Vài năm trở lại đây, học sinh trong cả nước thường bắt đầu một năm học từ rất sớm. Có nơi ngay từ đầu tháng bảy, có nơi đầu tháng tám, giữa tháng tám và cũng có nơi giảng dạy từ ngày khai trường truyền thống vào 5-9. Học sinh học sớm là một ý tưởng của ngành giáo dục nhằm tránh thời gian bão lũ, nghỉ lễ, tết...
Vài năm trở lại đây, học sinh trong cả nước thường bắt đầu một năm học từ rất sớm. Có nơi ngay từ đầu tháng bảy, có nơi đầu tháng tám, giữa tháng tám và cũng có nơi giảng dạy từ ngày khai trường truyền thống vào 5-9. Học sinh học sớm là một ý tưởng của ngành giáo dục nhằm tránh thời gian bão lũ, nghỉ lễ, tết...
(ảnh minh họa) |
Thế là sau khi học sinh đi học 2, 3 tuần, có nơi 4, 5 tuần rồi mới được khai trường. Quần áo mới, sách vở mới, đồ dùng học tập mới đã hết mùi thơm nên ngày khai trường đi dự lễ, học sinh khó có cảm xúc như hồi xưa. Tội nghiệp nhất là các em mới vào lớp 1, lớp 6, lớp 10, khai trường chẳng còn nôn nao, hồi hộp, háo hức chờ đợi. Đâu còn niềm vui sướng, niềm hăm hở như bài văn của nhà văn nổi tiếng: “Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm mơn man của buổi tựu trường. Tôi sao quên được những cảm giác trong sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như mấy cành hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng... Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học...” (Tôi đi học - Thanh Tịnh).
Cách đây bốn năm, tôi đã phải giật mình về câu hỏi của đứa con mới vào lớp 1: “Ba ơi, cô bảo hôm nay đi dự lễ khai trường. Là lễ gì vậy ba?”. Tôi trả lời như trong từ điển tiếng Việt mà tôi từng dạy cho học trò mình: “Khai trường là bắt đầu năm học ở nhà trường”. Thằng bé vô tư: “Nhưng ba ơi, trường con học ba tuần rồi mà”. Hôm đó tôi đã không trả lời được câu hỏi của con. Và trong tâm hồn ngây thơ của những đứa trẻ như con tôi, ngày khai trường ấy đã không có một ấn tượng, dấu ấn gì để rồi năm lớp 3, cháu đã viết bài văn về ngày khai trường bằng đoạn mở đầu thế này: “Trường em học được ba tuần rồi thì làm lễ khai giảng. Ngày 5-9, cô chủ nhiệm và các anh chị đón em vào lớp một...”. Đọc những câu văn thiếu hồn, tôi đắng lòng.
Không ít lần tôi được các em học sinh của mình hỏi: “Thầy ơi, tựu trường là gì?”. Tôi cười, trả lời y như từ điển: “Học sinh tập trung tại trường vào ngày khai trường”. “Vậy tại sao chúng con học mấy tuần rồi mới khai trường?”. Thú thật, tôi đã mắc nợ các em câu trả lời. “Tựu trường” và “khai trường” thực chất chỉ là một. Tôi nhói lòng khi người lớn chúng ta cứ bắt con trẻ phải làm theo những điều trái với sách vở, trái với những gì thầy cô đã dạy! Một bất cập nữa mà từ khi thay đổi thời gian học đã vướng. Đó là “tựu trường” trước một tuần mới bước vào tuần đầu tiên của năm học. Một tuần kéo dài lê thê sáu ngày các em chỉ đến trường để thầy cô ôn tập, củng cố kiến thức cũ. Việc làm này đã vô tình tạo sự nhàm chán, mệt mỏi cho học sinh khi bước vào một lớp mới mà phải học lại cả núi kiến thức cũ. Sự hứng thú, chờ đợi học sách lớp mới còn đâu? Điều này đi ngược với khoa học giáo dục và tâm sinh lý lứa tuổi.
Ngay người lớn, khi đọc văn bản hành chính đã thấy không ổn với hai từ “tựu trường” và “khai trường” nữa là con trẻ. Buồn thay khi tâm hồn con trẻ đã không còn tươi rói niềm vui và sự háo hức với cảm xúc của ngày khai trường…
Đào Văn