Cuộc sống với bộn bề lo toan nhiều phụ huynh không còn thời gian để tâm sự, lắng nghe tâm tư, suy nghĩ của con cái. Ðó cũng là nguyên nhân khiến giữa cha mẹ và con cái ngày càng có khoảng cách.
Cuộc sống với bộn bề lo toan nhiều phụ huynh không còn thời gian để tâm sự, lắng nghe tâm tư, suy nghĩ của con cái. Ðó cũng là nguyên nhân khiến giữa cha mẹ và con cái ngày càng có khoảng cách.
Mỗi em đến với diễn đàn trẻ em “Lắng nghe trẻ em nói và mong muốn ở trẻ em” do Sở Lao động - thương binh và xã hội (LÐTB-XH), Sở GD-ÐT, Tỉnh đoàn, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh và Ðài PT-TH Ðồng Nai tổ chức tại Khu du lịch Bửu Long trong tuần qua lại có một tâm sự khác nhau, nhưng có điểm chung là mong muốn được người lớn lắng nghe và chia sẻ.
* Ðiều em mong muốn từ gia đình…
Em N.H.T. (14 tuổi, xã Thanh Sơn, huyện Ðịnh Quán) mang đến diễn đàn một câu chuyện đầy bi kịch của gia đình mình: Cách đây 2 năm, vì ghen tuông mà cha đã dùng xăng đốt mẹ của em. Thấy vậy, 3 chị em T. lao vào cứu nhưng không được. Cũng vì tham gia cứu mẹ mà chị gái của T. bị bỏng nặng, sau đó tử vong. Mẹ của T. cũng bị chết cháy. Trên bàn tay phải nhỏ nhắn của T. vẫn còn vết bỏng không thể lành. T. tâm sự: “Em ước gì gia đình em không gặp phải sự cố đó, để mỗi lần gặp khó khăn trong cuộc sống em lại được tâm sự với cha mẹ mình như bao bạn bè khác…”.
Các em học sinh trao đổi tại diễn đàn “Lắng nghe trẻ em nói và mong muốn ở trẻ em”. Ảnh: C.Nghĩa
Em Trần Thanh Hoàng (15 tuổi, phường Trung Dũng, TP.Biên Hòa) tâm sự: Cha mẹ của em là chủ một doanh nghiệp, thường xuyên đi làm ăn xa nên ít khi em có được cơ hội ăn cơm cùng cha mẹ. Mọi việc học hành, ăn uống, mua sắm của Hoàng đều được giao cho cô giúp việc. “Trách nhiệm của cha mẹ với em không chỉ là cho em tiền, ăn uống đầy đủ để phát triển về thể chất mà em còn mong muốn từ cha mẹ những lời động viên, những lời khuyên để em cảm thấy còn được chăm sóc cả về tinh thần” - Thanh Hoàng nói.
Còn em Lê Trần Thu Quyên (15 tuổi, xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu) tâm sự, em rất muốn gần gũi cha để được chia sẻ với em những suy nghĩ trong cuộc sống, có nhiều điều em không hiểu, muốn hỏi cha để được giải thích nhưng em lại rất sợ cha mắng là “sao cho ăn học mà về nhà cái gì cũng hỏi”. Nhiều khi em cảm thấy nản lòng vì cha chỉ biết cho tiền và quát “không học hành cẩn thận thì đừng có ngửa tay xin tiền”. Cũng như Quyên, em Phạm Quốc Chính (xã Quảng Tiến, huyện Trảng Bom) chia sẻ: “Em mong muốn mùa hè này được ở nhà tự ôn bài và đi học karatedo với bạn, nhưng cha mẹ nhất mực bắt em phải đi học thêm 4 môn ở nhà thầy cô”.
* … Và những vấn đề bức xúc trong xã hội
Ông Lâm Duy Tín, Phó giám đốc Sở LÐTB-XH chia sẻ với các em: “Người lớn luôn chú ý tới những gì các em quan tâm. Vì thế, tại diễn đàn này, các em có quyền được bày tỏ tất cả những gì các em suy nghĩ và kiến nghị những gì các em còn cảm thấy chưa hài lòng”.
Hưởng ứng gợi ý này, em Nguyễn Thị Kim Hoa, học sinh ở TX.Long Khánh phản ánh tình trạng học sinh trong dịp hè phải học thêm quá nhiều. Ðiều này xuất phát từ hai phía: phụ huynh sợ con mình học kém bạn bè, còn giáo viên thì tranh thủ dạy trước chương trình. Không chỉ có vậy, các em tham gia diễn đàn cũng đã phản ánh tình trạng nếu không đi học thêm thì bị một số giáo viên “đì”, hay đi học thêm thì biết trước được đề kiểm tra. Bên cạnh đó, các học sinh ở Xuân Lộc, Ðịnh Quán, Tân Phú... còn phản ánh về thực trạng phòng học, nhà vệ sinh xuống cấp gây ảnh hưởng tới chất lượng dạy và học.
Ông Lê Minh Hoàng, Giám đốc Sở GD-ÐT chia sẻ: “Vấn đề dạy thêm, học thêm tràn lan và một số biểu hiện tiêu cực khác mà các em nêu chính là những bức xúc mà ngành giáo dục đang quan tâm chấn chỉnh. Ở trường nào có các biểu hiện trên, các em học sinh có thể phản ánh với ban giám hiệu. Nếu không được giải quyết xác đáng, các em có thể gửi thư trực tiếp về sở, phản ánh cụ thể tên giáo viên, môn học... có tiêu cực. Sở sẽ kiểm tra để xử lý nghiêm minh. Về vấn đề cơ sở vật chất trường lớp, tỉnh đã và đang có nhiều nỗ lực để nâng cấp, xây mới nhiều trường lớp, trong đó chú ý đến các huyện vùng sâu, vùng xa”.
Riêng với ý kiến phản ánh của các em thiếu nhi về tình trạng thiếu sân chơi bổ ích trong dịp hè và công tác Ðoàn - Ðội ở nhiều trường còn mang tính hình thức, chị Bùi Thị Thuỷ, Phó bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội đồng Ðội tỉnh cho hay: “Chúng tôi đã và đang có nhiều cố gắng tạo ra các sân chơi cho các em và tiến hành bồi dưỡng kỹ năng công tác Ðội cho giáo viên tổng phụ trách Ðội. Ðồng thời, chúng tôi kiến nghị với tỉnh đầu tư xây dựng thêm các sân chơi cho trẻ em....”.
Bà Hoàng Ngọc Ðiệp, Trưởng phòng Gia đình (Sở Văn hóa - thể thao và du lịch) cho rằng: “Có nhiều nguyên nhân để con cái và cha mẹ không thể ngồi lại được với nhau, mặc dù sống chung trong một gia đình. Các em phải bình tĩnh, tìm nhiều cách để tiếp cận với phụ huynh. Ðiều quan trọng là các em phải khẳng định mình luôn chăm ngoan, học giỏi để cha mẹ tin tưởng và lắng nghe các em nói”.
Công Nghĩa