Báo Đồng Nai điện tử
En

Đối phó với bệnh tay chân miệng: Cần có sự vào cuộc từ nhiều phía

10:07, 23/07/2011

Dịch bệnh tay chân miệng (TCM) đang lan nhanh với số lượng trẻ mắc bệnh tăng lên mỗi ngày. Cho đến ngày 22-7, toàn tỉnh đã có 2.681 ca mắc bệnh, trong đó 14 ca tử vong.

Dịch bệnh tay chân miệng (TCM) đang lan nhanh với số lượng trẻ mắc bệnh tăng lên mỗi ngày. Cho đến ngày 22-7, toàn tỉnh đã có 2.681 ca mắc bệnh, trong đó 14 ca tử vong.
Nhằm hạn chế tình trạng bệnh lây lan, ngành y tế cũng đã chủ động đề xuất và triển khai các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh. Tuy nhiên, cho tới nay, dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát tốt…

Bác sĩ Chu Văn Thiện đang điều trị cho một bệnh nhi bị  tay - chân - miệng có biến chứng nặng.    Ảnh: P.L
Bác sĩ Chu Văn Thiện đang điều trị cho một bệnh nhi bị tay - chân - miệng có biến chứng nặng. Ảnh: P.L
NHIỄM NHIỀU, BIẾN CHỨNG NHANH
Bác sĩ Lê Văn Giai, Trưởng khoa nhiễm Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai cho biết, năm nay dịch TCM tăng nhanh đột biến. Số ca TCM điều trị nội trú tăng hơn gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái và số lượng bệnh nhi bị TCM điều trị ngoại trú cũng ở mức vài chục ca mỗi ngày.

* Trước tình hình dịch bệnh phức tạp, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các sở, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bệnh nhằm chủ động đối phó với diễn biến dịch bệnh, hạn chế tình trạng lây lan. Tỉnh cũng đã chỉ đạo Sở Tài chính cấp 10 tỷ đồng theo đề nghị của ngành y tế để mua thêm cloramin B cấp phát cho các hộ gia đình có con dưới 6 tuổi.
* Ngày 21-7, Sở Y tế đã tổ chức tập huấn cho đội ngũ y, bác sĩ của các đơn vị trực thuộc nhằm triển khai phác đồ điều trị bệnh TCM mới mà Bộ Y tế mới điều chỉnh. Theo đó, phác đồ điều trị mới này sẽ giúp các cơ sở y tế phân loại bệnh TCM để theo dõi một cách dễ dàng hơn.

Bác sĩ Chu Văn Thiện, Trưởng khoa hồi sức chống độc tích cực của bệnh viện cho biết thêm: “Năm nay, dịch bệnh TCM đã phá vỡ chu kỳ khi mùa cao điểm kéo dài. Đặc biệt là tình trạng người bệnh có biến chứng rất nhanh và nặng. Có trẻ mới nhiễm bệnh 3 ngày đã xuất hiện biến chứng nặng nề, khiến việc cấp cứu gặp nhiều khó khăn”.
Bác sĩ Thiện khuyến cáo, bệnh TCM thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 6 tuổi, rất dễ lây lan, nếu có dễ biến chứng tử vong nhanh, đặc biệt là đối với những trẻ dưới 3 tuổi. Bệnh thường lây qua đường tiêu hóa giữa các trẻ nhỏ sống cùng nhà và sinh hoạt cùng nhà trẻ, trường mẫu giáo. Do chưa có thuốc tiêm ngừa, nên việc giữ vệ sinh cho trẻ phải được gia đình và cộng đồng quan tâm.
TRÁCH NHIỆM KHÔNG CHỈ CỦA NGÀNH Y TẾ
Bác sĩ Cao Trọng Ngưỡng, Giám đốc trung tâm y tế dự phòng cho biết: “Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh TCM, trung tâm đã cấp 11 tấn cloramin B cho các địa phương để tẩy độc khử trùng tại các trường mẫu giáo, mầm non và các nhóm trẻ. Đối với các địa bàn có số ca mắc bệnh đông như: Biên Hòa, Trảng Bom, Vĩnh Cửu, nguồn thuốc được cấp tập trung hơn. Tuy nhiên, tình trạng dịch bệnh vẫn tiếp tục gia tăng. Trong vòng một tháng (từ 18-6 đến 18-7) số ca mắc bệnh tăng lên gấp đôi (từ 1.232 ca lên 2.484 ca) và tăng thêm 5 ca tử vong”. Cũng theo bác sĩ Ngưỡng, do có sự xuất hiện chủng virus TCM nhiều độc tính, dễ gây biến chứng nên tình hình diễn biến dịch bệnh năm nay phức tạp hơn nhiều. Dù đã có sự chủ động, thế nhưng sự phối hợp phòng ngừa giữa các ngành chưa thật tốt, vẫn còn những địa phương chưa vào cuộc hoặc vào cuộc chưa tích cực. Công tác tuyên truyền phòng chống dịch tại mỗi địa phương còn rất hạn chế, dẫn đến việc người dân không nắm được thông tin về dịch bệnh. Bên cạnh đó, ý thức của người dân về vệ sinh môi trường nói chung và vệ sinh cho trẻ nhỏ nói riêng cũng chưa thực tốt. Vì thế, để phòng chống tốt dịch bệnh, rất cần sự vào cuộc từ nhiều phía.

Phương Liễu


Tin xem nhiều