Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài 2: Sức ép từ việc học hè

09:07, 13/07/2011

Nhiều phụ huynh muốn con mình tranh thủ ngày hè để học trước chương trình,  học năng khiếu văn nghệ - thể thao… Vì vậy, với nhiều trẻ, mùa hè lại là khoảng thời gian các em phải “chạy sô” giữa các điểm học thêm!

 

Nhiều phụ huynh muốn con mình tranh thủ ngày hè để học trước chương trình,  học năng khiếu văn nghệ - thể thao… Vì vậy, với nhiều trẻ, mùa hè lại là khoảng thời gian các em phải “chạy sô” giữa các điểm học thêm!

Phạm Xuân Trường, học sinh Trường tiểu học Hóa An (TP. Biên Hòa) cho biết: “Cha mẹ em thấy các bạn đi học thêm ở nhà thầy cô từ thứ 2 đến thứ 6 nên cũng cho em đi học nhiều như vậy. Riêng các ngày thứ bảy và chủ nhật, em còn phải học thêm hai môn năng khiếu”.

>>> Bài 1: Khó tìm sân chơi bổ ích

  * Nghỉ hè càng thêm mệt!

Lâu nay học hè đã trở thành chuyện nghiễm nhiên. Tâm lý phụ huynh nào cũng sợ vào đầu năm học con em mình thua kém bạn bè nên cố gắng ép con đi học. Vào dịp này, không ít thầy cô đã tranh thủ dạy trước chương trình. Anh Dương Ngọc Toàn, phụ huynh của Dương Thùy Trang, học sinh Trường tiểu học Lê Văn Tám (TP. Biên Hòa) cho biết: “Dù khó khăn đến mấy mình cũng phải cố cho con đi học để bằng bạn bằng bè”. Trong khi đó, em Thùy Trang tâm sự: “Nghĩ tới học hè là em thấy căng thẳng. Đó là chưa kể sau mỗi buổi học hè, khi về đến nhà, em lại phải phụ mẹ trông em. Thật tình, được nghỉ hè mà còn vất vả hơn trong năm học!”.

Các em rèn chữ tại Nhà thiếu nhi Đồng Nai. Ảnh:  N. Tuyết
Các em rèn chữ tại Nhà thiếu nhi Đồng Nai. Ảnh: N. Tuyết

 Không chỉ có vậy, với mỗi gia đình hiện nay, công việc ngày càng bận rộn nhiều hơn, mùa hè trở thành nỗi lo lớn nếu không có người lớn ở nhà trực tiếp quản lý các em. Không trực tiếp quản lý con thì không yên tâm, sợ con theo bạn bè xấu lôi kéo. Giải pháp tối ưu nhất, theo các bậc phụ huynh là gửi con đến nhà thầy cô, học càng nhiều thời gian càng tốt theo kiểu “câu giờ” để các em không còn thời gian đi giao du với bạn bè, hay chơi những trò chơi nguy hiểm. Em Vũ Ngọc Thành, học sinh lớp 6 Trường THCS Trảng Dài (TP.Biên Hòa) tâm sự: “Cha mẹ em làm công nhân, tăng ca gần như cả tuần. Có hôm đi học thêm về em cũng chỉ biết ngồi một mình đợi cha mẹ về. Ăn tối xong thì đã khuya và mệt nên cha mẹ không cho em đi đâu chơi được”.

Theo chuyên gia tâm lý Ngô Minh Uy, Phó giám đốc Trung tâm tâm lý học ứng dụng Sông Phố, việc bắt ép con cái phải học nhiều trong dịp hè bắt nguồn từ hai nguyên nhân chính vì cha mẹ hơn là vì con cái. Đó là cha mẹ quá lo lắng cho con cái và quá bận bịu với công việc, không có thời gian quản lý con cái nên đẩy con mình giao cho thầy cô vừa dạy vừa quản lý. Điều đó đôi khi có hại cho trẻ khi các em không có được thời gian giải trí một cách thoải mái trong những ngày nghỉ hè.

* Coi chừng quá tải

Mỗi dịp hè đến, Nhà thiếu nhi tỉnh lại rơi vào tình trạng quá tải, bởi nhu cầu cho con đến học văn hóa và các môn năng khiếu. Bà Nguyễn Thị Ngọc Dung, Giám đốc Nhà thiếu nhi tỉnh cho biết, trong dịp hè số lượng học sinh tham gia các lớp năng khiếu tăng gấp đôi ngày thường. Tuy nhiên, không phải học sinh nào tham gia các lớp năng khiếu cũng đều có khả năng tiếp thu và học với tinh thần tự nguyện. Bà Ngọc Dung đưa ra lời khuyên: “Một năm học đã quá nhiều áp lực, các em cần có thời gian nghỉ ngơi, thư giãn, cần được vui chơi đúng với tuổi của mình. Có như vậy, các em mới hào hứng bước vào năm học mới… Vì vậy, trong những ngày hè, cho con ôn tập môn gì, học năng khiếu môn gì… cũng cần được phụ huynh cân nhắc kỹ lưỡng”.

Thiếu sân chơi là tình trạng phổ biến ở nhiều nơi. Trong ảnh: Các em chơi bóng đá trên sân chùa Ông (xã Hiệp Hòa, TP. Biên Hòa). Ảnh: C. Nghĩa
Thiếu sân chơi là tình trạng phổ biến ở nhiều nơi. Trong ảnh: Các em chơi bóng đá trên sân chùa Ông (xã Hiệp Hòa, TP. Biên Hòa). Ảnh: C. Nghĩa

 Còn anh Ngô Minh Uy thì chia sẻ, ngoài những mặt tích cực của việc học thêm, các bậc phụ huynh cần lưu tâm đến những hậu quả. Có khi hậu quả thấy ngay như các em có biểu hiện mệt mõi, căng thẳng, miễn cưỡng đi học. Nhưng nhiều khi hậu quả không thể hiện rõ: Ảnh hưởng đến sự phát triển tư duy của các em từ sức ép học hành. “Dịp hè, phụ huynh nên để con mình học những môn học mang tính rèn luyện kỹ năng trải nghiệm cuộc sống, giáo dục các giá trị tinh thần, ôn tập nhẹ nhàng bài tập của năm học cũ, giúp các em chuẩn bị đồ dùng, sách vở cho năm học mới… Với những môn này, các em sẽ thấy thoải mái thích hơn” - anh Uy cho biết.

Đồng tình với ý kiến này, chị Nguyễn Thị Sim, nhà ở phường Long Bình (TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Năm nay, thay vì bắt cháu học quá nhiều, gia đình tôi đã thu xếp cho cháu về quê thăm ông bà nội, sau đó tranh thủ ôn lại bài cũ, chuẩn bị tinh thần cho một năm học mới”.

Qua trao đổi với chúng tôi, bà Phạm Thị Hải, Phó giám đốc Sở GD-ĐT cho biết: “Về phía Sở, từ cuối năm học đã ra thông báo tới các trường, đề nghị ban giám hiệu có biện pháp hạn chế tình trạng dạy trước chương trình. Việc tạo áp lực cho con cái học thêm, học thêm trước chương trình có thể khiến các em bước vào năm học mới chủ quan. Với những trẻ mới học hết bậc mầm non chuẩn bị vào lớp 1, do trí não còn đang hoàn thiện, nếu học thêm nhiều quá có thể dẫn đến nhiều bệnh lý về thị lực, thính lực và trí nhớ…”

Anh Bùi Xuân Thống, Bí thư Tỉnh đoàn, Phó ban thường trực Ban chỉ đạo hè tỉnh, cho biết: “Để các em có một mùa hè bổ ích, Ban chỉ đạo hè tỉnh tổ chức nhiều hoạt động, nhiều cuộc thi văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, tạo môi trường vui chơi lành mạnh với tinh thần học mà chơi, chơi mà học. Tham gia các hoạt động này không chỉ trang bị kỹ năng sống, khả năng giao tiếp, làm việc theo nhóm… mà còn trang bị cho các em vốn kiến thức thực tế. Mặc dù học hè là một nhu cầu chính đáng, song phụ huynh nên cân đối hợp lý giữa học và chơi để các em có được mùa hè ý nghĩa”.

 

 

 

 

 

 

Nguyễn Tuyết

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều