Báo Đồng Nai điện tử
En

Phát triển tài sản trí tuệ trong nghiên cứu tại trường đại học

Hải Yến
08:31, 10/12/2024

Nghiên cứu khoa học là nhiệm vụ, hoạt động thường xuyên của giảng viên, sinh viên các trường đại học. Kết quả hoạt động nghiên cứu hoàn toàn có thể được phát triển trở thành tài sản trí tuệ, từ đó mang lại nhiều giá trị hơn.

Sinh viên ngành sư phạm Hóa học của Trường đại học Đồng Nai thực hành tại phòng Lab. Ảnh: Hải Yến
Sinh viên ngành sư phạm Hóa học của Trường đại học Đồng Nai thực hành tại phòng Lab. Ảnh: Hải Yến

Tuy nhiên, việc phát triển tài sản trí tuệ trong hoạt động nghiên cứu khoa học tại các viện, trường đại học hiện chưa được như mong muốn.

Những con số khiêm tốn

PGS-TS Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Trung tâm Sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, dẫn số liệu từ một bài báo cho thấy, từ năm 1981 đến nay, Việt Nam có khoảng 2,6 ngàn bằng sáng chế, 2,8 ngàn bằng độc quyền giải pháp hữu ích. Trong đó, tỷ lệ các bằng sáng chế, bằng độc quyền giải pháp hữu ích đến từ các cơ sở giáo dục chỉ chiếm 4%. Con số này rất khiêm tốn so với con số 9 ngàn giáo sư, phó giáo sư; 24 ngàn tiến sĩ; 100 ngàn thạc sĩ trên cả nước.

Mới đây, Sở Khoa học và công nghệ, Trường đại học Lạc Hồng, Trung tâm Sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) đã phối hợp tổ chức Hội nghị Nhận diện, quản trị và phát triển tài sản trí tuệ trong hoạt động nghiên cứu tại các viện, trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Trong khi đó, hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục được thực hiện trong các trường đại học, viện nghiên cứu. Những kết quả nghiên cứu này hoàn toàn có thể trở thành tài sản trí tuệ khi được đăng ký bằng độc quyền giải pháp hữu ích, bằng sáng chế…

Các tài sản trí tuệ này có thể thương mại hóa để đem lại giá trị về mặt kinh tế. Để làm được điều đó, hoạt động nghiên cứu phải luôn xuất phát từ nhu cầu thực tế, gắn với xu hướng công nghệ hiện hành. Có như vậy thì kết quả nghiên cứu mới sớm được ứng dụng, khai thác thương mại.

Bên cạnh đó, các trường đại học có thể đẩy mạnh hoạt động chuyển giao công nghệ và kêu gọi đầu tư. Muốn vậy, hoạt động nghiên cứu cần có sự hợp tác giữa các nhóm nghiên cứu mạnh, giữa doanh nghiệp - nhà trường. Đây được xem là con đường ngắn nhất để thương mại hóa và đi đến thành công.

Thúc đẩy phát triển tài sản trí tuệ từ hoạt động nghiên cứu

Ngày 24-12-2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2205/QĐ-TTg phê duyệt chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030. Theo đó, mục tiêu cụ thể đến năm 2025 là 100% các trường đại học, viện nghiên cứu được tuyên truyền, nâng cao nhận thức và hỗ trợ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các kết quả nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo. Đến năm 2030, số lượng đơn đăng ký bảo hộ sáng chế của các viện nghiên cứu, trường đại học tăng trung bình 16-18%/năm.

Tiếp đó, ngày 30-12-2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 109/2022/NĐ-CP quy định về hoạt động khoa học và công nghệ trong cơ sở giáo dục đại học. Nghị định 109 cho phép cơ sở giáo dục đại học được thành lập doanh nghiệp theo pháp luật về doanh nghiệp, phù hợp với định hướng phát triển của cơ sở giáo dục đại học. Doanh nghiệp trong cơ sở giáo dục đại học đủ điều kiện theo quy định được đăng ký chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ.

Cơ sở giáo dục đại học công lập được góp vốn bằng tài sản trí tuệ là kết quả nhiệm vụ khoa học và công nghệ có nguồn gốc ngân sách nhà nước đã được cơ quan có thẩm quyền giao quản lý sử dụng để liên doanh, liên kết nếu đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật về khoa học và công nghệ, pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, pháp luật về sở hữu trí tuệ, pháp luật về doanh nghiệp và pháp luật có liên quan khác…

Đây là những chính sách, căn cứ pháp lý quan trọng để thúc đẩy phát triển tài sản trí tuệ trong các trường đại học.

Tại Đồng Nai, ngày 4-5-2024, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1262/QĐ-UBND phê duyệt Chương trình Phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Đồng Nai đến năm 2030. Trong đó, mục tiêu cụ thể đến năm 2025 là 100% các trường đại học, viện nghiên cứu được tuyên truyền, nâng cao nhận thức và hỗ trợ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các kết quả nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo. Mục tiêu cụ thể đến năm 2030 là số lượng đơn đăng ký bảo hộ sáng chế của các viện nghiên cứu, trường đại học tăng trung bình 5-10%/năm.

Ngày 10-12-2022, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 30/2022/NQ-HĐND quy định mức hỗ trợ đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2030. Theo đó, tỉnh sẽ chi hỗ trợ kinh phí cho hoạt động đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ trong nước và quốc tế.

Cụ thể, khi đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ trong nước thì: đối với bảo hộ sáng chế, được hỗ trợ 3 triệu đồng/đơn được chấp nhận hợp lệ; đối với đăng ký bảo hộ, công nhận giống cây trồng mới được hỗ trợ 3 triệu đồng/đơn được chấp nhận hợp lệ; đối với bảo hộ kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu hàng hóa được hỗ trợ 15 triệu đồng/văn bằng bảo hộ.

Khi đăng ký bảo hộ ở nước ngoài cho các đối tượng bảo hộ sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hóa; đăng ký bảo hộ, công nhận giống cây trồng mới thì được hỗ trợ 60 triệu đồng/đơn được chấp nhận hợp lệ, các văn bản tương ứng theo quy định của tổ chức quốc tế hoặc quốc gia nộp đơn.

Nguồn kinh phí thực hiện hỗ trợ được trích từ nguồn chi sự nghiệp khoa học công nghệ thuộc ngân sách tỉnh hàng năm. Sở Khoa học và công nghệ là đơn vị phụ trách hoạt động này và có hướng dẫn chi tiết, cụ thể về thủ tục, đồng thời có nhân sự hỗ trợ các tổ chức, cá nhân, đơn vị về thủ tục liên quan.

Hải Yến

Tin xem nhiều