Tuần qua, một thông tin khiến dư luận sửng sốt: Thân nhân người bệnh đâm chết một bác sĩ và làm bị thương một bác sĩ tại tỉnh Thái Bình. Thực ra, ngay tại Đồng Nai, trong những năm qua cũng đã nảy sinh vấn đề: môi trường làm việc ở bệnh viện trở nên nguy hiểm, bác sĩ phải chịu áp lực từ nhiều phía…
Tuần qua, một thông tin khiến dư luận sửng sốt: Thân nhân người bệnh đâm chết một bác sĩ và làm bị thương một bác sĩ tại tỉnh Thái Bình. Thực ra, ngay tại Đồng Nai, trong những năm qua cũng đã nảy sinh vấn đề: môi trường làm việc ở bệnh viện trở nên nguy hiểm, bác sĩ phải chịu áp lực từ nhiều phía…
Không nói đâu xa, mới cuối tháng 6 vừa qua, một nhóm thanh niên đưa một người bị thương đến Bệnh viện đa khoa Đồng Nai cấp cứu. Vừa gặp bác sĩ, họ lớn tiếng hăm dọa và yêu cầu nhân viên y tế phải cấp cứu tích cực, nếu không sẽ… “không để ai yên”.
* Phòng cấp cứu: nguy cơ cao
Lo ngại có việc không hay, bảo vệ chỉ nhẹ nhàng yêu cầu những người này ra ngoài để bác sĩ làm việc. Khi người bệnh được chuyển xuống khoa ngoại thì nhóm thanh niên này đi theo, tụ tập nhau tại hành lang để ngăn chặn băng khác đến trả thù. Tại đây, những người này hút thuốc, chửi thề và có nhiều hành vi gây mất an ninh trật tự. Bảo vệ đến nhắc nhở, họ không những không hợp tác mà còn đòi “luộc” cả bảo vệ lẫn bác sĩ nếu cứ bị … nhắc nhở.
Bác sĩ ân cần giải thích thắc mắc cho thân nhân của bệnh nhân tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai. Ảnh: P.Liễu
Để ngăn chặn tình huống xấu, lực lượng bảo vệ được tăng cường đến yêu cầu nhóm giải tán. Song, chúng còn gọi thêm một số tên khác vào và rút hung khí giấu trong người như dao, mã tấu tấn công bảo vệ khiến nhân viên bảo vệ phải “ra đòn” để chống đỡ với 12 đối tượng côn đồ, liều lĩnh. 2 tên trong số này đã bị bắt giao cho công an phường.
Để tránh những sai sót trong chuyên môn dẫn đến sự phản ứng, giận dữ của người thân bệnh nhân cũng cần phải được phòng từ xa. Muốn vậy, các bác sĩ và nhân viên y tế phải được làm với chế độ đủ giờ; sau đêm trực phải được nghỉ ngơi, chứ không căng mình để làm việc; khi tiếp xúc với bệnh nhân phải có thái độ nhã nhặn… Thực tế cho thấy, làm việc quá tải dễ dẫn đến các sai sót. Và như thế, sẽ chẳng thể tránh được những tình huống xấu khi thân nhân người bệnh quá bức xúc...
Tại Bệnh viện đa khoa Thống Nhất, cách đây hơn 2 năm, sự việc gây kinh hoàng là vụ truy sát đến cùng của một nhóm côn đồ liều lĩnh vào ngày 20-1-2009. Bệnh nhân T.H, 19 tuổi, bị chém vào bả vai được cấp cứu tại bệnh viện đã được các bác sĩ cứu qua cơ nguy kịch. Nhưng khi trên đường đưa đi chụp X-quang và siêu âm thì bất ngờ có 5 thanh niên (khoảng 16, 17 tuổi) chạy đến dùng dao đâm nhiều nhát vào người bệnh nhân, khiến thanh niên này tử vong ngay sau đó.
Trước đó mấy hôm, ngày 16-1-2009, cũng tại phòng cấp cứu của bệnh viện này, vụ cướp xác bệnh nhân gây huyên náo, bất an cho nhiều người cũng đã xảy ra. Bệnh nhân T.H, 27 tuổi, ở phường Tân Hòa được cấp cứu trong tình trạng bất tỉnh, hôn mê sâu do tự đâm xe vào cột đèn gây chấn thương sọ não nặng và tử vong. Khi nhân viên y tế chuyển bệnh nhân xuống nhà xác thì người trong gia đình không cho đưa đi, lớn tiếng chửi bới, lăng mạ và hành hung gây thương tích cho 2 nhân viên y tế. Chỉ ít phút sau, một nhóm khoảng 15 người, mặt đằng đằng sát khí, mang theo hung khí, gậy gộc xông vào nhà đại thể, lấy băng ca tự ý khiêng xác nạn nhân về. Bảo vệ ngăn lại thì bị những người này rượt đánh.
Còn ở Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai, một nữ bác sĩ khoa nội đã bị cha của bệnh nhi đánh vào đầu khi người này đưa con bị bỏng đến cấp cứu tại bệnh viện. Do bác sĩ khoa ngoại đi mổ, nên bác sĩ khoa nội yêu cầu người nhà bệnh nhi chờ. Do có hơi men trong người, lại nóng lòng về tình trạng bệnh của con, nên ông này lớn tiếng mắng chửi và đánh vào đầu bác sĩ L.L. rồi bỏ chạy.
* Không thể bức xúc cá nhân mà “hành” nhân viên y tế
Bác sĩ Phạm Văn Dũng, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Thống Nhất cho biết: “Bệnh viện là môi trường công cộng, ai cũng có thể vào nên tình trạng đôi co, chửi mắng, hăm dọa, hành hung nhân viên y tế trong thân nhân người bệnh là thường xuyên. Tuy ở bệnh viện chưa xảy ra vụ côn đồ thanh toán bác sĩ nhưng rõ ràng những hành vi và những tên côn đồ đã vào đến bệnh viện, việc này gây nguy hiểm cho cán bộ, nhân viên y tế, dẫn đến ức chế tâm lý”. Còn TS.BS. Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Đồng Nai chia sẻ: “Đành rằng, trong lúc người thân bị nạn, người nhà lo lắng, mong muốn người thân của mình được bác sĩ nỗ lực cứu chữa… Tâm lý đó ai cũng có, đòi hỏi đó cũng là chính đáng. Nhưng không thể vì bức xúc cá nhân mà gây ra những hành động quá khích. Theo nguyên tắc y khoa, những ca nặng bao giờ cũng được cứu trước. Vì thế, thấy người vào sau được cấp cứu trước thế là người nhà giận dữ bùng lên. Nếu đứng ngoài la ó, mắng chửi hoặc nhảy vào hành hung bác sĩ, thì chỉ gây thêm phiền phức cho chính người bệnh của mình. Đôi lúc, trong cuộc sinh tử, bác sĩ cũng đành bó tay trước những ca quá nặng”.
Nhân viên bảo vệ đứng trực trước cửa phòng cấp cứu Bệnh viện đa khoa Đồng Nai để giữ trật tự, ngăn chặn những tình huống xấu xảy ra. Ảnh: P.Liễu
Cũng theo TS.BS. Anh Vũ, những bác sĩ và nhân viên y tế chỉ làm chuyên môn chứ không chủ động phòng ngừa được những tình huống bất ngờ từ phía thân nhân người bệnh. Vì thế, nếu có chuyện xảy ra, thường là xảy ra rất nhanh, rất bất ngờ trong phòng cấp cứu trong khi người thầy thuốc đang căng thẳng đối phó với những ca bệnh nặng, thì làm sao tránh được.
Để phòng tránh tình huống xấu xảy ra, bác sĩ Nguyễn Lê Đa Hà, Giám đốc Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai cho biết: “Rút kinh nghiệm từ vụ ở Thái Bình, chúng tôi cũng thống nhất với anh em, khi thấy thân nhân người bệnh có thái độ hung hăng, nên cách ly họ khỏi phòng cấp cứu hoặc khi tình hình bệnh nhân xấu đi, nên mời thân nhân vào phòng giao ban để giải thích. Trước những lời quá khích, không nên “trả miếng”, sẽ là “thêm dầu vào lửa”, gây bất lợi cho mình và người khác”.
Phương Liễu