Gần 3 ngàn người đại diện cho các doanh nghiệp ở các khu công nghiệp trên địa bàn Đồng Nai đã tham dự hội nghị tuyên truyền Luật Bảo hiểm xã hội và chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho người lao động (NLĐ).
Gần 3 ngàn người đại diện cho các doanh nghiệp ở các khu công nghiệp trên địa bàn Đồng Nai đã tham dự hội nghị tuyên truyền Luật Bảo hiểm xã hội và chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho người lao động (NLĐ).
Đây là hoạt động do Bộ Lao động - thương binh và xã hội (LĐ-TBXH) phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Sở LĐ-TBXH tỉnh tổ chức trong 2 ngày 28 và 29-6 tại Đồng Nai. Tại hội nghị, nhiều vấn đề liên quan đã được doanh nghiệp và người lao động quan tâm.
* Bất cập trong thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp
Ông Lê Quang Trung, Phó cục trưởng Cục Việc làm thuộc Bộ LĐ-TBXH cho rằng, sau khi đi vào áp dụng, chính sách BHTN đã xuất hiện một số bất cập, cần sửa đổi cho phù hợp. Chẳng hạn như có thể chỉ thua kém nhau thời gian đóng BHTN từ 1 - 2 tháng mà mức được hưởng lại chênh nhau đáng kể. Luật quy định, các đơn vị phải có từ 10 lao động trở lên mới được xét, điều này vô tình gây mất công bằng cho những đơn vị nào chỉ có dưới 10 người và cuối cùng NLĐ là đối tượng chịu thiệt thòi. Quy định này cũng dễ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cố tình không đóng BHTN cho NLĐ.
Trưởng phòng nhân sự và là cán bộ công đoàn của một công ty cho rằng: “Do chính sách BHTN vẫn còn những bất cập mà chủ doanh nghiệp thì lại quá rành để lách luật nên chúng tôi không thể bảo vệ được quyền lợi cho NLĐ”. Chị nêu thí dụ, BHTN quy định chậm nhất trong vòng 15 ngày sau khi thất nghiệp, NLĐ phải hoàn tất hồ sơ xin hưởng. Điều này dường như đã gây bất lợi cho phía NLĐ vì chủ doanh nghiệp không chịu hợp tác. Một bất cập nữa là trường hợp các chủ doanh nghiệp bỏ trốn trong lúc chưa chốt sổ bảo hiểm cho NLĐ đúng thời hạn thì các cơ quan chức năng sẽ lúng túng không biết giải quyết ra sao. Mặt khác, việc giải quyết để được hưởng chế độ BHTN hiện nay còn quá nhiều thủ tục phức tạp, gây mất thời gian, tốn kém cho NLĐ.
Người lao động yên tâm làm việc khi doanh nghiệp hoàn thành nghĩa vụ đóng BHXH. Trong ảnh: Công nhân làm việc tại Công ty TNHH Teakwang Vina, KCN Biên Hòa 2. Ảnh: Đặng Công |
Nhiều doanh nghiệp của Đồng Nai tại hội nghị cho hay, nhận thức về trợ cấp thất nghiệp của NLĐ còn rất thấp. Không ít người chỉ nghĩ đơn giản thất nghiệp là được hưởng trợ cấp. Do vậy, nhiều NLĐ tìm mọi cách xin nghỉ việc để được hưởng khoản trợ cấp này, sau đó đi tìm một việc làm khác, dẫn đến tình trạng “sốt ảo” lao động. Điều này cũng đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp gặp phải những khó khăn về nguồn nhân lực.
Ông Vũ Đức Cường, Trưởng phòng tuyên truyền của Văn phòng Bộ LĐ-TBXH cho biết, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tập trung vào một đầu mối cũng là việc mà Bộ LĐ-TBXH đang tiếp thu, nghiên cứu để dần hoàn thiện trong thực hiện BHTN. Bộ sẽ có những biện pháp nghiêm khắc và chế tài quyết liệt hơn nữa để các đơn vị có cơ sở thực hiện. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền cho người NLĐ biết để họ đấu tranh khi quyền lợi bị xâm phạm, doanh nghiệp biết để thực hiện cho nghiêm chỉnh.
* Mạnh tay với những doanh nghiệp cố tình vi phạm
Ông Lâm Duy Tín, Phó giám đốc Sở LĐ-TBXH cho biết, tính đến cuối tháng 6-2011, toàn tỉnh đã có gần 20 ngàn người đăng ký thất nghiệp tại Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh. Đồng thời, Phòng đăng ký BHTN đã chuyển 12.500 hồ sơ đủ điều kiện hưởng BHTN để Bảo hiểm xã hội Đồng Nai ra quyết định thực hiện việc chi trả cho NLĐ với số tiền gần 40 tỷ đồng.
Một trong những khó khăn của việc thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội nói chung và BHTN nói riêng chính là sự chấp hành nghiêm từ phía doanh nghiệp. Theo Bảo hiểm xã hội Đồng Nai, tính đến cuối tháng 5-2011, toàn tỉnh vẫn còn 568 doanh nghiệp (DN) nợ bảo hiểm của NLĐ với số tiền gần 48 tỷ đồng. Trong số 568 DN nói trên, có 3 DN nợ số tiền bảo hiểm trên 5 tỷ đồng, 7 DN nợ trên 1 tỷ đồng và 35 DN nợ trên 100 triệu đồng.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Cẩm, Trưởng phòng thu của Bảo hiểm xã hội Đồng Nai cho biết, tình hình này chưa có cải thiện đáng kể do doanh nghiệp còn chây ỳ. Thậm chí, có những doanh nghiệp mới hoàn thành việc trả nợ bảo hiểm của người lao động, sau đó lại tiếp tục phát sinh dẫn đến những món nợ bảo hiểm dai dẳng không biết đến ngày nào mới thanh toán hết. Ngoài việc nhắc nhở qua điện thoại, cán bộ bảo hiểm xã hội còn đến tận doanh nghiệp để làm việc cụ thể. “Trường hợp doanh nghiệp cố tình chây ỳ thì chúng tôi kết hợp với thanh tra của Sở LĐ-TBXH tiến hành thanh kiểm tra để ra quyết định xử phạt hành chính” - bà Cẩm cho biết.
Ông Nguyễn Ngọc Quang, Giám đốc Bảo hiểm xã hội Đồng Nai khẳng định: “Chúng tôi đã và đang triển khai nhiều biện pháp quyết liệt để bảo vệ quyền lợi cho NLĐ ngoài các biện pháp kiểm tra, nhắc nhở, xử phạt… Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm nay, Bảo hiểm xã hội Đồng Nai đã làm đơn khởi kiện 3 doanh nghiệp còn nợ BHXH của NLĐ và tiếp tục hoàn tất 1 hồ sơ nữa để kiện doanh nghiệp ra tòa...”.
Luật Bảo hiểm xã hội có hiệu lực từ tháng 1-2007, trong đó có nội dung về BHTN được áp dụng từ 1-2009. NLĐ trong doanh nghiệp nếu đóng BHTN đủ 12 đến dưới 36 tháng được hưởng 3 tháng trợ cấp BHTN bằng 60% lương cơ bản của tháng làm việc trước khi nghỉ. Nếu NLĐ đóng đủ từ 36 tháng BHTN trở lên tới dưới 72 tháng sẽ được hưởng 6 tháng trợ cấp... |
Công Nghĩa