Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài cuối: Tận dụng sân chơi cho trẻ

08:07, 15/07/2011

Cứ đến hè, vấn đề thiếu sân chơi cho trẻ lại là mối bận tâm của nhiều phụ huynh và Ban chỉ đạo hè các cấp. Tuy nhiên, thực tế còn nhiều địa điểm học sinh có thể tìm được sân chơi cho mình thì lại bị bỏ trống hoặc chưa khai thác hết tính năng.

Cứ đến hè, vấn đề thiếu sân chơi cho trẻ lại là mối bận tâm của nhiều phụ huynh và Ban chỉ đạo hè các cấp. Tuy nhiên, thực tế còn nhiều địa điểm học sinh có thể tìm được sân chơi cho mình thì lại bị bỏ trống hoặc chưa khai thác hết tính năng.

Chị Dương Thanh Nga (khu phố 3, phường Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) cho biết, do bận rộn công việc nên chị không sắp xếp đưa con đi chơi xa được. Còn đi chơi ở vài điểm trong nội ô TP.Biên Hòa thì con chị đi nhiều lần cũng thấy chán. Thế là chị chọn giải pháp đưa con đến siêu thị có nhà sách để con có dịp đọc nhiều sách mới trong khi mẹ tranh thủ mua sắm.

* Nhiều sân chơi còn bỏ trống

Khu du lịch Bửu Long (phường Bửu Long, TP.Biên Hòa), nay thuộc sự quản lý của Công ty TNHH một thành viên đầu tư phát triển Bửu Long, là nơi phù hợp để học sinh, sinh viên tổ chức các hoạt động tập thể, như: cắm trại, dã ngoại, các trò chơi lớn… Hè này, công ty thực hiện nhiều chương trình giảm giá vé vào cổng, vé các trò chơi. Riêng với học sinh đi theo đoàn do nhà trường tổ chức được miễn vé vào cổng. Tuy nhiên, theo công ty, lượng khách vào cổng trong hơn một tháng hè chỉ đạt 5 ngàn khách. Với một khu du lịch rộng, nhiều kiểu địa hình, hệ thống cây xanh, núi đá vôi và hồ nước như Khu du lịch Bửu Long thì số lượng khách như trên là con số khiêm tốn.

Trẻ em ở làng cá bè La Ngà (huyện Định Quán) tranh thủ phụ việc gia đình trong dịp hè.       Ảnh: Ngọc Giáp
Trẻ em ở làng cá bè La Ngà (huyện Định Quán) tranh thủ phụ việc gia đình trong dịp hè. Ảnh: Ngọc Giáp

 

Ông Trần Đăng Ninh, Phó giám đốc Công ty TNHH một thành viên đầu tư phát triển Bửu Long, cho biết: “Ngay đầu hè, công ty đã có thông báo gửi các trường trong toàn tỉnh, các anh chị tổng phụ trách Đội để giới thiệu về khu du lịch và các chương trình khuyến mãi có trong mùa hè này. Nhưng thực tế, lượng khách tham quan là học sinh, sinh viên vẫn còn ít. Hiện công ty đang nghiên cứu phương án đầu tư sân chơi trong công viên này. Chúng tôi hy vọng mùa hè năm sau sẽ có nhiều sân chơi mới và cuốn hút hơn đối với học sinh, sinh viên”.

Vào một cổng nhưng lại có thể tham quan và đọc sách tại 2 địa điểm khác nhau là Bảo tàng và Thư viện Đồng Nai nằm trong khuôn viên Trung tâm hội nghị và tổ chức sự kiện tỉnh. Có được lợi thế nằm ở khu trung tâm TP.Biên Hòa, nhưng 2 địa điểm này cũng luôn trong tình trạng vắng các em đến tham quan, đọc sách. Em Lê Thu Hằng, học sinh Trường THCS Trần Hưng Đạo (TP.Biên Hòa), cho biết: “Em cũng muốn đến Thư viện và Bảo tàng tỉnh trong dịp hè để tìm hiểu một số kiến thức liên quan tới lịch sử và địa lý… nhưng thấy bảo tàng vắng vẻ quá. Hơn nữa, một bảo tàng rộng lớn và có nhiều khu tham quan như thế, đi một mình thì em cũng ngại”.

Trái ngược với không khí vắng vẻ của Bảo tàng và Thư viện Đồng Nai trong dịp hè này là sự nhộn nhịp ở nhiều nhà sách, như: Nhà sách Fahasha tại siêu thị Co-opMart, siêu thị sách Thành Nghĩa, hay khu sách - đồ dùng học sinh tại siêu thị BigC... Tại những nơi này, nhiều độc giả nhí ngồi bệt xuống sàn nhà, tranh thủ đọc lướt các ấn phẩm truyện tranh, sách thiếu nhi một cách say sưa.

* Làm gì để tận dụng sân chơi?

Ông Trần Tất Thành, Giám đốc Thư viện tỉnh, cho biết: “Một trong những nguyên nhân khiến độc giả thiếu nhi ít đến với thư viện là do các em hiện nay có nhiều cách để tiếp cận với thông tin, kiến thức. Chỉ cần một chiếc máy tính kết nối internet là đã có thể tìm được tất cả, vừa nhanh vừa tiện lợi. Bên cạnh đó, điều kiện kinh tế gia đình đã khá giả hơn trước, phụ huynh sẵn sàng bỏ tiền ra mua sách cho con, thay vì dẫn con đến thư viện”. Cũng theo ông Thành, năm nay Thư viện tỉnh đã thực hiện việc đưa các đầu sách về các trường học của 2 huyện Vĩnh Cửu và Tân Phú để các em ở những nơi này có điều kiện đọc sách.

Cần tận dụng đầu tư các công trình trung tâm văn hóa - học tập cộng đồng xã để làm sân chơi, đó là ý kiến của ông Trần Nam Quy, Phó chủ tịch UBND xã Xuân Đường (huyện Cẩm Mỹ). Ông Quy cho rằng, là một xã còn nhiều khó khăn, nhưng Xuân Đường đã được Nhà nước đầu tư xây dựng một trung tâm văn hóa - học tập cộng đồng khá rộng rãi, khang trang. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, trung tâm văn hóa - học tập cộng đồng chỉ có vẻ khang trang bề ngoài, vì đầu tư để đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt của con em trong xã, thì ngân sách xã không kham nổi. Do vậy, rất cần Nhà nước hỗ trợ trang thiết bị, như: dụng cụ tập thể dục thể thao, thiết bị âm thanh, đồng thời có kế hoạch tập huấn bồi dưỡng cho đội ngũ quản lý trung tâm văn hóa xã... Nếu được đầu tư đúng hướng, đây sẽ là cách để tháo ngỡ phần nào tình trạng thiếu sân chơi cho trẻ em ở nông thôn hiện nay. 

Anh Bùi Xuân Thống, Bí thư Tỉnh đoàn, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo hè tỉnh, cho biết: Tình trạng thiếu về cơ sở vật chất đã tạo ra không ít khó khăn trong việc tổ chức các sân chơi cho các em thiếu nhi mỗi dịp hè, đặc biệt là các xã vùng sâu, vùng xa. Điều này khắc phục được sớm hay muộn còn tùy thuộc vào sự đầu tư của Nhà nước. Về phía Ban chỉ đạo hè tỉnh sẽ tiếp tục có những kiến nghị để được đầu tư xứng đáng. Tuy nhiên, trước mắt, ban chỉ đạo hè tỉnh đã chỉ đạo Ban chỉ đạo hè các huyện, TX.Long Khánh và TP.Biên Hòa tiếp tục nỗ lực, khắc phục khó khăn, tận dụng các sân chơi hiện có, sáng tạo những sân chơi mới, phù hợp với cơ sở để tạo điều kiện tốt nhất cho các em thiếu nhi trong toàn tỉnh có được mùa hè vui vẻ, bổ ích trước khi năm học mới bắt đầu.

 

Bà Phạm Thị Lệ Thủy, Chi cục phó Chi cục Bảo trợ xã hội - chăm sóc và bảo vệ trẻ em tỉnh, cho biết: “Từ nhiều năm nay, việc đầu tư hệ thống sân chơi, các tụ điểm giải trí cho trẻ em đã được kiến nghị, nhưng vẫn chưa có được những bước chuyển nào đáng kể. Hệ thống sân chơi nói chung dành cho trẻ em không chỉ thiếu mà còn nghèo nàn. Chúng tôi mong muốn vấn đề này cần được quan tâm đúng mức. Việc có được hệ thống sân chơi lành mạnh sẽ là yếu tố quan trọng để giảm thiểu tình trạng trẻ em bị chết đuối, tai nạn thương tích vào dịp hè…”. Bà Phạm Thị Lệ Thủy nêu ví dụ, Chi cục đã tính tới chuyện tập huấn phương pháp dạy bơi cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý trẻ em, giáo viên tổng phụ trách Đội ở các xã của huyện Xuân Lộc, Định Quán, sau đó đội ngũ này sẽ dạy lại cho các em, nhưng do cả hai huyện này đều không có hồ bơi nên việc dạy bơi vẫn chưa thể tiến hành...

 

 

Công Nghĩa



 

 

 

Tin xem nhiều