Trong khi hiện nay ở nhiều ngành công nghiệp, đời sống và thu nhập của công nhân còn rất khó khăn thì ở tỉnh Bình Phước, nhiều thanh niên hiện nay đang mơ ước trở thành công nhân để thỏa ước mơ đổi đời. Vì sao vậy?
Trong khi hiện nay ở nhiều ngành công nghiệp, đời sống và thu nhập của công nhân còn rất khó khăn thì ở tỉnh Bình Phước, nhiều thanh niên hiện nay đang mơ ước trở thành công nhân để thỏa ước mơ đổi đời. Vì sao vậy?
Năm 1995, khi chỉ mới bước chân vào ngành, chị Hà Thị Phương Mai nào dám mơ một cuộc sống sung túc. Thế nhưng 16 năm qua, với nhiệt tình lao động của mình, công việc và công ty chị phục vụ đã mang đến cho chị một gia đình êm ấm, một cuộc sống no đủ. Hiện nay, ngoài mức lương bình quân 8 triệu đồng/tháng, mỗi năm chị còn được công ty thưởng từ 20 - 30 triệu đồng. Công đoàn cơ quan thường xuyên chăm lo đời sống tinh thần qua các hoạt động tham quan, giải trí. Con cái chị được học hành trong điều kiện tốt, thư viện - nhà văn hóa công ty giúp cho vợ chồng chị bồi dưỡng thêm nhiều lĩnh vực kiến thức. Gia đình chị hiện nay không thiếu các tiện nghi như người thành phố, nào là máy giặt, tủ lạnh, truyền hình, vi tính... Ngôi nhà của chị rất khang trang. Tất cả đều nhờ vào dòng nhựa trắng cao su của nông trường cao su Thuận Phú, Công ty cao su Đồng Phú.
* Thủ đô “cao su” của cả nước
Bình Phước hiện được xem là thủ phủ của ngành cao su Việt Nam với diện tích hơn 200.000 hécta cao su. Ngành cao su ở tỉnh này mỗi năm giải quyết công ăn việc làm cho hơn 30.000 lao động tại địa phương.
Những năm qua, ngành cao su Việt Nam nói chung, tỉnh Bình Phước nói riêng đạt thành công cao trong sản xuất - kinh doanh, đặc biệt, năm 2010 được đánh giá là một năm thắng lợi toàn diện. Hiện nay, mức lương của công nhân cao su trên địa bàn tỉnh Bình Phước từ 7 - 9 triệu đồng một tháng. Ngoài ra, công nhân còn được hưởng nhiều chính sách đãi ngộ khác.
Ngày hội thi đua mở miệng cạo của thanh niên Công ty TNHH MTV cao su Phú Riềng. |
Đồng chí Nguyễn Tấn Hưng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước cho biết, hiện nay, ngành cao su Bình Phước đóng góp 1/3 ngân sách tỉnh và góp phần tạo công ăn việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh. Chính vì thế, Tỉnh ủy Bình Phước đang chỉ đạo bằng mọi giá phải cố gắng làm thế nào giữ thật vững và tăng thêm diện tích cao su, đồng thời, sản xuất cao su phải đi vào chiều sâu, cụ thể là phải năng suất. Các vùng đất xấu sẽ cố gắng phát triển các dự án chăn nuôi để khoanh vùng, đầu tư thêm về kỹ thuật nông nghiệp để tăng năng suất”.
Hiện nay, theo thống kê của UBND tỉnh Bình Phước, 80,6% số hộ công nhân của các công ty cao su trên địa bàn tỉnh có nhà mái tôn, ngói đỏ. Trên 95% số hộ có phương tiện nghe nhìn. 100% số công nhân đi làm bằng xe gắn máy. Cuộc sống gia đình công nhân không chỉ nâng cao mà còn nhiều nguồn thu nhập từ điều, cà phê, cao su tiểu điền và cây ăn trái, đảm bảo tốt cuộc sống có tích lũy.
* Mơ ước là công nhân
Rất nhiều thanh niên trong tỉnh hiện nay có nguyện vọng trở thành công nhân các công ty MTV cao su trên địa bàn. Giải thích lý do của ước mơ này, bạn Nguyễn Thành Dơn, một học sinh vừa tốt nghiệp THPT nói: Làm công nhân cao su có thu nhập ổn định, em không thể thi nổi đại học nên muốn chọn một nghề gần với khả năng của mình. Còn bạn Điểu Thiết - người dân tộc S’Tiêng - ở Bình Lộc cho biết: “Đi làm công nhân cao su, ngoài thu nhập ổn định, mình còn có thể đóng góp cổ phần để cùng làm chủ nông trường”. Chị Nguyễn Thị Lắm, một người dân từ miền Bắc mới nhập cư vào tỉnh này nói thêm, ở các công ty cao su đều có tổ chức Công đoàn chăm lo cho công nhân ăn những bữa trưa, đi làm có tiền bồi dưỡng độc hại. Công đoàn cũng tổ chức cho công nhân vui chơi giải trí, tham quan các danh lam thắng cảnh trong nước cũng như ở ngoài nước.
Tất nhiên, không phải ai muốn cũng có thể trở thành công nhân các nông trường cao su, vì phải có trình độ phổ thông nhất định. Tuy nhiên, tùy theo vùng, các công ty cao su cũng có những chính sách linh động.
Ví dụ, nông trường cao su Lợi Hưng (Công ty cao su Bình Long) nằm trên vùng có đông đồng bào dân tộc S’Tiêng sinh sống. Những năm gần đây, cùng với ưu tiên tuyển chọn công nhân là người dân tộc thiểu số, nông trường chủ động phối hợp với ngành giáo dục bổ túc trình độ văn hóa cho công nhân.
Theo chế độ cử tuyển công nhân vào làm việc ở nông trường phải có trình độ văn hóa tối thiểu từ THCS trở lên, nếu công nhân vào làm việc chưa đạt yêu cầu trên phải làm cam kết đi học bổ túc để đạt trình độ chuẩn theo quy định. Vì vậy từ năm 1990, nông trường đã có phong trào xóa mù chữ cho công nhân, nhất là công nhân người dân tộc thiểu số. Năm 2001, được sự giúp đỡ của ngành giáo dục, nông trường đã thực hiện phổ cập xong bậc tiểu học cho công nhân. Năm 2002, hai lớp THCS đầu tiên tại nông trường được mở. Năm 2004, nông trường có 38 công nhân dân tộc thiểu số tốt nghiệp THCS và năm 2005 đã có 74 công nhân tốt nghiệp THCS. Hiện tại, nông trường đang có 104 học viên đang theo học THCS, trong số đó học viên dân tộc thiểu số chiếm 40%.
***
Hình ảnh người công nhân có thu nhập ổn định và cùng làm chủ nông trường ở Bình Phước đang hấp dẫn nhiều thanh niên trong độ tuổi lao động hiện chưa có việc làm ổn định. Làm công nhân cao su, có cơ hội được sinh hoạt trong một môi trường thân ái, được tiếp cận với kỹ thuật nông nghiệp cao, tiếp cận với máy móc sản xuất và chế biến hiện đại, và đặc biệt, được thỏa khát vọng đổi đời của nhiều người dân còn khó khăn ở đây.
Nguyễn Dũng