Báo Đồng Nai điện tử
En

Xây dựng trường học hạnh phúc

Tường Vi
07:19, 04/01/2025

“Trường học hạnh phúc” đang là mục tiêu mà nhiều trường học hướng đến. Ở đó, “mỗi ngày đến lớp là một niềm vui” không chỉ dành cho học sinh, mà cho cả cán bộ, giáo viên, nhân viên. Phụ huynh cũng là một phần không thể thiếu của trường học hạnh phúc…

Học sinh lớp 4/1, Trường tiểu học An Hảo (thành phố Biên Hòa) trong giờ học.
Học sinh lớp 4/1, Trường tiểu học An Hảo (thành phố Biên Hòa) trong giờ học. Ảnh: Tường Vi

Giờ ra chơi, học sinh Trường tiểu học An Hảo (thành phố Biên Hòa) vui vẻ chạy nhảy, nô đùa trong sân trường. Thấy cô Hiệu trưởng Phạm Thị Nguyệt đang đứng dưới sân trường, một nhóm học sinh chạy đến ôm cô Nguyệt, cả nhóm 5-7 học trò cùng ôm cô như thế một lát rồi chạy đi, vẫn nụ cười trên môi.

Để học sinh có cơ hội thể hiện bản thân

Cách đây gần chục năm, cụm từ “trường học hạnh phúc” còn khá xa lạ với hầu hết các trường học. Khi ấy, với vai trò Hiệu trưởng Trường tiểu học An Hảo, cô Phạm Thị Nguyệt đã đặt quyết tâm phải xây dựng được môi trường học tập hạnh phúc cho học sinh và cả giáo viên của trường.

“Hạnh phúc nghe có vẻ mông lung lắm. Như thế nào là hạnh phúc? Trẻ con vui, trẻ con thích, thầy cô đến trường vui, phụ huynh yên tâm, nhà trường trở thành nơi mà mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên đều có động lực muốn đến trường. Tôi nghĩ rằng đó là một trường học hạnh phúc” - cô Nguyệt tâm sự.

Trường tiểu học An Hảo tổ chức nhiều câu lạc bộ cho học sinh tham gia như: nhảy hiện đại, cờ vua, võ thuật, mỹ thuật…

Để tạo dựng được một môi trường học tập, làm việc hạnh phúc đó, Trường tiểu học An Hảo tập trung đầu tư, xây dựng cảnh quan, môi trường sạch đẹp, thân thiện; tổ chức nhiều hoạt động để học sinh tham gia; xây dựng mối quan hệ thân thiện với phụ huynh học sinh. Đặc biệt, giáo viên thay đổi phương pháp dạy học để học sinh có cơ hội vừa học, vừa chơi. Ban đầu, không phải tất cả các thầy, cô đều làm theo nhưng sau khi thấy được hiệu quả, lợi ích của việc thay đổi thì các giáo viên vui vẻ “chuyển động”.

Qua nhiều năm, chính sự thay đổi của nhà trường, của giáo viên và cả phụ huynh đã tạo nên thế hệ học sinh luôn vui vẻ khi đến trường.

Trường tiểu học An Hảo cũng thường tặng huy chương cho học sinh, chỉ cần các em tham gia tích cực các hoạt động, phong trào của trường là được, chứ không cần phải có thành tích cao.

Cô Phạm Thị Nguyệt cho biết, điều cô cảm thấy hài lòng nhất sau 8 năm kiên trì theo đuổi việc xây dựng trường học hạnh phúc là chính bản thân cô muốn đến trường nhiều hơn, vì ở đó có những đồng nghiệp, học sinh luôn nở nụ cười rạng rỡ.

Học sinh chủ động xây dựng trường học hạnh phúc

“Thực hiện mục tiêu xây dựng trường học hạnh phúc, chúng mình đề xuất nhà trường được trồng “Cây điều ước” ở khuôn viên nhà trường. Mong rằng, dưới tán cây này, quý thầy cô và các bạn có thể gửi gắm những thông điệp về niềm tin cùng tình yêu thương của mình. Mong rằng “Cây điều ước” sẽ trở thành nơi để các bạn gửi gắm những ước mơ về học tập và cuộc sống. Có những điều ước cho bản thân và có cả những điều ước cho xã hội…” - đó là những dòng trong lời ngỏ của nhóm học sinh Phạm Nguyên An Nhiên và Nguyễn Hoàng An Khánh, học sinh lớp 9/2,Trường trung học cơ sở Lê Quý Đôn (thành phố Long Khánh), gửi cho các bạn cùng trường. An Nhiên và An Khánh cũng là đồng tác giả của Dự án Một số giải pháp góp phần xây dựng trường học hạnh phúc.

Khi nhận được lời ngỏ, rất đông học sinh đã không ngần ngại bộc bạch những tâm sự, những ước muốn của riêng mình để mong rằng có người sẽ lắng nghe. Những tâm sự, ước muốn của các học sinh được ghi ra phiếu, sau đó nhóm học sinh này ghi lại và treo trên “Cây điều ước” ở sân trường.

Để giúp cho Ban giám hiệu và các thầy cô có thể dễ dàng theo dõi, nắm bắt kịp thời nguyện vọng của học sinh, những điều ước đã được Ban giám hiệu đọc sẽ được buộc dây màu xanh, những điều ước chưa đọc sẽ buộc dây màu đỏ.

Ước mong của các học sinh có khi rất đơn giản như: “Em ước cha mẹ sẽ thấu hiểu em hơn...”, hay “Em ước trong tương lai, em có thể học giỏi hơn để sau này lo cho gia đình và bản thân. Các bạn sẽ luôn hòa đồng và chơi chung với nhau hết cuối kỳ để có những kỷ niệm thật đẹp”, “Em ước cha không nổi nóng vô lý với mẹ con em”...

Với những tâm sự, chia sẻ đó, “Cây điều ước” trở thành nơi học sinh gửi gắm những tình cảm, nguyện vọng, mong ước của mình. Mỗi lời ước là một thông điệp các bạn muốn gửi đến thầy cô, cha mẹ, bạn bè.

Ngoài “Cây điều ước”, dự án còn có các hoạt động như: Hòm thư bí mật; Diễn đàn Đối thoại giữa học sinh với Ban giám hiệu; Bồ câu đưa thư… Những hoạt động này đều thu hút sự quan tâm của học sinh hơn, mang ý nghĩa nhân văn, tính thiết thực và có giá trị giáo dục.

Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở Lê Quý Đôn Nguyễn Thị Lộc chia sẻ: “Cây điều ước thể hiện tất cả những mong ước của các em, dù rất bình thường nhưng Ban giám hiệu, thầy cô giáo cũng phải nhìn nhận lại những vấn đề trong thực tế. Đây cũng là kênh để nhà trường tập trung hơn trong công tác quản lý, giáo dục để đáp ứng được các nguyện vọng, ước mơ của học sinh”.

Để có được một ngôi trường hạnh phúc thì học sinh, nhất là học sinh tuổi mới lớn, rất cần sự thấu hiểu, thấu cảm của thầy cô. Từ đó, các em có thể dễ dàng chia sẻ, gần gũi, kính trọng thầy cô hơn. “Cây điều ước” như một cầu nối đã và đang giúp nhà trường thực hiện sứ mệnh này. 

Tường Vi

Tin xem nhiều