Năm học mới bắt đầu, cha mẹ cần chuẩn bị tâm lý cho lần đầu tiên đi học của trẻ?
Năm học mới bắt đầu, cha mẹ cần chuẩn bị tâm lý cho lần đầu tiên đi học của trẻ?
Đối với trẻ vào mầm non, những ngày đầu tiên đi học quả là đáng sợ. Bé khóc, sợ sệt, ăn uống nôn mửa, thậm chí không ăn uống gì và bị bệnh. Cha mẹ thì không yên tâm chút nào khi gửi bé. Môi trường mới lạ, người xung quanh, bạn bè đều xa lạ nên các bé có những phản ứng như vậy là rất dễ hiểu. Vấn đề quan trọng ở đây là cha mẹ phải thật sự hiểu được tâm sinh lý của trẻ để giúp con mình nhập cuộc một cách tự nhiên.
Những nguyên tắc cơ bản để giúp bé quen dần với trường lớp, bạn bè cần được cha mẹ lưu tâm: Tìm hiểu thật cặn kẽ giờ giấc ăn ngủ, sinh hoạt, học tập... của trường con mình sẽ vào học. Từ đó, cha mẹ thường xuyên nói cho biết về trường, bạn bè lứa tuổi con mình... Gia đình từ từ đưa trẻ vào nề nếp giờ giấc thức dậy buổi sáng, giờ ăn uống, giờ nghỉ trưa, giờ ngủ buổi tối và sinh hoạt thường ngày của trẻ. Cha mẹ có thể cho trẻ làm quen trường lớp, bạn bè một thời gian trước khi vào học. Đầu tiên là đưa trẻ đến với khung cảnh nhà trường, lớp học, bạn bè, nói chuyện với cô giáo của trẻ thật thân thiện cho trẻ thấy sự thân quen của cha mẹ với cô, trẻ sẽ nghĩ cô như người thân của mình... Trẻ sẽ dần quen, cảm nhận được trường học không còn lạ nữa.
Ngày đầu tiên và những ngày tiếp theo, cha mẹ phải trực tiếp đưa đón trẻ đến trường và về nhà. Có cha mẹ, các em vững tin hơn, sẵn sàng bước vào một thế giới mới hơn. Nếu trẻ khóc, cha mẹ cũng cần chú ý đến thái độ của mình sao cho trẻ không nhận ra được những lo lắng của người lớn. Những ngày sau, nếu trẻ sợ đi học thì cha mẹ nên có những lời động viên, giải thích.
Đối với trẻ 6 tuổi bắt đầu vào lớp 1, môi trường và nề nếp học tập đã được rèn luyện ở trường mầm non nhưng không vì thế mà các em không còn bỡ ngỡ, lo lắng khi vào ngôi trường mới. Ngày đầu đưa con đến lớp, cha mẹ cần chỉ dẫn cho con lối lên lớp, lớp học của con, chỗ vệ sinh dành cho học sinh... Có như vậy, trẻ sẽ cảm thấy tự tin bước vào một ngôi trường hoàn toàn mới. Song song đó, cha mẹ cũng cần nói chuyện với giáo viên chủ nhiệm để trao đổi những thông tin cần thiết về con mình. Những ngày đầu trẻ đi học, cha mẹ chia sẻ, hỏi thăm bài vở, thầy cô, bạn bè, theo dõi tâm sinh lý của trẻ; quan tâm, giúp đỡ trẻ chuẩn bị sách vở, đồ dùng học tập, đưa bé đến trường sớm hơn giờ quy định một chút để giúp con có một tâm lý tốt nhất bước vào một ngày học tập.
Chuẩn bị tâm lý cho con trẻ ngày đầu tiên đi học là một việc vô cùng quan trọng mà bất cứ bậc cha mẹ nào cũng nên làm để giúp các em cảm thấy thoải mái, tự tin hơn, yên tâm hơn khi bước vào một môi trường mới.
Đào Văn Khởi