Nhiều học sinh được nhận học bổng Vượt khó vì tương lai (VKVTL) lần thứ 22 của Báo Đồng Nai không chỉ có hoàn cảnh gia đình khó khăn, mà còn phải chịu nhiều thiệt thòi, thiếu thốn tình cảm yêu thương, chăm sóc của cha, mẹ. Bù lại, các em được sống trong vòng tay yêu thương của ông bà.
Em Trần Lê Minh Kiều, học sinh lớp 5/1, Trường tiểu học Xuân Lập (thành phố Long Khánh) được ông bà nội cưu mang, chăm sóc. Ảnh: H.Yến |
Với những học sinh may mắn còn cả cha và mẹ, các em có chỗ dựa vững chắc hơn, tự tin hơn để nuôi dưỡng ước mơ về một tương lai tươi sáng.
6 anh chị em được ông bà cưu mang
Trong số những học sinh được nhận học bổng VKVTL lần này, học sinh lớp 5/1, Trường tiểu học Xuân Lập (phường Xuân Lập, thành phố Long Khánh) Trần Lê Minh Kiều có hoàn cảnh rất éo le. Cha của Kiều vướng vòng lao lý 5 năm vẫn chưa về. Khi cha của em đi được một thời gian thì mẹ em giao cả 6 anh chị em Kiều cho ông bà nội chăm sóc để lấy chồng khác. Suốt 4 năm nay, 6 anh chị em của Kiều sống trong vòng tay yêu thương của ông bà nội và nhờ vào sự giúp đỡ của mọi người xung quanh. Hiện nay, người anh của Kiều học lớp 7; Kiều là con thứ 2, đang học lớp 5, 4 em còn lại lần lượt học lớp 3, 2, 1 và mẫu giáo.
Tiếp chúng tôi trong căn nhà xập xệ ở phường Xuân Lập, bà Nguyễn Thị Ngọc, bà nội của Kiều, không cầm được nước mắt trong suốt cuộc trò chuyện. Theo lời bà Ngọc, nguồn thu nhập ổn định duy nhất của gia đình là khoản lương hưu công nhân của bà với chỉ hơn 2 triệu đồng/tháng. Ông nội của Kiều trước đây làm công nhân thu gom rác nhưng do bệnh đau khớp không thể tiếp tục công việc nên phải nghỉ việc từ mấy năm nay. Dù sức khỏe yếu nhưng để nuôi sống gia đình 8 miệng ăn và lo cho các cháu học hành, ông phải chuyển sang làm phụ hồ nhưng việc không ổn định.
Em TRẦN LÊ MINH KIỀU bộc bạch: “Em không cảm thấy mình thua thiệt so với các bạn, vì được ông bà nội yêu thương, chăm sóc. Ở nhà có đông anh em chơi với nhau nên em thấy vui. Điều em thấy thiếu thốn duy nhất là thiếu tình thương của cha mẹ...”. |
Thương cha mẹ già và các cháu nên một người con trai của bà Ngọc dù kinh tế eo hẹp vẫn dành dụm hỗ trợ cho bà mỗi tháng 2 triệu đồng để có thêm chút tiền mua đồ ăn thức uống. Dẫu vậy, với 8 miệng ăn, nhất là với 6 đứa trẻ đang tuổi ăn tuổi lớn thì số tiền này chẳng thấm vào đâu. Bà Ngọc phải rất chật vật để tính toán chi tiêu, lo cho các cháu được những bữa cơm no.
Các thầy cô thương hoàn cảnh của anh chị em Kiều nên thường dạy thêm cho các em mà không lấy học phí. Ở trường, các em được ưu tiên hỗ trợ bảo hiểm y tế, các khoản đóng góp và những suất học bổng của hội khuyến học. Em gái út đang học mẫu giáo của Kiều được một mạnh thường quân hỗ trợ đóng tiền ăn, tiền bán trú hàng tháng. Nhờ vậy, ông bà Ngọc đỡ được một khoản lo.
Thương các cháu, bà Ngọc ở nhà lo cơm nước, chăm sóc, nhắc nhở các cháu học hành. Mong muốn của bà là có thể lo được cho các cháu học đến hết lớp 12. Ông nội của Kiều cho biết, ông bà đều đã lớn tuổi, sức khỏe yếu nên chỉ có thể cố gắng hết sức, lo được đến đâu hay đến đó.
Nỗ lực vượt khó
Ở Trường tiểu học Xuân Trung (phường Xuân An, thành phố Long Khánh), các thầy cô giáo ai cũng yêu mến cô học trò nhỏ Trần Thu Phương, học sinh lớp 3/1. Cô bé có gương mặt bầu bĩnh, trắng trẻo, giọng nói trong veo, rất ngoan ngoãn, lễ phép. Ngoài dáng vẻ đáng yêu, hoàn cảnh đặc biệt của Thu Phương khiến các thầy cô quan tâm, chú ý nhiều hơn.
Em Trần Thu Phương, học sinh lớp 3/1, Trường tiểu học Xuân Trung (thành phố Long Khánh). |
Mẹ của em qua đời khi em còn đang học mẫu giáo. Bà ngoại chăm sóc, nuôi nấng em, cho em tất cả hơi ấm tình thương. Khi Thu Phương mới vào lớp 1, một giáo viên trong trường có ý xin nhận Thu Phương về nuôi nhưng bà ngoại không muốn rời xa cháu gái của mình nên đã từ chối.
Bà ngoại Thu Phương già yếu cũng không thể bươn chải để nuôi cháu được nữa, mà phải sống dựa vào người con trai. Thương mẹ già và cháu gái phải chịu nhiều thiệt thòi, vợ chồng người bác (anh trai của mẹ Thu Phương) đã gánh vác nuôi cả 2 bà cháu.
Thu Phương kể: “Bác trai của con làm thợ hồ, còn bác gái đi phụ việc quán ăn. Bác thương con, thỉnh thoảng chở con đi học và mua đồ ăn cho con nữa”.
Vợ chồng người bác của Thu Phương có con trai năm nay đang học lớp 11, Thu Phương gọi là anh Hai và con gái mới 2 tuổi. Anh Hai thường xuyên đưa đón Thu Phương đi học. Khi cô giáo chủ nhiệm có việc cần liên lạc thường thông qua người anh trai này vì 2 bác bận đi làm, điện thoại của bà ngoại thì lúc liên lạc được, lúc không.
Thu Phương còn nhỏ nhưng rất hiểu chuyện. Ở nhà, em chủ động học bài, phần nào không hiểu thì nhờ anh Hai giảng giải. Em còn phụ bà ngoại làm việc nhà hoặc trông em cho bà. Cô bé còn khoe mình có thể bế em, cho em uống sữa và ru em ngủ.
Thu Phương nói rằng, bà ngoại gần gũi với em nhất. “Bà chỉ dạy con học bài. Mỗi khi con không ngủ được thì bà ru cho con ngủ. Những lúc đó, con cảm thấy ấm áp, con biết bà rất yêu thương con” - Thu Phương kể.
Cô Cao Thị Tuyết Dung, giáo viên chủ nhiệm lớp 3/1, cho biết: “Thu Phương tuy còn nhỏ nhưng rất hiểu chuyện. Em chăm ngoan, có ý thức tự học”.
Em Đỗ Thị Ni Ý, học sinh lớp 9/2, Trường trung học cơ sở Lý Thường Kiệt (huyện Xuân Lộc) học bài ở nhà. |
Một trường hợp khác là em Đỗ Thị Ni Ý, học sinh lớp 9/2, Trường trung học cơ sở Lý Thường Kiệt (xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc). Ni Ý sinh ra trong gia đình có 5 chị em gái, 2 người chị đầu của Ni Ý đã đi làm nhưng công việc chỉ đủ nuôi sống bản thân; còn 3 chị em gái vẫn đang tuổi ăn học, trong đó Đỗ Tằng Ngọc Nhi đang học lớp 12, Trường trung học phổ thông Võ Trường Toản, Ni Ý học lớp 9 và người em gái út đang học lớp 7.
Em ĐỖ THỊ NI Ý chia sẻ: “Em đặt mục tiêu thi đậu vào Trường trung học phổ thông Xuân Lộc để tiếp tục học tập. Về nghề nghiệp, em mong muốn theo đuổi ngành tâm lý”. |
Gia đình Ni Ý khá khó khăn: cha không có việc làm ổn định, mẹ làm nghề buôn bán dạo, thu nhập không đáng kể. Vì vậy, việc nuôi 3 con đang tuổi ăn học là khó khăn lớn của gia đình.
Hiểu được vất vả của cha mẹ, em Đỗ Tằng Ngọc Nhi dù đang học lớp 12, cần tập trung tối đa cho việc học nhưng vẫn chủ động tìm việc làm thêm để san sẻ gánh nặng với mẹ. Ni Ý chưa đi làm thêm để phụ giúp mẹ được nên nỗ lực học tập thật tốt để cha mẹ không phải phiền lòng.
Cô Nguyễn Thị Minh Tâm, giáo viên chủ nhiệm lớp 9/2, nhận xét: “Ni Ý ngoan ngoãn, chăm học. So với các chị em trong gia đình, Ni Ý học tốt nhất. Đối với bạn bè thì Ni Ý hơi trầm tính và khép mình so với các bạn, có thể một phần do em mặc cảm về hoàn cảnh gia đình”.
Chị Tằng Ngọc Cú (mẹ của Ni Ý) chia sẻ, chị chỉ biết cố gắng làm việc để nuôi các con ăn học...
Hải Yến
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin