1. Trong ngôi nhà nhỏ xíu ở hẻm Hoa Lư (KP6, phường Quang Vinh, TP. Biên Hòa) của cô bé “Ốc tiêu” Nguyễn Thị Tường Vân mấy ngày nay luôn đầy cảm xúc. Niềm vui thì thật lớn, bởi “Ốc tiêu” đã đậu cùng lúc 2 trường đại học, nhưng nỗi lo cũng nặng trĩu: tiền đâu cho “Ốc tiêu” đi học?
1. Trong ngôi nhà nhỏ xíu ở hẻm Hoa Lư (KP6, phường Quang Vinh, TP. Biên Hòa) của cô bé “Ốc tiêu” Nguyễn Thị Tường Vân mấy ngày nay luôn đầy cảm xúc. Niềm vui thì thật lớn, bởi “Ốc tiêu” đã đậu cùng lúc 2 trường đại học, nhưng nỗi lo cũng nặng trĩu: tiền đâu cho “Ốc tiêu” đi học?
Anh Nguyễn Văn Giàu, ba của Tường Vân kể, suốt mấy năm đi bộ đội đóng quân ở vùng Bình Sơn (huyện Long Thành), anh không biết được mình đã nhiễm thứ chất độc da cam khủng khiếp từ lúc nào. Chỉ đến khi lập gia đình, con anh - cháu Nguyễn Thị Hoài Trâm, lúc sinh ra thì bình thường, nhưng càng ngày tay chân càng co rút, vặn vẹo một cách dị thường, não không phát triển, một ngày lên cơn động kinh co giật mấy lần, sau đó làm xét nghiệm mới biết cháu Trâm và cả anh, chị đều bị nhiễm chất độc da cam.
Nguyễn Thị Tường Vân
May mắn sao, Tường Vân - chị em song sinh với Hoài Trâm lại bình thường. Nhưng cuộc sống của Tường Vân thì vẫn không thể bình thường. Mẹ phải ở nhà chăm sóc Trâm, chỉ thỉnh thoảng nhận trông giữ 1, 2 trẻ nhỏ để tăng thu nhập, còn lại sinh hoạt cả gia đình đổ dồn lên chiếc xe ôm của ba. Ngày nào chạy khá thì được năm, ba chục, nhưng cũng lắm ngày xe ế ẩm phải chạy vạy mượn tiền bà con lối xóm để đắp đổi qua ngày. Bữa cơm gia đình Vân thường chỉ có dĩa rau muống với tô nước luộc. Vất vả, kham khổ nên Tường Vân chết danh là “Ốc tiêu”. Vậy mà 12 năm liền, từ lúc học ở Trường tiểu học Quang Vinh cho đến THCS Hùng Vương và THPT Ngô Quyền, “Ốc tiêu” đều là học sinh giỏi.
Một ngày của “Ốc tiêu” được chia ra giữa trường học và căn nhà nhỏ có chị Hoài Trâm lúc nào cũng như một em bé mới sinh cần chăm sóc. Không có tiền đi học thêm như bạn bè, “Ốc tiêu” được thầy Huỳnh Văn Mão (Trường THPT Chu Văn An) cảm động trước nghị lực phấn đấu và tinh thần ham học tập của em nên nhận phụ đạo thêm môn Toán cho em lúc rảnh rỗi, vài đồng nghiệp khác giúp đỡ các môn còn lại. Thế nhưng kết quả thi đại học năm 2011 của “Ốc tiêu” thật đáng nể: Đậu vào Trường đại học Kinh tế với điểm số là 20 và Trường đại học Khoa học tự nhiên với điểm số là 19. Cầm giấy báo của 2 trường đại học trong tay, ba mẹ của Vân mừng chảy nước mắt vì niềm kỳ vọng vào con đã thành sự thật, nhưng cũng vô cùng lo lắng vì trong nhà không có món vật dụng giá trị nào để có thể bán đi đóng tiền học phí cho con. Nỗi lo ấy giờ đang trĩu nặng theo từng chuyến xe ôm của anh Giàu mỗi ngày…
2. Cũng giống như “Ốc tiêu” Tường Vân, từ nhỏ cô bé Phan Thị Huệ (xã Giang Điền, huyện Trảng Bom) đã gắn chặt với biệt hiệu “Bé còi” bởi thân hình ốm yếu, còi cọc. Không may mắn như Tường Vân, ngay từ lúc mới sinh, Huệ đã bị nhiễm chất độc da cam từ cha vốn là bộ đội chiến trường Việt - Lào năm 1970. Trong 7 người con của anh Phan Bá Linh, bé Huệ hay đau yếu quặt quẹo, lại thường xuyên bị bệnh ngoài da. Chỉ đến năm 2005 khi được đưa đi xét nghiệm, mới biết 2 cha con đều bị nhiễm, trong đó sức lao động của Huệ bị giảm đến 35%.
Phan Thị Huệ
Ba mất năm Huệ mới 12 tuổi, gánh nặng gia đình đổ dồn lên đôi vai gầy của mẹ. Nhà lại không có đất canh tác, mẹ chỉ biết gầy dựng, chăm bẳm đàn heo để lo cho các con, vì thế quanh năm gia đình luôn khó khăn, thiếu thốn. Sức khỏe suy giảm, hay bị chóng mặt, đau đầu bởi di chứng chất độc da cam trong người, nhưng “Bé còi” chưa bao giờ chịu thua số phận. Mệt thì nghỉ, khỏe thì học tiếp, cứ vậy Huệ cũng là học sinh giỏi 12 năm liền, ngay cả chương trình học nặng nề, đầy áp lực ở Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh cũng không làm “Bé còi” chùn bước. Không có tiền đi học thêm, ngoài môn Toán được cô chủ nhiệm Tôn Nữ Thanh Thủy dạy miễn phí, những môn còn lại Huệ học qua tài liệu mượn được của bạn bè, hoặc hỏi han bài vở của các bạn ở chung ký túc xá.
Kết quả thi đại học năm 2011 của “Bé còi” cũng làm nhiều người “giật mình”: đậu Trường đại học Ngân hàng với số điểm là 20 và đại học Khoa học – xã hội và nhân văn với điểm số 19,5. Và cũng như Ốc tiêu”, mấy ngày nay cả nhà “Bé còi” vừa vui, vừa thắc thỏm với thông báo khoản tiền phải đóng của Trường đại học Ngân hàng khi nhập học lên đến gần 5 triệu đồng. 4 anh lớn làm công nhân, chỉ vừa đủ sống, mẹ còn nặng gánh với 3 chị em của Huệ, trong đó có 1 chị cũng đang học đại học năm thứ 3. Trong khi đó, đàn heo ở nhà lại xơ xác bởi dịch bệnh…
Thanh Thúy