Dù đã tổ chức nhiều năm liền nhưng Chương trình Phát huy sáng kiến, sáng tạo trong lao động và học tập (Chương trình 6) vẫn thu hút được sự tham gia dự thi của nhiều cá nhân, tập thể. Trong đó, khối giáo dục vẫn chiếm ưu thế.
Giáo viên trình bày trước Ban giám khảo Chương trình Phát huy sáng kiến, sáng tạo trong lao động, học tập năm 2024. Ảnh: C.T.V |
Nhiều giải pháp dự thi Chương trình 6 được ứng dụng trong thực tiễn dạy học mang lại hiệu quả cao.
Sức hút từ Chương trình 6
Chương trình 6 là một trong 13 chương trình của Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa do Sở Khoa học và công nghệ làm chủ nhiệm. Hội thi năm nay do Sở Khoa học và công nghệ phối hợp với Sở Giáo dục và đào tạo tổ chức, thu hút hơn 445 giải pháp dự thi ở 2 bảng khoa học kỹ thuật và giáo dục. Trong đó, riêng bảng giáo dục có 250 giải pháp.
Mới đây, tại Trường trung học cơ sở Hùng Vương (phường Quang Vinh, thành phố Biên Hòa), Ban tổ chức Chương trình 6 đã tổ chức hội thi, triển lãm trưng bày các giải pháp có mô hình thực tế. Theo đó, có 72 giải pháp có các mô hình cụ thể trong tổng số 250 giải pháp trên lĩnh vực giáo dục tham gia Chương trình 6 được trưng bày.
Theo kế hoạch, Hội thi Phát huy sáng kiến sáng tạo trong lao động và học tập tỉnh Đồng Nai sẽ tổng kết và trao giải vào cuối tháng 12 này. Qua đó sẽ tiếp tục lan tỏa tinh thần thi đua sáng tạo, phát huy sáng kiến trong đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Để có được những mô hình này, các tác giả, nhóm tác giả là giáo viên, học sinh đến từ các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh đã dành nhiều thời gian, công sức để xây dựng, thiết kế. Quan trọng hơn là hầu hết các giải pháp, mô hình đều hướng tới lợi ích cộng đồng, góp phần mang lại hiệu quả, nâng cao chất lượng giáo dục tại đơn vị.
Theo đánh giá của Ban giám khảo, hầu hết các giải pháp năm nay đều thể hiện được tinh thần trách nhiệm, tâm huyết của đội ngũ giáo viên trong công tác dạy học. Nhiều giải pháp có tính mới, hiệu quả và khả năng áp dụng trong thực tiễn.
Ông Lương Quang Dương, thành viên Ban giám khảo Hội thi Chương trình 6 năm 2024, nhận xét: “Hội thi năm nay thu hút được nhiều giáo viên ở vùng sâu, vùng xa dự thi. Các thầy, cô đã tìm tòi nhiều cách để làm cho bài giảng trực quan, sinh động hơn, trong đó có nhiều giải pháp phần mềm giúp học sinh hứng thú hơn trong học tập”.
Ứng dụng trong thực tế giảng dạy
Các mô hình, giải pháp trên lĩnh vực giáo dục tham gia Chương trình 6 những năm gần đây đã bám sát yêu cầu về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; đặc biệt là đáp ứng với Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018.
Cô Đỗ Thị Thu Thủy và thầy Đoàn Việt Phương, giáo viên Tổ Toán - Tin Trường trung học cơ sở Hùng Vương (thành phố Biên Hòa), đã làm mô hình Trực quan kết hợp bài toán đơn giản khi dạy Hình học lớp 8 và hướng dẫn tạo ra sản phẩm trong học tập thông qua trò chơi.
Theo nhóm tác giả, mô hình được thiết kế với mong muốn giúp học sinh phát triển tư duy khái quát hóa, biến cái trừu tượng thành cái cụ thể; phát triển khả năng tự học, tự nghiên cứu, hình thành kiến thức mới và kỹ năng làm việc nhóm. Ngoài ra, giáo viên có thể kết hợp mô hình trực quan trong quá trình dạy học nhằm giúp bài học thêm sinh động, tạo được nhiều hoạt động học tập cho học sinh.
Cô Trần Phụng Vân, giáo viên Trường tiểu học Long Thành A (thị trấn Long Thành, huyện Long Thành), đã thiết kế mô hình Bản đồ để sử dụng trong quá trình giảng dạy bộ môn Lịch sử - Địa lý Việt Nam và giáo dục địa phương.
Theo chia sẻ của cô Vân, trong quá trình dạy học, cô luôn nhận thấy khó khăn của học sinh là khó xác định cũng như khó nhớ chính xác vị trí địa lý các địa phương qua bản đồ. Cùng với đó, để nâng cao ý thức bảo vệ môi trường đối với học sinh, cô Vân đã thiết kế một bộ bản đồ gồm: bản đồ Việt Nam, bản đồ tỉnh Đồng Nai, bản đồ huyện Long Thành một cách gần gũi và thân thiện hơn. Học sinh có thể vừa học, vừa thư giãn thông qua việc sắp xếp vị trí địa lý các địa phương trên bản đồ.
Phó hiệu trưởng Trường mầm non Trảng Dài (phường Trảng Dài, thành phố Biên Hòa) Nguyễn Thị Hải Yến cho hay: “Trường mầm non Trảng Dài tham gia Chương trình 6 với mô hình Ống nước biến hình. Các giáo viên của trường đã chuẩn bị nhiều ống nước và các nguyên vật liệu sẵn có của địa phương, đồng thời tận dụng vật liệu tái chế để làm các mô hình như: sân khấu kể chuyện, cột ném bóng rổ, thanh hít xà đơn, cũi em bé… Đây đều là những mô hình được dùng trong dạy học thực tế ở trường”.
Còn giáo viên Trường tiểu học Kim Đồng (xã Gia Canh, huyện Định Quán) Nguyễn Thị Ngọc cho hay, cô thiết kế ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy tiếng Anh, giúp học sinh học tiếng Anh hiệu quả hơn. Ứng dụng này chính là công cụ hỗ trợ học tập một cách gần gũi đối với học sinh, giúp nâng cao chất lượng học tập.
Hiệu quả từ việc đổi mới phương pháp dạy học của các thầy, cô giáo đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, khẳng định vai trò của giáo viên trong công cuộc đổi mới giáo dục. Dù với bất kỳ chương trình nào, nếu giáo viên nỗ lực, chịu khó tìm tòi, sáng tạo trong các phương pháp giảng dạy, chắc chắn sẽ tạo được hứng thú cho học sinh trong học tập, giúp các em phát triển được năng lực, phẩm chất như yêu cầu của Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018 đề ra.
Hải Yến
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin