọc thể xác dù vậy vẫn chưa thấm vào đâu so với nỗi đau tột cùng về tinh thần. Mỗi lần thấy trẻ con nhà hàng xóm chạy nhảy, chơi đùa, thậm chí đánh nhau, kêu khóc inh ỏi là ông Sáu ngồi thẫn thờ, nước mắt lại ứa ra. Ác nghiệt hơn, lúc đó mọi người chưa hề biết đến thứ chất độc tên gọi dioxin, nên có người thì bảo chắc ông bà ăn ở thất nhơn ác đức lắm nên con cái mới bị vậy, kẻ lại phỏng đoán gia đình này mắc thứ bệnh nan y bí ẩn nào đó nên một số người đã xa lánh. Nhiều người ngại ngần không dám mời ông Sáu đến dự giỗ, tiệc dù vẫn quý mến ông hiền lành, chơn chất. Thậm chí, có lần bà Sáu đến nhà người quen, khi bà ra về người ấy đã mang chiếc ghế bà ngồi ra… sát trùng. Biết thân phận mình, lại mặc cảm về bệnh tật của con, ông bà càng sống thu mình lại như hai chiếc bóng.
* Những niềm vui hiếm hoi
Năm 1989 trong lần sinh thứ tám, bà Sáu có được bé Lâm Ngọc Nhẫn hoàn toàn lành lặn. Lần đầu tiên sau 19 năm, nụ cười mới tươi lại trên đôi môi héo hắt của ông bà Sáu. Bé Nhẫn thông minh, ham học, lại hiếu thảo. 6-7 tuổi đầu, mỗi lúc đi học về là bé chịu khó phụ giúp ba mẹ chăm sóc các chị. Dù nhà nghèo không có tiền đi học thêm, nhưng năm 2004, Nhẫn vẫn thi đậu vào Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh. Đúng vào thời điểm đó, ông Sáu mất vì bệnh ung thư. “Nếu đi học xa, ai ở nhà chăm sóc các chị?”, nghĩ vậy, Nhẫn nén lòng xin học ở Trường THPT Vĩnh Cửu (ở xã Thạnh Phú) cho gần nhà. 3 năm sau, Nhẫn đậu vào Trường đại học nông lâm TP.Hồ Chí Minh. Một lần nữa, Nhẫn quyết định chọn Trường đại học Lạc Hồng, vừa gần nhà vừa được nhà trường hỗ trợ học bổng để đỡ gánh nặng chi phí cho mẹ.
“Tôi sinh ra được bình thường trong niềm hy vọng và cả những giọt nước mắt hạnh phúc của cha mẹ. Mỗi ngày, khi nhìn gia đình khác khỏe mạnh, sum họp bên nhau, tôi lại thương mẹ đã 60 tuổi mà vẫn tảo tần, dãi nắng dầm sương lo cho các con, thương chị đã 41 tuổi mà hình hài như một đứa trẻ, gầy xộc, ánh mắt ngơ dại. Riêng tôi, hiện không có triệu chứng bất thường như các anh, chị, nhưng lòng tôi luôn canh cánh nỗi lo âu. Nếu như một ngày nào đó bỗng nhiên tôi phát bệnh như anh chị? Nếu như tôi lập gia đình thì những đứa trẻ thế hệ thứ ba sinh ra có được bình thường? Tôi chỉ mơ ước có được một gia đình có tiếng cười, không còn nước mắt…” - Lâm Ngọc Nhẫn cho biết.
Lần đầu tiên, ông bà Sáu biết đến cái tên chất độc dioxin là bắt nguồn từ nhà báo Mai Sông Bé (lúc đó là Phó tổng biên tập Báo Đồng Nai, hiện là Giám đốc Đài PT-TH Đồng Nai). Năm 1998, nghe hoàn cảnh của ông bà, nhà báo Mai Sông Bé đã tìm đến. Bà Sáu nhớ rất rõ hôm đó là ngày 28-4, dạo đó vì ông Sáu bệnh liên miên nên gia đình mắc nợ nhiều người, thấy dáng nhà báo từ xa, tưởng là… chủ nợ nên bà hoảng hồn trốn biệt, chừng biết không phải mới dám ra gặp. Mấy ngày sau báo ra, một số người biết hoàn cảnh của bà đã tìm đến giúp đỡ, địa phương cũng hỗ trợ. Quan trọng hơn, nhờ đó ông bà được đưa đi xét nghiệm, mới biết mình bị nhiễm chất độc da cam/dioxin. Bước ngoặt này rất quan trọng đối với gia đình. Không chỉ ông bà đỡ mặc cảm, tự ti, mà bà con lối xóm cũng hiểu ra, không còn e dè, xa lánh như trước, xã hội thì quan tâm giúp đỡ nhiều mặt khiến cuộc sống gia đình ngày càng dễ thở, ấm lòng.
“Xã bảo lãnh cho tui vay 6 triệu đồng không tính lời để mua bò. Mấy năm sau tui trả dứt nợ, lại còn lời ra được 2 con bò con nữa. Cứ chắt mót lần hồi vậy, mới đây tui xây được nhà bằng gạch rồi” - bà Sáu khoe. Hiện bà Sáu chỉ còn lại 2 người con là Liên và Nhẫn. Mới đây, Nhẫn đã tốt nghiệp đại học và xin vào làm kế toán cho một doanh nghiệp gần nhà. Còn Liên, vẫn mãi là đứa bé vô tri trong vòng tay chăm sóc, chở che của mẹ và em gái dù đã bước sang tuổi 41…
Toàn tỉnh có trên 13 ngàn nạn nhân chất độc da cam/dioxin Theo tư liệu, cách đây 50 năm ngày 10-8-1961, quân đội Mỹ tiến hành phi vụ đầu tiên phun rải chất độc hóa học ở Việt Nam để thử nghiệm. Năm 1962, chất độc hóa học đã trở thành một loại vũ khí mới của quân đội Mỹ nhằm phát quang để tìm diệt đối phương, đề phòng và bảo vệ căn cứ hậu cần, phá hoại hoa màu để triệt nguồn lương thực, tiêu diệt sinh lực đối phương. Tại Đồng Nai, từ ngày 8-10-1961 trở đi, Mỹ đã liên tục rải thứ chất độc này xuống các ruộng lúa xung quanh sân bay Biên Hòa kéo dài lên đến các xã Trị An, Mã Đà, Hiếu Liêm (vùng Chiến khu Đ, nay là huyện Vĩnh Cửu). Không chỉ thế, nơi đây còn là bãi chứa chất độc hóa học thông qua Tổng kho Long Bình, còn sân bay quân sự Biên Hòa cũng là kho chứa chất độc để các chuyến bay bốc đi, rải khắp các chiến trường miền Nam suốt từ năm 1961-1971. Các vùng kháng chiến khác trên địa bàn cũng trở thành mục tiêu để rải chất độc hóa học, như Gia Huynh, Trảng Táo, núi Mây Tàu, Sông Ray, Sông Ui… Theo thống kê của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh, Đồng Nai hiện có 13.147 người là nạn nhân của loại chất độc hóa học này, trong đó tỷ lệ nạn nhân là dân thường chiếm đến 62%. Có 3.196 người dưới 16 tuổi, tức thuộc thế hệ nạn nhân thứ hai. |
Thanh Thúy