Hiện nay, nhiều trường tiểu học công lập đã mạnh dạn triển khai mô hình học bán trú khi có điều kiện tổ chức dạy học 2 buổi/ngày. Ở những trường chưa tổ chức bán trú, phụ huynh thường chọn giải pháp gửi con cho giáo viên trông giữ ngoài giờ.
Học sinh Trường tiểu học Bình Đa (phường Bình Đa, thành phố Biên Hòa) dùng bữa trưa tại trường. Ảnh minh họa: C.NGHĨA |
Với các trường đã triển khai học bán trú tại trường, việc tổ chức bữa ăn trưa cho học sinh khá đảm bảo, dù còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, ở các điểm trông giữ học sinh ngoài giờ, việc chăm sóc, nhất là chất lượng bữa ăn trưa cần phải kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo sức khỏe và sự phát triển của trẻ.
Phụ huynh… chờ nhà trường mở bán trú
Khi triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông mới năm 2018, các trường đều phải triển khai dạy học 2 buổi/ngày. Điều này dẫn đến phụ huynh phải đưa đón con vào buổi trưa nếu như trường không triển khai mô hình bán trú. Nhiều trường công lập chưa thể triển khai bán trú, phần lớn phụ huynh phải lựa chọn giải pháp gửi con tại các điểm trông giữ trẻ ngoài giờ do giáo viên chủ nhiệm mở. Chi phí để gửi học sinh đến các điểm trông giữa trẻ ngoài giờ của giáo viên dao động từ 1,2-1,5 triệu đồng/học sinh/tháng (tùy theo khu vực dân cư).
Anh Lê Văn Thành có con học lớp 4 tại Trường tiểu học Trịnh Hoài Đức (phường Trung Dũng, thành phố Biên Hòa) cho biết: “Trường con tôi học dạy 2 buổi/ngày nhưng không triển khai bán trú. Buổi sáng 10h30 đã tan học, buổi chiều thì gần 14h mới vào học nên tôi không thể nào xin đi về sớm, hay đi làm muộn để đưa đón con được. Giải quyết bất tiện này, nhiều năm nay tôi phải gửi con cho giáo viên chủ nhiệm với mức phí 1,3 triệu đồng/tháng để giáo viên đưa rước con về nhà ăn trưa, ngủ nghỉ rồi lại đưa trở lại lớp bằng xe của giáo viên thuê”.
Việc trông giữ trẻ ngoài giờ là nhu cầu thực tế của phụ huynh không có điều kiện đưa đón, trông coi trẻ, tuy nhiên cần đề phòng tiêu cực, lợi ích nhóm trong hoạt động này. Do đó, những trường đã có đủ điều kiện bán trú, ban giám hiệu các trường cần mạnh dạn triển khai, thay vì cố tình để giáo viên đưa học sinh về nhà trông giữ ngoài giờ nhưng không đảm bảo về cơ sở vật chất, chạy theo lợi nhuận và bỏ qua chất lượng bữa ăn của học sinh.
Một chuyên viên của Sở Giáo dục và đào tạo cho biết, qua kiểm tra thực tế, các bữa ăn bán trú ở trường thường có chất lượng tốt, chi phí hợp lý. Trong khi đó, ở một số điểm trông giữ trẻ ngoài giờ, chất lượng bữa ăn của trẻ là điều đáng quan tâm. Do vậy, những trường nào đã có đủ điều kiện dạy 2 buổi/ngày thì nên mạnh dạn tổ chức bán trú để thuận tiện cho phụ huynh, đồng thời đảm bảo sức khỏe cho trẻ. Cần tránh chuyện để giáo viên đưa trẻ về nhà nhưng chất lượng bữa ăn không đảm bảo, phụ huynh thì phó mặc con cho giáo viên trông coi, nhà trường lại thiếu giải pháp quản lý.
Cần tăng cường mô hình bán trú
Chị Nguyễn Thị Dung có con đang học lớp 5 tại Trường tiểu học Tân Tiến (phường Tân Mai, thành phố Biên Hòa) cho biết: “Tôi yên tâm với mô hình bán trú của trường con đang học nhiều năm nay. Mỗi tháng tôi chỉ phải đóng 165 ngàn đồng phí bán trú (theo quy định), còn mỗi bữa ăn chính trường thu 28 ngàn đồng, bữa phụ là 7 ngàn đồng. Tổng số tiền bán trú một tháng tôi phải đóng dao động khoảng 1 triệu đồng trở lại”.
Cũng nhờ có mô hình bán trú của Trường tiểu học Tân Tiến mà nhiều năm nay chị Dung đã tiết kiếm được khá nhiều thời gian, chi phí đưa rước con.
Theo hiệu trưởng một số trường đã tổ chức bán trú, khi triển khai mô hình này từ hiệu trưởng đến giáo viên chủ nhiệm đều vất vả, áp lực. Chẳng hạn, nếu không thể nấu ăn trực tiếp ở trường được, nhà trường phải tìm đơn vị cung cấp suất ăn nhưng nếu không kiểm soát tốt thì nguy cơ xảy ra mất an toàn vệ sinh thực phẩm là rất lớn. Quá trình triển khai, không chỉ có hiệu trưởng mà giáo viên cũng phải ở lại trường buổi trưa để trông coi cho học sinh ăn trưa, hướng dẫn cho các em ngủ rồi mới tới lượt mình ăn trưa.
Hiệu trưởng Trường tiểu học Bình Đa (phường Bình Đa, thành phố Biên Hòa) Trần Thị Huyền cho hay: “Nhà trường có hợp đồng nấu ăn với một doanh nghiệp bếp ăn trường học theo mô hình của Nhật Bản. Toàn bộ quy trình nấu ăn hàng ngày được thực hiện ngay tại trường, sau đó đưa lên lớp phục vụ học sinh. Bản thân doanh nghiệp thực hiện nghiêm ngặt các quy trình nấu ăn khép kín nên nhà trường đỡ phải lo về an toàn vệ sinh thực phẩm. Phụ huynh cũng có thể vào kiểm tra quy trình nấu ăn, hay khi học sinh đang dùng bữa ở trên lớp nên phụ huynh khá an tâm”.
Còn tại địa bàn thành phố Long Khánh, nhiều trường tiểu học cũng đang nỗ lực triển khai mô hình bán trú hiệu quả, được phụ huynh ủng hộ. Điển hình như Trường tiểu học Kim Đồng, Trường tiểu học Lê Văn Tám… Hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Văn Tám Lê Phương Thủy cho biết: “Các bữa ăn đều có đủ món mặn, món xào, rau xanh, canh và món tráng miệng. Phần lớn học sinh đều ăn hết phần ăn của mình, có em còn xin thêm cơm. Sau thời gian theo dõi sức khỏe, học sinh có tăng cân nhờ ăn đủ chất và nghỉ ngơi tại trường đúng giờ giấc”.
Công Nghĩa
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin