Báo Đồng Nai điện tử
En

Tạo không gian mở cho giáo viên và học sinh nhờ chuyển đổi số

Công Nghĩa
07:15, 06/01/2025

Nỗ lực ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), quyết tâm chuyển đổi số trong giáo dục đã thực sự mang lại những tiết học mới lạ và hiệu quả ở nhiều cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Học sinh Trường trung học cơ sở Lê Đình Chinh (xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom) trong tiết học môn Tiếng Anh được kết nối trực tuyến với học sinh Trường trung học cơ sở Sông Ray (huyện Cẩm Mỹ). Ảnh: Thu Thảo
Học sinh Trường trung học cơ sở Lê Đình Chinh (xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom) trong tiết học môn Tiếng Anh được kết nối trực tuyến với học sinh Trường trung học cơ sở Sông Ray (huyện Cẩm Mỹ). Ảnh: Thu Thảo

Trái ngược với những tiết học có phần khép kín và khô khan, các lớp học kết nối của Trường trung học cơ sở (THCS) Lê Đình Chinh (xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom) đã thực sự mang lại cảm hứng học tập và sáng tạo cho học sinh.

Luồng gió mới vào những tiết học

Nhờ áp dụng những kỹ năng có được từ Dự án Giáo dục lớp học kết nối mà cô Vũ Thị Diễm, giáo viên môn Tiếng Anh Trường THCS Lê Đình Chinh đã tạo được luồng gió mới cho học sinh qua những tiết học ở trên lớp. Không giống một tiết dạy thông thường, tiết dạy của cô Diễm được kết nối trực tuyến với giáo viên và học sinh ở một trường khác nhờ internet và các thiết bị số. Các thiết bị này phần lớn là do cô Diễm chủ động đầu tư cho bản thân để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ giảng dạy.

Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo TRƯƠNG THỊ KIM HUỆ:

Đánh giá thực chất hiệu quả chuyển đổi số trong trường học

Sở Giáo dục và đào tạo đã tham mưu cho UBND tỉnh dành ngân sách ưu tiên đầu tư trang thiết bị, bồi dưỡng kỹ năng CNTT cho cán bộ quản lý và giáo viên để giúp các trường chuyển đổi số từ khâu quản lý đến công tác dạy và học. Để việc chuyển đổi số hiệu quả và thực chất, sở đã tiến hành khảo sát và đánh giá mức độ chuyển đổi số, từ đó tạo động lực cho các trường tiếp tục thực hiện hiệu quả hơn chiến lược chuyển đổi số.

Trong tiết dạy kết nối, cô Diễm và học sinh của lớp mình có thể giao lưu, trao đổi với giáo viên và học sinh ở trường khác về một chủ đề nào đó đã được chuẩn bị từ trước. Học sinh của 2 lớp cùng trao đổi qua lại với nhau để hiểu vấn đề nêu ra trong tiết học một cách sâu hơn. Cũng nhờ kết nối tiết dạy với giáo viên nhiều trường khác mà cô Diễm có dịp chia sẻ và học hỏi kiến thức, kinh nghiệm giảng dạy hiệu quả.

Em Lê Thủy Tiên, học sinh Trường THCS Lê Đình Chinh, sau nhiều lần tham dự tiết học kết nối trực tuyến với giáo viên và học sinh các trường khác bày tỏ: “Những tiết học kết nối thường không nhàm chán mà ngược lại rất sôi nổi vì có giáo viên của 2 trường cùng đứng lớp. Học sinh của 2 lớp có thể phát biểu ý kiến đưa ra nhiều quan điểm khác nhau về một vấn đề, qua đó em nắm được kiến thức sâu hơn”.

Còn tại Trường THCS Sông Ray (xã Sông Ray, huyện Cẩm Mỹ), cũng từ Dự án Lớp học kết nối, nhiều giáo viên đã có cơ hội nâng cao kỹ năng CNTT, từ đó nâng cao chất lượng dạy và học. Hiệu trưởng nhà trường Nguyễn Văn Huy chia sẻ: “Nếu giáo viên chỉ bó hẹp với môi trường dạy và học trong chính ngôi trường của mình thì khả năng sáng tạo trong dạy và học sẽ khó đạt hiệu quả cao. Khi có điều kiện kết nối với giáo viên ở nhiều trường khác, giáo viên có thể học hỏi được nhiều phương pháp mới và áp dụng vào thực tế ngay”.

Động lực chuyển đổi số trong giáo dục

Sau gần 5 năm triển khai, đến nay, Chương trình Giáo dục phổ thông mới 2018 đã phủ kín từ lớp 1 đến lớp 12. Trưởng phòng Giáo dục và đào tạo huyện Vĩnh Cửu Huỳnh Văn Gắt cho biết, khi triển khai Chương trình Giáo dục mới, giáo viên bắt buộc phải ứng dụng CNTT và chuyển đổi số. Quá trình này giáo viên không “tự bơi” mà ngành luôn đồng hành bằng trang bị kỹ năng, cơ sở vật chất cho các trường để từng bước xây dựng trường học số. Đơn cử như huyện đã xây dựng thành công một số mô hình Thư viện số, Trường học trí tuệ, từ đó nhân rộng ra các trường khác.

Còn tại thành phố Biên Hòa, địa phương chiếm tới 1/3 số lượng học sinh của toàn tỉnh, nhiều giáo viên đã chủ động cập nhật kiến thức và kỹ năng CNTT ở các nội dung mới mẻ, như: lập trình trí tuệ nhân tạo (AI), ứng dụng AI xây dựng bài giảng, tạo hứng thú học tập cho học sinh. Không ít giáo viên của các trường trên địa bàn thành phố đã được công nhận là giáo viên sáng tạo toàn cầu của Microsoft và đang là những nhân tố tích cực xây dựng trường học số.

Điển hình như Trường THCS Tam Phước (phường Tam Phước, thành phố Biên Hòa), sau nhiều năm kiên trì phấn đấu, năm học này, trường đã trở thành trường công lập đầu tiên của tỉnh được công nhận là Trường học điển hình của Microsoft. Hiện phần lớn công tác quản lý hồ sơ, sổ sách, giáo án của giáo viên và học sinh tại Trường THCS Tam Phước không còn sử dụng bằng giấy tờ, thay vào đó quản lý trên hệ thống. Hay như trong công tác dạy và học cũng đã được nhà trường thực hiện chuyển đổi số bằng ứng dụng CNTT, học sinh và giáo viên có thể truy cập khai thác học liệu trên không gian thư viện số không giới hạn.

Hiệu trưởng Trường TH-THCS-THPT Lê Quý Đôn - Quyết Thắng Trần Vương Nhi (phường Trung Dũng, thành phố Biên Hòa) chia sẻ: “Chuyển đổi số mang lại những cơ hội đổi mới tư duy sáng tạo cho giáo viên, giúp học sinh tích cực học tập và học tập hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà trường cũng trở nên đơn giản, hiệu quả và tiết kiệm chi phí thời gian và tiền bạc nhiều hơn”.

Công Nghĩa

Tin xem nhiều